|
Ngư dân Đà Nẵng sẵn sàng ra khơi sau một thời gian dài nằm bến do gặp nhiều khó khăn về vốn. |
Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ dầu cho ngư dân có hiệu lực từ tháng 3-2008, nhưng gần 4 tháng trôi qua, mới chỉ giải ngân được trên 600 triệu đồng cho ngư dân Đà Nẵng và Khánh Hòa. Các địa phương còn lại vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ do các quy định còn chồng chéo, xuất phát từ Thông tư số 35 của Bộ Tài chính…
Nên hỗ trợ một lần
Theo ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, với số tàu thuyền hiện có trên 4.400, Quảng Ngãi cần 110,36 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, theo quy định thì các đối tượng được hưởng hỗ trợ phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn khá ngặt nghèo.
Cụ thể, việc mua mới, đóng mới tàu cá quy định hoàn thành thủ tục đăng kiểm, đăng ký, có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy đăng ký kinh doanh (tàu làm dịch vụ), hoàn thành mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên.
Tương tự đối với thủ tục đề nghị để ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ về thay máy tàu, kinh phí bảo hiểm và xăng dầu cũng còn rườm rà, chồng chéo nhau. Ông Nhi cho biết thêm, mặc dù tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận số tiền 77,3 tỷ đồng từ Bộ Tài chính để hỗ trợ cho ngư dân và dự kiến trong tháng 7-2008 sẽ giải ngân khoảng 60% số tiền này, nhưng đó mới chỉ là dự kiến… còn để hoàn thành các thủ tục thì còn phải… chờ xem đã.
Theo ông, Thông tư 35 quy định về hỗ trợ dầu cho ngư dân theo số lần đi đánh bắt là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Vì tùy từng loại tàu, loại nghề mà thời gian đánh bắt trong một chuyến biển khác nhau. Ví dụ như có loại nghề đánh bắt sáng đi chiều về hoặc sáng đi tối về (1 chuyến là ngày), có tàu 1 chuyến 5 - 7 ngày, có tàu 1 chuyến 20 - 25 ngày… Nếu cứ theo quy định thì rất khó tính chi tiết và rất khó khăn trong việc hỗ trợ chi trả chính xác cho ngư dân.
Để thuận tiện hơn, nếu quy định thời gian đi biển một năm là 6 tháng, thì đối với loại tàu có công suất trên 90CV đã đi đánh bắt được 2 tháng (hay còn gọi là 1 chuyến biển) thì hỗ trợ 1 lần (như vậy tổng cộng 1 năm hỗ trợ cho loại tàu này là 3 lần); tương tự tàu có công suất từ 40CV đến dưới 90CV, xác nhận chuyến biển là 1,5 tháng thì hỗ trợ 1 lần (tổng cộng 4 lần/năm), tàu có công suất dưới 40CV xác nhận 1 chuyến biển là 1 tháng 6 ngày thì được hỗ trợ 1 lần (tổng cộng 5 lần trong 1 năm).
Như vậy, căn cứ vào việc xác nhận chuyến biển đối với từng loại tàu mà có thể hỗ trợ tiền dầu một lần cho ngư dân sau khi đã có xác nhận (của chính quyền địa phương và đồn biên phòng) thay cho việc xem xét hỗ trợ từng lần một như hiện nay để khỏi tốn thời gian của ngư dân phải lập hồ sơ và đi lại trong nhiều lần.
Có giải được bài toán “tàu nằm bờ”?
Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho ngư dân. Với việc đã chi được 600 triệu đồng, xem ra Thông tư 35 đối với địa phương này có vẻ… xuôi chiều mát mái?
Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông - Lâm - Thủy sản TP Đà Nẵng, cho biết: Tổng số tiền để thực hiện việc hỗ trợ cho ngư dân ở Đà Nẵng là 31,9 tỷ đồng và đến thời điểm này đã giải ngân thực tế được 600 triệu đồng với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/tàu. Từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục để giải ngân thêm 9 tỷ đồng nữa.
Theo ông Phó, việc thực hiện Quyết định 289 bước đầu đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho ngành thủy sản Đà Nẵng. Nếu ở thời điểm chưa có sự hỗ trợ thì khoảng 40% tàu thuyền ở Đà Nẵng phải nằm bờ vì giá xăng dầu tăng, còn bây giờ hầu như 100% tàu thuyền ở Đà Nẵng đã ra khơi, chỉ còn một vài tàu đưa lên bờ sửa chữa. Điều này thật sự đã mang lại nguồn sinh khí mới cho ngành thủy sản ở Đà Nẵng bởi sản lượng khai thác đã tăng đáng kể sau một thời gian giảm sút.
Năm 2008 này, Đà Nẵng phấn đấu đạt khoảng 35.000 tấn thủy sản, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời này thì chắc chắn mục tiêu 35.000 tấn thủy sản chắc chắn sẽ không thực hiện được. Cái được lớn nhất khi thực hiện quyết định này phải kể đến là đời sống của ngư dân đã được cải thiện đáng kể, nhiều chủ tàu trước khi được hỗ trợ đã rơi vào tình cảnh túng quẫn vì tàu “nằm bờ” hàng tháng trời, hàng ngàn lao động là ngư dân cũng không có công ăn việc làm.
Ông Phó cho biết thêm, trước mắt Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân để thúc đẩy việc khai thác, đạt được sản lượng đề ra. Trong năm 2009 sẽ tập trung triển khai hỗ trợ cho việc mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu.
. Theo SGGP |