Mỗi năm dải đất từ Thanh Hóa đến Phú Yên hứng chịu 65% trận bão, lũ, áp thấp nhiệt đới của cả nước. Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai là trăn trở của đại biểu tham dự hội thảo ngày 23.5, tại Đà Nẵng.
|
Miền Trung là nơi gánh chịu nhiều thiên tai.
|
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, thiệt hại do bão lũ mỗi năm có thể bằng 1% GDP. Trong đó, miền Trung với gần 10 triệu dân chịu tổn thất nhiều nhất. Năm 2007, 3 cơn lũ xảy ra ở dải đất này đã cướp đi 155 sinh mạng, làm 12 người mất tích, gần 60.000 hộ dân phải sơ tán, hơn 60.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại...
Có một nghịch lý là lượng mưa năm sau không cao hơn năm trước, nhưng lũ lại lớn hơn. Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, lượng mưa trung bình trên lưu vực sông chính như Vu Gia, Thu Bồn của Quảng Nam trong đợt lũ tháng 11.1999 là 1.300 mm một ngày, gấp đôi lượng mưa trong đợt lũ đầu tháng 11.2007. Thế nhưng đỉnh lũ năm 2007 đã vượt năm 1999 0,2-0,5 m. Đặc biệt vùng thượng lưu, có nơi cao hơn đỉnh lũ năm 1999 cả mét.
Lý giải nghịch lý trên, các đại biểu cho rằng con người đã làm hại chính mình. Thống kê từ ngành lâm nghiệp cho thấy trung bình mỗi năm, cả nước mất 100.000 ha rừng. Sự biến mất của rừng thượng nguồn làm giảm khả năng giữ nước. Mưa to kéo dài, nước sẽ tràn xuống hạ lưu gây lũ lụt.
|
Các khu du lịch, công trình giao thông đang xén bớt những cánh rừng, gián tiếp làm gia tăng lũ lụt.
|
Một nguyên nhân quan trọng khác theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Chính là việc nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 1A, 14B, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua miền Trung đã biến chúng thành những đê bao ngăn cản đường thoát lũ. Hệ quả là diện tích và thời gian ngập lụt tại vùng thượng lưu kéo dài hơn trước đó.
Tháng 12.2007, Chính phủ ra nghị quyết 60 giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Các bộ Nông nghiệp, Giao thông, Kế hoạch, Tài chính và UBND 11 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên chịu trách nhiệm phối hợp. |
Đặc biệt, việc quy hoạch các khu đô thị, khu du lịch, khách sạn, resort ven biển đã chỉnh sửa dòng sông, bóp nhỏ cửa biển... làm ngập lụt nặng và kéo dài. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, cho rằng giải pháp như tăng cường xây dựng hồ đập chứa nước ở thượng nguồn để điều tiết lũ là không khả thi, thậm chí tăng nguy cơ gây lũ quét khi vỡ đập.
Gần 100 đại biểu đến từ các bộ ngành trung ương, lãnh đạo UBND 11 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã thống nhất phải "sửa sai" trong quy hoạch, xây dựng công trình. Trọng tâm sửa sai trước mắt là ở các công trình đường bộ, đường sắt đi dọc đất nước, các dự án du lịch, khu đô thị, dân cư ven biển, ven sông.
Vùng hạ lưu cần xây dựng những nhà trú bão, tránh lụt cao và kiên cố, dùng chung cho cụm dân cư. Phương tiện cứu hộ cần được tăng cường, nhưng phải dùng loại xuồng, thuyền nhỏ mới vào được thôn xóm ven sông miền Trung...
. Theo VnExpress
|