“Huyền thoại sông Hương” - Lễ hội lớn nhất Festival Huế 2008
15:46', 9/6/ 2008 (GMT+7)

Du khách nào đến Huế cũng phải khen sông Hương đẹp. Nhà thơ Nam Trân như đứng trước sông Thơm mà thốt lên: “Huế đẹp và thơ”. Còn Huy Tập thì khẳng định tha thiết: “Nếu như chẳng có dòng Hương/Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi”.

 

Nginh hương đường nô nức đón đoàn Ngự đạo. (Ảnh: Văn Tí)

 

Sông Hương không chỉ đẹp, mà còn còn là nhân chứng gia đoạn huy hoàng của triều Nguyễn. Chỉ tính đoạn sông từ ngã ba Bằng Lãng, cho Nghinh Lương Đình, đã chứa đầy những dấu tích lịch sử khó quên: Kim Long, thủ phủ đầu tiên và đất phát tích của các vua Nguyễn. Thiên Mụ, chính tên gọi ngôi chùa đã cho thấy sự linh thiêng tôn kính của vua Nguyễn biến giấc mơ gặp tiên thành hiện thực thanh bình. Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu và Kỳ Đài, niềm tự hào, ngưỡng vọng của đất nước. Gần bên bờ đoạn sông này lần lượt là lăng tẩm của các vị vua: lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, xa hơn chút nữa là lăng Khải Định.

Cảm xúc khôn nguôi về một dòng sông – dòng chảy lịch sử, dòng chảy thi ca, một lễ hội có quy mô dàn dựng lớn nhất trên sông từ xưa đến nay mang tên “Huyền thoại sông Hương” đã được các nhà tổ chức Festival Huế 2008 hình thành. Trên cơ sở bản vẽ “đoàn Ngự đạo rước nhà vua du thuyền trên sông” của bộ Công năm 1844, các nhà tổ chức mô phỏng và dàn dựng đoàn “Ngự đạo” ngày nay cũng có một thuyền cung đình (thuyền rồng lớn), khổ rộng chừng 7m, dài 18m, cùng với 20 thuyền rồng nhỏ, xuất phát từ ngã ba Bằng Lãng, ngay trước cổng lăng Minh Mạng, một vị vua giỏi kinh bang tế thế nhất triều Nguyễn. Lăng Minh Mạng kiến trúc theo đường thẳng suốt từ cổng, qua nhà bia, tới nhà thờ, cuối cùng là lăng. Đường thẳng ấy là biểu tượng cho một thanh kiếm trị nước.

Quy mô lễ hội sông Hương khá lớn, trải dọc sông từ ngã ba Bằng Lãng về Nghinh Lương Đình. Suốt không gian sông nước gần 6 cây số ấy có 18 cuộc hội phong phú, theo BTC có 18 “điểm nhấn” quan trọng.

Sau cảnh ngữ lân nghênh phúc tại bến thuyền lăng Minh Mạng, du khách có thế bắt đầu xuống thuyền trong vai đoàn Ngự đạo mở đầu cuộc hành trình tìm huyền thoại dòng sông Hương. Đến cầu Tuần, có cả 1 dàn trống lớn đặt ngay trên mố cầu, tiếp tục chào đón đoàn thuyền. Rất nguy nga là ngay đoạn dưới cầu Tuần, con đường rộng dẫn về lăng Thiệu Trị, cờ xí dựng rợp trời, dưới cờ là đoàn quan binh tuần thú mang màu sắc thị uy của lính Ngự lâm bảo vệ đoàn Ngự đạo trên sông. Tại sân đình Hải Cát bên bờ sông, các cụ phụ lão làng, ăn vận áo dài khăn xếp đúng như thời Nguyễn, nghiêm trang chào đoàn Ngự đạo.

Đến điện Hòn Chén, nơi triều Nguyễn đặt điện thờ Thiên Y-a-na, trên dốc lên đền thờ, hai hàng cung nữ đớn chào nhà vua lên điện dâng hương. Trong điện thờ, làn điệu chầu văn sẽ hòa cùng điệu múa cung nữ dâng lên vua những thẻ xăm mang lời chúc tốt đẹp (như cát tường, thinh vượng, tài lộc)…

Từ Vọng Cảnh đến bãi bồi Nguyệt Biều diễn ra cảnh dân chài tung lưới bên sông trong tiếng nhạc, tiếng hò đối đáp của con trai, con gái. Trên bờ, một cảnh thanh bình hiện ra trước mắt: đám trẻ mục đồng hồn nhiên chăn trâu, thổi sáo, thả diều. Chín ngọn đèn trời, là một trò dân gian bùng lên từ mặt đất, nhất loạt bay lên cao, tượng trưng cho 9 đời chúa Nguyễn, những người đã mang nền thái bình cho đất Thuận Hóa này. Còn trên sông, từ trên các con đò, các đèn hoa được thả xuống lấp lánh dòng sông, gợi nỗi niềm mơ ước yên bình muôn thuở của nhân dân.

