Các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai xây dựng hàng chục công trình thủy điện, với mục tiêu đến năm 2010 đạt tổng công suất trên 5.000MW, bằng 1/3 tổng công suất hiện có của hệ thống điện quốc gia.
Với tổng công suất điện dự kiến nói trên, khu vực Tây Nguyên sẽ là trung tâm thủy điện lớn nhất của cả nước.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hàng loạt công trình thủy điện trên hệ thống sông Serepok, Se San và Đồng Nai đã đang được xây dựng, trong đó có một số công trình đã hòa lưới điện quốc gia như Đray H'Linh (Đắk Lắk), Ia Ly và Se San 3 (Gia Lai).
Riêng trên dòng sông Serepok (Đắk Lắk) đã có 5 nhà máy thủy điện được xây dựng, gồm thủy điện Buôn Kuốp công suất 280MW, Serepok 3 công suất 220MW, Buôn Tua Srah công suất 86MW, Serepok 4 công suất 70MW và Dray H'Linh 2 công suất 28MW. Theo quy hoạch bậc thang, trên dòng sông này sẽ có 6 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 750MW, dự kiến đạt sản lượng bình quân hàng năm trên 3,5 tỷ kWh.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã quy hoạch hơn 100 vị trí phù hợp đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đến nay toàn tỉnh đã có 29 dự án thủy điện nhỏ đang được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, trong đó có một số công trình đã hòa lưới điện quốc gia như thủy điện Krông Kmar công suất 12MW và Krông Hin 2 công suất 5MW. Hai công trình khác là Ea M'Đoal 3 công suất gần 2MW và Đray H'Linh 3 công suất 6MW dự kiến cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Tại các tỉnh Tây Nguyên khác cũng có hàng loạt các nhà máy thủy điện đã và đang được xây dựng như Se San 3A và Se San 4 (Gia Lai), Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 của tỉnh Đắk Nông. Các tỉnh này cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hàng trăm công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.
Việc đầu tư phát triển thủy điện tại khu vực Tây Nguyên không những tạo nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia mà còn góp phần điều hòa nguồn nước, cải thiện môi trường và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
. Theo TTXVN
|