Sau thành công Festival cồng chiêng được tổ chức lần đầu nhân lễ đón bằng của UNESCO tại thành phố Plây Cu, tỉnh Gia Lai cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xúc tiến việc tổ chức một liên hoan cồng chiêng quốc tế tại thành phố Plây Cu. Và nếu như ý định ấy thành hiện thực thì sau Festival cà phê Buôn Ma Thuột và Festival hoa Ðà Lạt, sẽ có một Festival cồng chiêng tại Plây Cu.
Không thể phủ nhận điều này: Càng ngày cồng chiêng càng được treo cất nhiều hơn, mang bán nhiều hơn. Một số may mắn có giá trị thật sự thì được các tay săn đồ cổ sưu tầm lùng mua. Số kém hơn thì được bán đồng nát, dùng làm... kẻng báo thức.
Chiêng là môn nghệ thuật tập thể, có tính cộng đồng, cần phải đông người. Ðể có một cuộc chơi chiêng, cần hội đủ ba thành phần là người chỉnh sửa âm thanh (lên dây chiêng), người chơi chiêng và người xoang.
Ðời sống buôn làng bây giờ đã khác, nhanh hơn, gấp hơn. Ðiều này phù hợp sự phát triển của xã hội nhưng lại không phù hợp với... chiêng. Thêm nữa, bây giờ các nhạc cụ hiện đại như ghi-ta, organ với tiết tấu nhanh, công năng lớn, dễ sử dụng, có thể chơi mọi nơi mọi lúc.
Những năm gần đây, các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa đã chú trọng bảo tồn gìn giữ và phát triển cồng chiêng. Nhờ thế mà cồng chiêng vẫn là một thành tố tích cực trong đời sống đồng bào Tây Nguyên.
Với người Tây Nguyên, cồng chiêng trước hết là vật thiêng. Con người thông qua cồng chiêng để tiếp xúc và giao cảm với thần linh. Sau đó, cồng chiêng thể hiện uy tín và quyền lực, có những cái chiêng trị giá nhiều trâu, nhiều bò. Có chiêng được gọi là "chiêng vượn trắng" đủ thấy nó giá trị như thế nào.
Và bởi vậy chiêng còn đồng nghĩa với của cải. Ngoài ra, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ. Nó được chế tác từ hàng hóa thành nhạc cụ, thông qua các nghệ nhân chỉnh sửa âm thanh. Nó là toàn bộ không gian sống, là yếu tố tinh thần và vật chất của người Tây Nguyên. Vậy thì cách tốt nhất để chúng ta giữ gìn, tôn trọng cồng chiêng như những gì UNESCO đã tôn vinh là phải khuyến khích được đồng bào chơi chiêng, coi chiêng như máu thịt của mình, là một phần đời sống của mình, như nó đã từng thế.
Các chuyên gia ngành văn hóa cho rằng, cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy kiệt tác văn hóa thế giới này là cần phải có một chương trình tổng thể, quy mô. Một mặt đẩy mạnh công tác sưu tầm lưu giữ cả chiêng và nghệ nhân, tổ chức nghiên cứu một cách hệ thống và thấu đáo về cồng chiêng Tây Nguyên; mặt khác, phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội gắn với cồng chiêng để có môi trường diễn xướng cho chiêng, đồng thời mở các lớp đào tạo người chơi chiêng, có thể đưa chiêng phổ cập tới các trường học.
Hiện nay, người chỉnh sửa âm thanh chiêng trở nên vô cùng hiếm. Cả một vùng rộng lớn phía nam Gia Lai, bắc Ðác Lắc, theo chúng tôi biết, chỉ còn ông Nay Phai là có thể lên dây chiêng, chỉnh sửa âm thanh chiêng vào loại giỏi. Chúng ta biết rằng, chiêng là do người Kinh hoặc người Lào làm. Ðể trở thành chiêng Tây Nguyên, nó phải được chỉnh sửa âm thanh, nếu không nó chỉ là một thứ chiêng vô hồn như phèng la thường thấy treo bán đầy bên quốc lộ. Vậy phải có một kế hoạch đào tạo những nghệ nhân đặc biệt này như thế nào?
Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức một liên hoan các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên tại Plây Cu, vừa đông vừa vui, nhưng làm sao để phát huy khả năng của họ trong đời sống hôm nay?
Nguy cơ mai một cồng chiêng ở Tây Nguyên là đáng báo động. Bây giờ về các buôn làng thấy còn rất ít chiêng. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai thì trước năm 1980, cả tỉnh có hàng chục nghìn bộ cồng chiêng ở các buôn làng. Có nhà sở hữu hai ba bộ chiêng. Mỗi làng có hàng chục bộ (làng Tây Nguyên chỉ vài chục, thậm chí một chục nóc nhà). Ðến năm 1999 thì chỉ còn 5.117 bộ. Năm 2002 còn chưa đầy 3.000 bộ. Và bây giờ thì con số ấy còn ít hơn nữa.
Tỉnh Gia Lai có chủ trương mua tặng cho mỗi làng một bộ chiêng. Vấn đề là giao cho ai giữ bộ chiêng này, bởi không khéo sẽ là "cha chung không ai khóc". Rồi chất lượng, giá trị của bộ chiêng ấy ra làm sao? Không khéo rồi lại cứ mua loanh quanh lẫn nhau?
. Theo Nhân Dân điện tử |