|
Niềm vui của vợ chồng bà Liên bên khung dệt. |
Đến làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP Pleiku (Gia Lai) hẳn ai cũng biết vợ chồng nhà giáo Siu Kim Liên, một gia đình dân tộc thiểu số người Jrai lo cho 8 người con vào đại học. Chuyện học hành của gia đình ông làm nhiều người dân trên địa bàn học tập và làm theo.
Quyết học cái chữ
Nghe tin đã lâu, nhưng mãi tới những ngày gần đây tôi cùng một anh bạn đồng nghiệp mới đến được gia đình nhà giáo Siu Kim Liên. Một ngôi nhà nho nhỏ, được xây dựng khá lâu nhưng rất gọn gàng và sạch đẹp. Ông Rơmăh Biết thân mật mời chúng tôi ly nước chè xanh có chút hương gừng. Cạn ly nước, ông vào ngăn tủ lấy ra hai tấm bằng cao đẳng sư phạm của vợ chồng ông, được ép plastic.
Theo ông thì đây là vật quý nhất của cuộc đời, nó biểu hiện không những là cái chữ, con số mình được học, được tích lũy, mà còn là niềm tự hào của vợ chồng ông, hai con người nghèo khổ đã vượt qua biết bao nhiêu sóng gió đời thường, với ước mơ là học để được làm thầy dạy chữ cho con em mình, nơi làng quê nghèo. Đang vui câu chuyện thì bà Siu Kim Liên (vợ ông Biết) đi rẫy trồng cây về. Bà Liên vào nhà và góp thêm một bình rượu nếp than được ủ kính trong một cái bầu lớn. Khách, chủ uống thoải mái và cứ thế câu chuyện của chúng tôi lại tiếp diễn.
Sinh ra trong một làng nhỏ, ngày ngày trú ngụ dưới bóng nắng của những cây pơ lăng già nhuốm bụi đỏ. Mẹ bà Siu Kim Liên mất sớm nên người cha phải đi bước nữa. Sống không có tình yêu thương của mẹ, Kim Liên lên 10 tuổi mà thân người thì khẳng khiu như cây chuối nhỏ ven rừng. Người cha thương con, muốn cho con đi học để sau này thoát khỏi cảnh đói khổ nhưng nghiệt nỗi gia đình nghèo quá, lấy cái gì ăn mà đi học.
Bên cạnh đó thì người mẹ kế chỉ mong Liên bỏ học để có thêm một người đi làm… Cuối cùng ba Liên cũng đồng ý cho con theo học chương trình sơ cấp, trung cấp và tiếp đến là cao đẳng sư phạm. Còn ông Rơmăh Biết thì sinh ra tại một vùng đồi núi ở tỉnh Lâm Đồng, cuộc sống của ông cũng không khác bà là mấy, nên khi đi học, họ gặp nhau, đồng cảm và đến với nhau.
Năm 1960-1962, ông bà đều cùng học ở Trường Trung học Quy Nhơn, sau đó chuyển lên học cao đẳng sư phạm ở Buôn Ma Thuột. Ra trường, đi dạy học được 2 năm thì họ cưới nhau rồi về sống ở phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum. Đến năm 1971, ông bà về làng Bruk Ngol (nơi ở ngày nay) tiếp tục dạy học. Đến năm 1982, ông Biết được điều về làm cán bộ Phòng Giáo dục dân tộc, tại Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai được 10 năm rồi nghỉ hưu. Thời gian này bà Kim Liên vừa dạy học ở trường vừa dạy học cho 8 đứa con ở nhà, tuy vất vả nhưng với bà đó một hạnh phúc lớn, một niềm vui lớn vì đàn con đều hiếu học và học giỏi.
Nuôi 8 con vào đại học
Sau ngày giải phóng cho đến những năm 1980-1987, đời sống của đồng bào các dân tộc nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để nuôi đàn con học hành được tốt, vợ chồng bà Liên một buổi lên lớp, một buổi ra ruộng, lúc đầu thì trồng cây mì vừa lấy củ để ăn, vừa lấy củ để nấu rượu bán, còn xác thì nuôi heo, nuôi bò; tối về hai vợ chồng thắp đèn dầu soạn giáo án.
