Tháng của những người mẹ anh hùng
17:10', 29/8/ 2008 (GMT+7)

Mẹ Mễ (bìa trái) và con cháu.

Tháng bảy âm lịch vẫn chưa qua, mùa Vu lan vẫn còn trong niên lịch năm nay. Câu chuyện về những bà mẹ của mình trong chúng tôi bỗng dưng chuyển sang những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những bà mẹ mà mùa Vu lan lại phải thắp hương cho con cái mình, thay vì chờ chúng trả hiếu. Câu chuyện về những bà mẹ đã cạn nước mắt với những lần tiễn con đi mà chẳng thể đón con về khiến chúng tôi ngồi lặng ở góc phố đông người.

“Tượng đài sống” về mẹ Việt Nam anh hùng

Về thăm mẹ Nguyễn Thị Thứ tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng (nay thuộc thôn Thanh Quýt 2 xã Điện Thắng Trung huyện Điện Bàn), những bức tường căn nhà cấp 4 của mẹ được nhà nước xây dựng “có vẻ” quá chật chội bởi những bằng khen, bằng Tổ quốc ghi công, huân - huy chương được treo đỏ cả các vách tường.

Mỗi tấm bằng khen, mỗi huân - huy chương là một niềm tự hào nhưng cũng chính là nỗi đau tột cùng của mẹ. Chín lần tiễn con ra trận mẹ đều cười để động viên con.

Rồi khi cả chín người con ấy đều không trở về, mẹ đã không thể khóc òa đau đớn như mọi người mẹ mất con khác, bởi địch vẫn theo dõi mọi hành vi của mẹ. Có những đêm, mẹ mơ thấy các con về. Mẹ choàng dậy thảng thốt. Mẹ khóc con, mẹ thắp cho các anh những nén nhang giữa đêm khuya.

Năm 1972, năm mẹ đau khổ tột cùng bởi chỉ trong 5 tháng, mẹ phải nhận hai tin báo tử của hai thằng con trai. Anh Lê Tự Mười, hy sinh ngày 14.4.1972 thì ngày 12.9, anh Lê Tự Trịnh cũng hy sinh.

Trời nhá nhem tối, mẹ nằm trên võng sau vườn nhà chợt thấy hai thằng con cười rất tươi đi vào sân nhà, trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều mưa bất chợt. Rồi khi mẹ chưa kịp đứng lên ôm chúng vào lòng thì chúng đã biến đi, chiếc khăn dù trên lưng chúng bay theo bóng chúng mờ dần…

Biết bao lần mẹ chìm vào nỗi nhớ thương các con trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ như thế. Và, có lẽ đau đớn nhất với mẹ đó là anh Lê Tự Chuyền, hy sinh đúng vào ngày 30.4.1975.

Khi cả nước òa vỡ niềm vui thống nhất, nước mắt hội ngộ tràn mi những người lính cụ Hồ trở về thì mẹ Thứ khóc ngất người. Có lẽ, lần này mẹ mới được khóc con như những người mẹ mất con bình thường khác…

Bây giờ, trong làn khói hương phủ đầy trong căn nhà, mẹ âm thầm ngắm nghía những đứa con yêu của mình - đứa mặc áo lính, đứa mặc áo du kích, đứa đứng, đứa ngồi nhìn mẹ như muốn sẻ chia nỗi buồn tênh trong căn nhà nhỏ mãi mãi vắng bóng đàn con quây quần bên mẹ.

Những ngày còn ở quê, mẹ sống cùng con gái Lê Thị Trị (cũng là mẹ VNAH). Hai thế hệ, hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, cả hai cùng nỗi đau, cùng chăm sóc, chia sẻ nỗi đau cho nhau trong những ngày cuối đời.

Năm nay mẹ Thứ đã 105 tuổi. Mẹ tặng cho cuộc sống bình yên của mọi người 9 người con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại. Cuộc đời tặng lại mẹ sức khỏe và hàng ngàn người con, người cháu trong cả nước vẫn dành tấm lòng của những người con hiếu thảo, dành cho mẹ, người mẹ Việt Nam Nguyễn Thị Thứ.

 

Mô hình tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ do nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng tạc.

