Bay trong nắng gió miền Trung
16:42', 5/6/ 2008 (GMT+7)

Trở về sau chuyến bay an toàn, thắng lợi.

Nắng Phan Rang nắng vàng cây lúa

Gió Phan Rang gió úa cành cây

Chẳng hiểu câu ca dao trên đã có tự bao giờ, nhưng ai đã từng đến mảnh đất cực Nam Trung bộ này, đều cảm nhận được cái nắng “cháy da, chín thịt” ở đây. Nhưng có lẽ không ai hiểu cái nắng, cái gió bằng các chiến sĩ sân bay Thành Sơn. Người lính không quân có câu: “Phan Rang, Phù Cát đã từng/ Thọ Xuân, Yên Bái xin đừng dọa nhau”.

Có nghĩa là ai đã từng sống và làm việc tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang-Ninh Thuận) hay Phù Cát (Bình Định), thì có về sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), hay ra sân bay Yên Bái cũng chẳng ngại gì. Và câu nhắn nhủ “Phan Rang thừa nắng, vắng mưa/ Ai chưa đến đó là chưa hiểu mình” tiếp tục đi cùng các chiến sĩ sân bay Thành Sơn trong suốt chiều rộng của không gian, chiều dài của thời gian trên bầu trời Tổ quốc.

Mùa bay huấn luyện năm 2008, đến với các chiến sĩ Đoàn Không quân C.37 bằng những ngày nắng rát rạt. Thế mà thượng tá Bùi Đức Thành, Chính ủy đơn vị lại ví von: “Được thưởng thức vị nắng trong những ban bay, chẳng có điều gì hạnh phúc bằng”.

Tôi cũng đã từng sống và làm việc ở Thành Sơn trước đây, chưa cảm xúc được vị nắng như thế nào. Những người làm việc ở đây, nhất là cánh phi công khẳng định thêm “vị nắng Thành Sơn có cả mùi bê tông đường băng, mùi xăng dầu, vị ngọt của hương lúa trên cánh đồng làng Chăm, vị mặn mòi của biển cả, vị mát đượm của nho chín”.

Đức Thành là bạn thân với tôi khi anh còn là một “tay lái” trẻ trên bầu trời Thanh Hóa. Người con của dân tộc Mường này ít nói, nhưng rất dí dỏm và có duyên. Bước qua tuổi 40, trông anh vẫn như cây vầu non đang mơn mởn trong rừng. Gặp anh sau chuyến bay nhào lộn phức tạp, tôi cảm nhận được sức sống và niềm tin của các chiến sĩ Thành Sơn mạnh mẽ đến mức nào. Bùi Đức Thành nói:

- Năm nay nhiệm vụ bay vẫn “chồng chất”. Ngoài việc đào tạo, nâng cấp phi công, đào tạo giáo viên bay, chỉ huy bay, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của chúng tôi vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

- Như vậy các anh cần chú tâm vào những vấn đề gì? – Tôi hỏi.

- An toàn bay, an toàn đơn vị, nâng cao chất lượng huấn luyện và xây dựng các tổ chức vững mạnh.

Đối với bộ đội Không quân, vấn đề an toàn bao giờ cũng được coi trọng đặc biệt, nhất là đối với đơn vị bay phản lực. Từ đội ngũ phi công, thợ máy, các thành phần phục vụ khác đều phải tỉ mỉ, thận trọng và tập trung tối đa trí lực khi tổ chức bay. Chỉ một sai sót nhỏ, chỉ vài giây lơ là, chỉ một chút cảm giác sai là hậu quả sẽ khôn lường. Càng về trưa, nắng càng dữ dội. Trung tá Phạm Trường Sơn, Phi đội trưởng phi đội 2 dẫn tôi ra sân đậu. Chao ơi là nóng. Nóng từ trên cao đổ xuống, nóng từ mặt đất bốc lên, ngùn ngụt như khói sương. Mồ hôi túa đầy lưng áo của tôi. Đứng ở đây, tôi cảm giác như đang phải hứng chịu một trận “bão nóng” khủng khiếp. Những tia nắng bắn căng xuống mặt đất, được những cơn gió chướng tiếp thêm năng lượng, tạo ra không gian ngùn ngụt táp vào da thịt người chiến sĩ.