Vất vả nhiều mà cuộc sống vẫn chưa thoát ra khỏi cái nghèo. Nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng vợ chồng ông quyết định “chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, thôi không trồng cây mì nữa, năm sào đất tập trung trồng cây cà phê, cây tiêu (thời điểm này được coi là 2 giống cây xóa đói giảm nghèo). Không để mặt đất bỏ hoang cho cỏ mọc, lớp đất dưới gốc cà phê được ông bà trồng bí đỏ, cây dứa… xung quanh thì trồng cây bời lời. Ngoài ra ông bà còn trổ thêm tài dệt thổ cẩm, làm men nấu rượu cần truyền thống.
Vải dệt ra thì may quần áo rồi giao hàng cho bà con ở ngoài thành phố Pleiku bán hàng lưu niệm, rượu cần thì xuất xuống các tỉnh đồng bằng. Nhờ chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, lại bắt kịp với thời gian và làm thêm những mặt hàng truyền thống giá trị, thu hút khách hàng nên 3 năm sau kinh tế gia đình ông Biết đã khá lên, 8 đứa con không còn phải lên rẫy, lên nương... mà chỉ tập trung cho việc học tập. Nhiều gia đình quanh vùng thấy vợ chồng ông không những dạy con tốt nên người mà còn làm ăn phát triển nên cũng tìm đến nhờ ông bà chỉ bảo “phương thức sản xuất kinh tế hộ gia đình” và cũng đã trở thành những gia đình thoát nghèo và giàu có.
Mời chúng tôi uống hết chén rượu, bà Siu Kim Liên cho biết thêm về 8 đứa con “đại học” của gia đình bà. Bắt đầu từ người con gái đầu Siu Kim Ngọc, học ngành y và hiện làm tại Bệnh viện 331, tiếp theo Siu Oanh cũng làm tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Rồi lần lượt các em: Siu Berrna, Siu Kim Ngăm, Siu Lệ Uyên, Siu Lyna (đều là giáo viên), Siu Kim Ngân (kỹ sư nông nghiệp), con trai út Siu Cao Nguyên đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Tất cả đã tốt nghiệp đại học ra trường và đã có công ăn việc làm ổn định. Đây là niềm vui, hạnh phúc lớn lao nhất của gia đình bà.
Siu Cao Nguyên cho biết: “Em là đứa con cuối cùng của gia đình tốt nghiệp đại học, rất phấn khởi và tự hào vì được sinh ra trong một gia đình hiếu học, quý cái chữ, con số. Em sẽ cố gắng vận dụng những kiến thức đã học vào trong công việc, xứng đáng lòng mong mỏi của thầy cô giáo, cùng cha mẹ và anh chị em…”. Còn Siu Kim Ngân thì không giấu được niềm vui, em tâm sự: “Từ ngày ra trường và được làm việc tại Công ty Cao su Chư Pãh (Gia Lai), em rất mừng”.
Với kiến thức được học ở trường, Ngân đã vận dụng và phát huy “tay nghề” ngay trên từng lô và từng cây cao su. Hàng ngày, Siu Kim Ngân thường xuyên xuất hiện tại các lô nhận khoán của các hộ đồng bào; vừa hướng dẫn, Ngân lại vừa tập cho bà con cách trồng, chăm sóc và cạo mủ. Bên cạnh đó, Ngân đã nghiên cứu soạn thảo nhiều nội dung bài giảng tiếng Jrai, giúp bà con nắm bắt kỹ thuật về trồng, khai thác, chế biến mủ cao su một cách tốt nhất để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Một gia đình nhà giáo người dân tộc Jrai ở Tây Nguyên còn nghèo khó nhưng đã biết vượt lên tất cả để cho 8 đứa con, học được nhiều “cái chữ, con số”, trở về góp phần xây dựng làng quê giàu đẹp là một bông hoa pơ lăng ngát hương giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
. Theo SGGP
|