 

Mẹ Mễ và 13 căn hầm bí mật

Khu vườn ở thôn Viêm Tây 3 xã Điện Thắng Bắc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam chỉ rộng hơn một mẫu thôi nhưng từ năm 1946 đến 1975 mẹ Nguyễn Thị Mễ (bí danh là Thưởng) đã đào 13 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ.

Có nhiều lãnh đạo tỉnh, huyện từng được má cưu mang dưới những căn hầm do chính má đào như đồng chí Ngô Dinh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phan Bốn – Phó Bí thư, đồng chí Phan Dục, Đinh Tùng, Năm Dừa. Năm 2002, cả khu với “13 khoảng trống” nghĩa tình của mẹ Thưởng đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đào hầm để không bị phát hiện đã khó, giữ bí mật cho cán bộ dưới hầm còn khó gấp bội. Vậy mà mẹ Mễ đã làm được suốt hơn 30 năm. Năm 1957, mẹ “cất” hai cán bộ kèm hệ thống máy móc thông tin ngay dưới hầm nhà.

Hàng xóm nhiều khi cũng bực mình với lũ con cháu mẹ Thưởng lâu lâu chúng lại “nổi cơn” nghịch ngợm đánh thùng thiếc, thau nhôm lủng xủng loẻng xoẻng cả tiếng đồng hồ. Nhất là khi có quân địch về làng.

Lý do mẹ phải cho tụi con nít đánh thùng, khua thau là để át đi tiếng “tít tít” của cán bộ dưới hầm nhà đang gửi tin về cứ. Lần ấy, mẹ Thưởng linh tính căn hầm dưới nhà sẽ bị “xăm”.

Trời vừa tối hẳn, mẹ và cậu em chồng đã hì hụi đào trong bóng tối một căn hầm khác, dưới gốc những bụi tre sau nhà. Đến 2 giờ sáng thì xong. Cán bộ và điện đài được chuyển ra hầm mới. Đất đào hầm mới được trét đầy tường hầm cũ và nhét đầy vào chum to sau nhà, xem như cái chum được chôn dưới đất mới đào lên. Thật nhất cử lưỡng tiện vì mẹ không thể mang đất đổ đi đâu cho kịp.

Đúng như mẹ lo ngại. Sáng sau địch đến lùng sục và bắt, đánh đập người phụ nữ ở đối diện nhà mẹ. Không chịu nổi đòn roi, bà ấy đã khai căn hầm bí mật dưới nền nhà mẹ. Chúng đến đúng căn hầm, nhưng dưới đó chỉ có đất mới đổ tung tóe khắp nơi hết. “Máy móc với Việt cộng dưới hầm ni đâu rồi?”, chúng hét lên.

Mẹ Thưởng nhẩn nha nói: “Tui có biết cái máy móc, Việt cộng chi đâu”. Bà hàng xóm bị dẫn đến căn hầm cũng chưng hửng vì “căn hầm ni răng khác rứa?”. Mẹ ra vẻ hiểu chuyện nói: “Cái lu ni tui chôn xuống đất để khỏi nứt, chừ cần dùng thì kéo lu lên. Không tin cứ bỏ cái lu ấy xuống lỗ đất sẽ vừa vặn cho coi…”. Không tìm được gì, địch hậm hực bỏ đi.

Mẹ Mễ còn làm một quán tạp hóa bán dầu, vải vóc, thực phẩm… và quán tạp hóa này cũng trở thành một trạm giao liên của cách mạng. Cuối năm 1959, khi cái luật 10/1959 của Diệm kèm những chiếc máy chém gieo rắc nỗi kinh hoàng suốt cả miền Nam, thì một người khai ra mẹ và trạm giao liên này.

Địch đến quán tìm chứng cứ nhưng mẹ đã lanh trí lừa bọn chúng bằng sự ngây ngô của bà già mù chữ. Địch đuối lý nhưng vẫn bắt mẹ tra vấn, đánh đập, hành hạ đủ kiểu. Mẹ vẫn một lòng một dạ kiên trung, không hé răng một lời nào.