Hòa trong ánh sáng nghệ thuật từ Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn, hoạt cảnh các tân tiến sĩ dâng hương và 30 chiếc đèn trời ghi tên một số tiến sĩ được bay lên với trời cao xanh, đèn hoa dẫn đoàn Ngự đạo về chùa Thiên Mụ. Hình ảnh 40 nhà sư thắp sáng các hoa đăng làm sống lại Thiên Mụ Tự không chỉ lưu giữ khoảnh khắc nhà vua đã gặp bà tiên báo mộng ở đây mà còn làm bừng rạng “điểm chiếu của kinh thành Huế” (như linh mục Cadière từng khẳng định).

Đoàn Ngự đạo xuôi về Kim Long, thủ phủ đầu tiên của triều Nguyễn, 13 ngọn đèn prowash vụt lên trời bừng sáng nhắc tới 13 vị vua triều Nguyễn đã một thời góp phần làm vẻ vang cho đất nước. Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã trao ấn kiếm cho đại diện cách mạng, ấy là việc chính thể quân chủ đã trao nước cho chính thể cộng hòa, với một lời tôn vinh cách mạng đầy hãnh diện: “Làm dân của một nước độc lập còn hơn làm vua ở một nước nô lệ”.

Cả một dàn pháo hoa bừng sáng rực trời, 7 đóa hoa sen hồng rực rỡ trên mặt sông như cùng lúc bừng nở  như cùng lúc xòe rộng cánh tay đón đoàn Ngự đạo về Nghinh Lương Đình. Pháo hoa từ 21 chiếc thuyền rồng cũng bắn lên nhất loạt chào Phú Xuân.

Sân khấu 3 tầng trên bến Nghinh Lương Đình bắt đầu vào đêm hội, ca ngợi một thời hoàng kim của triều Nguyễn.

Lễ hội “Huyền thoại sông Hương” có khát vọng hiện thực hóa đầy đủ một giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn đến đất Phú Xuân, bắt đầu là Nguyễn Hoàng, kế tục theo ông, những người làm vẻ vang cho đất Thuận Hóa phải kể đến: Nguyễn Phúc Chu, Minh Mạng, rồi Duy Tân…

Lễ hội cũng góp phần khắc họa khá hoàn chỉnh lòng dân Phú Xuân đã chào đón, tin tưởng ở nhà Nguyễn làm phồn hoa cho Thuận Hóa, và đã góp phần đưa đất nước này lên đài vinh quang.

Festival Huế 2008 có nhiều lễ hội: lễ hội Nam Giao, lễ tế đàn Xã Tắc, lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, lễ hội thi tiến sĩ võ, trong ấy, lễ hội sông Hương là 1 kỳ công mới góp phần tôn vinh văn hóa cho xứ Huế, làm sáng tỏ chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” một cách đa dạng, phong phú.

Hy vọng trong tương lai, Lễ hội “Huyền thoại sông Hương” không chỉ diễn ra trong Festival mà trở thành một chương trình du lịch hấp dẫn vào mỗi mùa trăng trong tháng. Vẫn hy vọng sự thành công của lễ hội “Huyền thoại sông Hương” và Festival Huế 2008 sẽ mở đầu khởi động cho một giai đoạn mới của thành phố Huế, thành phố Festival của cả nước.

  • Nguyễn Quang Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ có Festival cồng chiêng quốc tế?  (06/06/2008)
Bay trong nắng gió miền Trung  (05/06/2008)
Đầu tư lớn cho miền Trung  (03/06/2008)
Festival Huế 2008: Đã sẵn sàng cho đêm khai mạc  (02/06/2008)
Vận hành nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu 100 tấn/ngày  (02/06/2008)
10 triệu dân miền Trung tìm cách sống chung với lũ  (25/05/2008)
Một gia đình Jrai có 8 con vào đại học  (23/05/2008)
Tái hiện lễ hội thi tiến sĩ võ tại Festival Huế 2008  (22/05/2008)
Không gian và thời gian phố cổ Hội An  (12/05/2008)
Đà Nẵng- Thủ phủ kinh tế miền Trung  (08/05/2008)
Bạch Mã, khu du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng   (02/05/2008)
Phát triển miền Trung - Cái cần là một lối tư duy  (01/05/2008)
Doanh nghiệp miền Trung tìm hướng liên kết phát triển  (25/04/2008)
Tiếp sức cho nông dân miền Trung  (24/04/2008)
Cùng miền Trung làm giàu  (23/04/2008)