Bạch Mã, vẻ đẹp chưa bị đụng chạm
16:54', 22/6/ 2008 (GMT+7)

Bạch Mã kỳ ảo trong mây chiều.

Bạch Mã, ngọn núi kỳ ảo trong Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc) nằm cách TP Huế 40km về phía nam, đẹp lạ lẫm. Chỉ với thưa thớt nhà nghỉ, ngọn núi trong vườn quốc gia nổi tiếng này còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ, vẻ đẹp gần như chưa bị đụng chạm.

Đấy có lẽ là một may mắn. Nếu được “để mắt” nhằm phát triển du lịch, được qui hoạch, chửa biết chừng Bạch Mã lại nham nhở như Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà...

May mắn vì... bị lãng quên

Đường lên đỉnh Bạch Mã nhỏ và hẹp, dài chừng 20 km. Đỉnh núi là trung tâm của dải rừng xanh kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt- Lào, cao khoảng 1.450 m. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn 7- 10 độ C so với khu vực phụ cận, khí hậu thuộc vùng đất ẩm ướt nhất ở nước ta. Vào mùa đông, có những ngày nhiệt độ xuống 2-30C. Lạnh tê người. Mùa hè, thời điểm này cũng có những hôm trên núi chỉ khoảng 15-170 C. Đây là một Sa Pa (Lào Cai), một Tam Đảo (Vĩnh Phúc), một Bà Nà (Đà Nẵng) của Huế. Chính điều kiện khí hậu này đã tạo nên thế giới sinh học phong phú và đa dạng với 2.147 loài thực vật, 1.493 loài động vật, trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách Đỏ Việt Nam.

Người dân dưới chân núi kể rằng, các cụ ngày trước thường gặp tiên ngồi đánh cờ, ngựa đi ăn cỏ đồng xa. Một lần, ngựa mải ăn, đi xa quá, khi trở lại thì tiên đã bay về trời, ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành mây trắng mang hình con ngựa. Cái tên Bạch Mã có từ đó. 

Thật ra, vẻ hoang sơ còn lại của đỉnh Bạch Mã được tái sinh nhờ thời gian dài bị quên lãng. Thời vua Khải Định, người ta đã biết đến Bạch Mã. Năm 1925, có một dự án để bảo vệ giống gà lôi lam mào trắng ở đây. Năm 1932, đỉnh Bạch Mã được ông Girard, một kỹ sư người Pháp, phát hiện. Sau đó, một hệ thống gồm 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông... được xây dựng nhằm phục vụ việc tham quan, nghỉ dưỡng của giới quan chức thực dân và địa chủ, phú hào thời bấy giờ. Biển ghi công ông Girard đến nay vẫn còn. Sau khi Pháp rời khỏi Việt Nam, năm 1960, chính phủ ngụy quyền đã thành lập Vườn quốc gia Bạch Mã - Hải Vân, nhưng công việc bảo tồn đã không kéo dài được bao lâu. Đã có những trận đánh ác liệt xảy ra nơi đây. Đỉnh Bạch Mã biến thành sân bay trực thăng và đồn bốt, chiến hào của quân Mỹ - ngụy nhằm kiểm soát khu vực Huế, Đà Nẵng và biển Đông... Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, Bạch Mã gần như bị bỏ hoang, vô chủ, bởi hệ thống biệt thự, đường sá đã bị phá hoàn toàn.

Trên Bạch Mã, có nhiều tuyến đường mòn độc đáo. Đó là các tuyến đường mòn Trĩ Sao dẫn đến thác Trĩ Sao, nơi có nhiều chim trĩ sao, đường mòn thác Đỗ Quyên dẫn đến đỉnh của thác Đỗ Quyên cao 300m, nơi có rất nhiều hoa đỗ quyên nở vào mùa xuân, đường mòn thác Ngũ Hồ nơi có 5 hồ nước trong xanh, đường mòn Vọng Hải Đài cuối con đường là tới đỉnh cao nhất của Bạch Mã, lửng lơ ở 1.450m. Đây là đường mòn được yêu thích nhất. Vọng Hải Đài, có hình bát giác, là đài quan sát biển của quân đội Sài Gòn. Cách đó không xa là miệng hầm địa đạo do Tiểu đoàn 2 Tỉnh đội Thừa Thiên-Huế xây dựng năm 1973, dài 140 m, cao 1,85 m, rộng 1,45m.

Người “nói chuyện” được với 70 loài chim

Người “nói chuyện” được với 70 loài chim.