“Đường băng và sân đậu bây giờ phải nóng đến 52°C” – Trường Sơn nói. “52°C? – Tôi thốt lên - Thế thì chín hết còn gì”. “Chín làm sao được. Lính Phan Rang là mình đồng, da sắt cơ mà”. Trường Sơn đã bay ở Phan Rang trên 20 năm. Anh đã nhiều lần thực hiện những chuyến bay trinh sát ra đảo xa và là một giáo viên bay có kinh nghiệm. Trên bãi đậu máy bay, hàng chục kỹ sư, kỹ thuật viên đang miệt mài kiểm tra kỹ thuật, nạp dầu chuẩn bị cho các chuyến bay tiếp theo. Bao giờ cũng vậy, điều làm cho tôi mê say nhất khi đến Thành Sơn chính là cái nắng và cái gió. Mới hơn 5 giờ mỗi ngày, người chiến sĩ mở mắt ra đã thấy nắng, bước ra khỏi cửa là thấy gió. Vì thế, hoạt động bay không nơi nào vất vả, gian nan như ở Thành Sơn. Đã công tác ở đây rồi, người lính như được tôi luyện thành sắt thép.

Tháng 5 đến Phan Rang, tôi được mọi người kể nhiều về thượng tá Trần Văn Lâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đơn vị. Anh là thương binh, nhưng lại bay rất khỏe và là một giáo viên bay, chỉ huy bay có kinh nghiệm. Mấy năm trở lại đây, Trần Văn Lâm đều hoàn thành trên 100% chỉ tiêu kế hoạch giờ bay. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia đào tạo đội ngũ giáo viên bay, chỉ huy bay và trực tiếp đào tạo học viên bay mới chuyển từ Trường sĩ quan Không quân về đơn vị. Hôm nay anh ngồi chỉ huy bay trên đài K5. Trần Văn Lâm giới thiệu: “Năm nay, chúng tôi quyết tâm đạt kết quả tốt như năm 2007.

Tuy nhiên, từng phi đội, tiểu đoàn và mọi cá nhân phải phấn đấu rất nhiều”. Bộ đội Không quân được mọi người gọi là lính “Cậu”, tức là được “ăn sung, mặc sướng”, ở những đô thị lớn, hoặc những chỗ đàng hoàng. Nhưng ở Phan Rang, tôi thấy đồng đội của mình vẫn công tác trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Những người vợ, người con của họ còn phải một nắng, hai sương với ruộng lúa, đàn dê, đàn cừu hay sớm chiều đứng lớp giảng bài trên vùng nắng. Hầu hết phi công đều xa gia đình. Với họ thì chuyện này không lớn, nhưng với những người vợ đang sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh thì là một nỗi lo thường trực.

Chị Thu Hiền, vợ của thượng tá, đoàn trưởng đoàn bay C.37 Trần Ngọc Đông, hiện đang công tác ở ga quân sự đã có lần tâm sự: “Khi các anh ấy bay huấn luyện trên bầu trời, chị em chúng tôi lo lắm. Bay trên không luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy hiểm”. Ra Thành Sơn lần này, tình cờ tôi đã gặp chị Hảo, vợ của phi công Đào Quốc Kháng, người đã dũng cảm cứu chiếc máy bay bị cháy khi đang cất cánh, do chim bay vào năm 2007. Chồng bay ở Đồng Nai, còn chị vẫn vừa làm việc, vừa chữa bệnh hiểm nghèo ở Phan Rang.

Chị Hảo tâm sự: “Em ở Phan Rang, nhưng ngày nào cũng nghĩ về Đồng Nai nơi chồng bay huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Năm ngoái nghe tin anh Kháng cứu máy bay đang bị cháy động cơ, em đã bật khóc. Nếu chẳng may máy bay nổ thì…”. Tôi mỉm cười nói với chị Hảo: “Được làm vợ phi công, vinh dự lắm chứ. Các chị là người “lái” phi công mà”. Chị Hảo nở một nụ cười và nhìn ra sân bay đầy nắng.