Ông Lê Mễ, chồng mẹ tham gia cướp chính quyền tháng 8.1945 lúc ông 28 tuổi. Tháng giêng năm 1964, trên đường đi công tác, ông bị địch phát hiện, giữa vòng vây giặc, ông đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh. Bọn địch kéo xác ông xuống phơi nắng ở QL1.

Sau khi chôn cất chồng xong, các con mẹ đồng loạt thoát ly đi chiến đấu. Con gái đầu của mẹ là chị Lê Thị Mễ vào đội du kích ở quê nhà, con trai thứ là anh Lê Hữu Khương đang làm ăn ở Sài Gòn cũng tham gia vào Đội Biệt động thành Sài Gòn – Gia Định. Anh Khương hy sinh trong cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Anh Lê Hữu Viết thoát ly, công tác tại huyện Điện Bàn.
Chị Lê Thị Khiết tham gia cách mạng bằng nhiệm vụ “cảnh giới” cho các đồng chí cán bộ về công tác trú ẩn trong những căn hầm trong vườn nhà. Sau nhiều lần bị bắt và tra tấn mà không căn hầm nào bị lộ, địch bắt và cầm tù chị ở đâu mẹ Mễ cũng không biết.

Mẹ Mễ nuốt ngược nước mắt khóc chồng, con và cố giữ vẻ bình thản của “người vô can” để làm tròn nhiệm vụ được giao. Sau giải phóng khá lâu vẫn chưa thấy chị Khiết về, ai cũng ngỡ chị đã “xanh cỏ” cho đến một ngày, chị trở về nhà ngã vào vòng ôm của mẹ với dấu vết thương tích đầy người bởi những trận đòn roi, tra tấn năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa 33 năm, màu xanh đã hồi sinh trên mảnh đất còn đó “khoảng sáng” của những căn hầm xưa trong chiến tranh...

. Theo SGGP

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ sẽ xây dựng trên đồi Yên Ngựa, núi Cấm (Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) có tổng diện tích 15 ha. Việc xây dựng tượng đài Mẹ VNAH do Đài Tiếng nói Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và Hội LHPN Việt Nam phát động với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến gần 100 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011.

Chín con trai của mẹ Thứ hy sinh cho sự nghiệp độc lập của dân tộc gồm anh Lê Tự Xuyến, hy sinh ngày 18.6.1948; anh Lê Tự Hàn (anh) hy sinh ngày 5.10.1948; anh Lê Tự Hàn (em), hy sinh ngày 15.10.1948; anh Lê Tự Lem, hy sinh ngày 1.4.1954; anh Lê Tự Nự, hy sinh ngày 5.9.1966; anh Lê Tự Mười, hy sinh ngày 14.4.1972; anh Lê Tự Trịnh, hy sinh ngày 12.9.1972; anh Lê Tự Thịnh, hy sinh ngày 28.8.1974 và anh Lê Tự Chuyền, hy sinh ngày 30.4.1975.

Ngoài ra, mẹ Thứ còn có anh con rể là Ngô Tường và 2 cháu ngoại đều đã hy sinh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng không được phá hủy tiềm năng du lịch  (28/08/2008)
Hơn 6.000 tỉ đồng xây dựng thành phố môi trường  (26/08/2008)
Tây Nguyên sẽ là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước  (18/08/2008)
Nơi Thiên Y A Na giáng trần  (18/08/2008)
Xây sân bay trực thăng tại khu kinh tế Vân Phong  (14/08/2008)
Đà Nẵng - trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  (14/08/2008)
Phú Yên: Phát hiện thuyền độc mộc ở lòng sông Ba  (10/08/2008)
Phát hiện hơn 200 mộ chum thời Sa Huỳnh  (31/07/2008)
Ký ức người ở lại  (25/07/2008)
Thủ tướng: Sớm khởi công đường cao tốc Đà Nẵng -Dung Quất  (20/07/2008)
Hỗ trợ ngư dân tại miền Trung: Thuận lợi nhiều, bất cập không ít  (16/07/2008)
Dung Quất không đủ đất cho nhà đầu tư  (04/07/2008)
Hang Thoát y- Những điều bí ẩn ở Cát Tiên  (30/06/2008)
Đại tiệc nụ cười...  (27/06/2008)
Đà Nẵng thu trên 400 tỷ đồng từ du lịch  (27/06/2008)