Trạm kiểm lâm số 1, Hạt kiểm lâm Bạch Mã nằm lưng chừng núi, chỗ đường lên gấp lại và sương thường sà xuống tận cửa sổ. Trạm trưởng Trương Cảm năm nay 40 tuổi, có một số phận kì lạ. Trương Cảm theo bố vào rừng bẫy chim từ năm 13 tuổi. Phá rừng từ bé. Mỗi lần bẫy chim, trong khi chờ chim sa vào bẫy, Trương Cảm nằm dưới những tán lá rừng nghe tiếng chim hót, tranh giành lãnh thổ, gọi nhau... Thích nghe tiếng chim hót nhưng vẫn bẫy. Thêm mấy tuổi nữa, Trương Cảm làm lâm tặc, bị bắt rồi hối cải. Đã lấy của rừng nhiều quá, anh nghĩ phải làm một điều gì đấy hữu ích để trả nợ cho rừng. Và giờ, anh đã có mười mấy năm làm kiểm lâm, lăn lộn khắp Vườn quốc gia Bạch Mã rộng bạt ngàn.

Những lần đi bẫy chim, được sống ở rừng từ bé mang lại cho Trương Cảm biệt tài có một không hai. Đấy là hiểu được tiếng chim hót. Vườn quốc gia Bạch Mã có 158 loài chim thì Trương Cảm nhận biết được hơn 100 loài. Trong số đó, anh có thể “nói chuyện” được với khoảng 70 loài. “Nói chuyện” có nghĩa là bắt chước tiếng chim y hệt và hiểu được tiếng chim: Tiếng nào là tiếng phân định “chủ quyền”, tiếng nào là tiếng chim đực ve vãn bạn tình, tiếng nào là tiếng chim gọi bầy... - Tiếng con đực khác, tiếng con cái khác, ngoại trừ hai loài chào mào và khướu thì tiếng hót con đực, con cái khó phân biệt. Dịp tháng 3 đến tháng 5 là mùa chim động đực, sinh sản rồi tách đàn. Chim đánh nhau để khoanh vùng lãnh thổ. Lúc này, tiếng chim nghe quyết liệt, dữ dội. Tiếng chim mùa yêu đương lại khác... Tiếng chào mào có thể gọi cả bầy chim. - Trương Cảm cho biết, rồi bụm tay gọi chào mào. Lập tức, đủ tiếng hót rộ lên náo động cả một khu rừng.

Đã một vài lần Trương Cảm được mời biểu diễn tiếng hót của các loài chim và được nghe vỗ tay rần rần. Gần đây, thi thoảng Bạch Mã trở thành nơi học ngoại khóa cho học sinh để giáo dục các em về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng. Các em học sinh đều say mê, thích thú mỗi lần được nghe Trương Cảm trò chuyện với chim. Anh cũng muốn đi một vài nơi để biểu diễn, không phải để khoe tài mà để hướng mọi người tới ý thức bảo vệ thiên nhiên. Suốt 20 km từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã, chỉ lèo tèo vài nhà nghỉ. Trương Cảm bảo thiên nhiên chỉ đẹp khi không có sự can thiệp của con người. Bạch Mã đẹp vì ít có sự hiện diện của bàn tay con người ở đó.

Có lẽ thế. Bị lãng quên có lẽ là một may mắn lớn của Bạch Mã. Cứ theo những “kinh nghiệm thương đau” phát triển du lịch thì hầu hết những điểm đến tự nhiên sau khi phát triển công nghiệp không khói đều nham nhở: Sa Pa giờ không còn là thị trấn trong sương, huyền ảo và lãng mạn mà đã bị băm như tương với kiến trúc bê tông cao và nặng, những nhà sàn thân Thái mái Mường; Tam Đảo thì đã hoàn tất công cuộc bê tông hóa một cách thô thiển phố núi; và Bà Nà, mới được hồi sinh trở lại năm 1997, nay đã chuẩn bị... chết. Cái chết của vẻ đẹp nguyên sơ.

Vẻ đẹp gần như chưa bị đụng chạm của Bạch Mã còn được đến bao giờ? Trương Cảm bảo, dù thế nào đi nữa, anh cũng sẽ gắn bó với chỗ này.

. Theo HNM

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sáng nay, đưa vào sử dụng đê chắn sóng lớn nhất Đông Nam Á  (17/06/2008)
“Siêu” dự án gang thép trên 7,8 tỷ USD vào Hà Tĩnh  (15/06/2008)
Để có “Huế - thành phố Festival”  (12/06/2008)
Hàng vạn du khách dự bế mạc Festival Huế 2008  (12/06/2008)
Bế mạc Festival Huế 2008: Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc  (11/06/2008)
Tháng 2.2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ vận hành chính thức  (10/06/2008)
“Huyền thoại sông Hương” - Lễ hội lớn nhất Festival Huế 2008  (09/06/2008)
Sẽ có Festival cồng chiêng quốc tế?  (06/06/2008)
Bay trong nắng gió miền Trung  (05/06/2008)
Đầu tư lớn cho miền Trung  (03/06/2008)
Festival Huế 2008: Đã sẵn sàng cho đêm khai mạc  (02/06/2008)
Vận hành nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu 100 tấn/ngày  (02/06/2008)
10 triệu dân miền Trung tìm cách sống chung với lũ  (25/05/2008)
Một gia đình Jrai có 8 con vào đại học  (23/05/2008)
Tái hiện lễ hội thi tiến sĩ võ tại Festival Huế 2008  (22/05/2008)