Trao đổi, giảng bình sau chuyến bay.

Giữa trưa, đường băng loang loáng hơi nóng. Bóng những người thợ máy, phục vụ mặt đất như đi “bơi” trong hơi nước. Họ đứng trong nắng gió, giơ ký hiệu giúp phi công kiểm tra máy bay trước khi cất cánh. Sân bay âm vang những tiếng gầm dữ dội của động cơ phản lực nâng từng đôi cánh bay lên bầu trời xanh thẳm.

Ngồi trên đài chỉ huy kỹ thuật cùng trung tá Đinh Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm kỹ thuật hàng không của đơn vị, tôi nghe rõ từng lời gắn kết với nhau giữa bầu trời và mặt đất. “Hoàng Mai gọi 23?”. “23 nghe rõ. Tôi đang ở tọa độ X, độ cao 6.500, tốc độ 650. Máy bay hoạt động tốt”. “Anh kiểm tra lại các thiết bị, vào vòng 4 chuẩn bị hạ cánh”. “23 nghe tốt”.

Trên bầu trời lúc này có 6 chiếc máy bay đang hoạt động. Nhìn những cánh bay lên xuống nhộn nhịp, tôi bất chợt gặp những đài trạm ra đa đang tung cánh trên bầu trời. Trong các xe thông tin, hay trên đồi ra đa phía xa, chiến sĩ ta cũng phải gồng mình chịu đựng cái nóng khủng khiếp của miền Trung. Họ giống như anh em kỹ thuật, phục vụ xe máy, xăng dầu, công binh, nuôi quân. Đó là những người đi sớm về muộn, những người thầm lặng nhưng rất quan trọng cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân. Niềm vui lớn nhất của họ, chính là những ban bay “An toàn, thắng lợi”.

Tôi ngửa mặt lên bầu trời xanh. Những sợi nắng chói lòa ùa đầy vào ánh mắt. Trời miền Trung đẹp quá. Đẹp như những chuyến bay và những ước mơ của đồng đội nơi miền nắng lửa này. Dưới cánh bay của các anh, là quê hương, đất nước đang đổi mới từng ngày. Ai cũng hiểu rằng, để có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay, để có bầu trời yên bình, có công đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ Phòng không-Không quân. Tôi mong sao sẽ có nhiều cơn mưa đổ xuống, để xua đi cái nắng gió bạc tóc trên vùng đất này. Và đồng đội của tôi sẽ có những ngày mát mẻ trên bầu trời, để Phan Rang không thiếu nước sạch, để cỏ cây bừng lên sức sống mới – sức sống cùng những người chiến sĩ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư lớn cho miền Trung  (03/06/2008)
Festival Huế 2008: Đã sẵn sàng cho đêm khai mạc  (02/06/2008)
Vận hành nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu 100 tấn/ngày  (02/06/2008)
10 triệu dân miền Trung tìm cách sống chung với lũ  (25/05/2008)
Một gia đình Jrai có 8 con vào đại học  (23/05/2008)
Tái hiện lễ hội thi tiến sĩ võ tại Festival Huế 2008  (22/05/2008)
Không gian và thời gian phố cổ Hội An  (12/05/2008)
Đà Nẵng- Thủ phủ kinh tế miền Trung  (08/05/2008)
Bạch Mã, khu du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng   (02/05/2008)
Phát triển miền Trung - Cái cần là một lối tư duy  (01/05/2008)
Doanh nghiệp miền Trung tìm hướng liên kết phát triển  (25/04/2008)
Tiếp sức cho nông dân miền Trung  (24/04/2008)
Cùng miền Trung làm giàu  (23/04/2008)
Nhiều công trình được tu bổ phục vụ Festival Huế 2008  (17/04/2008)
Những cột mốc không dễ gì xô ngã  (13/04/2008)