Giá muối cao, diêm dân vui nhưng vẫn lo!
14:25', 5/9/ 2008 (GMT+7)

Sau nhiều năm lao động vất vả nhưng thu nhập quá “hẻo”, những ngày này, diêm dân huyện Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) mới nhìn thấy những tia nắng vui trên các cánh đồng muối chang chang trắng xóa của mình. Bởi vì, chưa bao giờ giá muối cao kỷ lục như năm nay. Tuy nhiên, bên niềm vui thì vẫn còn đó những nỗi lo…

“Chưa có bao giờ… vui như hôm nay”!

              Nắng lên cho muối được mùa. 

Ông Nguyễn Hồng Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu) cho biết, do thời tiết không thuận lợi nên nghề muối vào vụ chậm đến mấy tháng. Tuy nhiên, bù lại, năm nay giá muối cao chưa từng thấy. Hiện giá muối tại ruộng được bán từ  1.900- 2.000đ/kg, cao gấp 5 lần so với năm ngoái, nên diêm dân có lãi cao. 

Năm ngoái, khi gặp chúng tôi, ông Đặng Tho, 68 tuổi, diêm dân ở Tuyết Diêm than thở giá muối quá thấp khiến nhiều nhà lỗ nặng. Phần lớn những gia đình làm muối đều bị nợ mà không biết lấy gì để trả.

Còn năm  nay, gương mặt lam lũ của ông Tho đã bừng lên nụ cười rất tươi: “Mừng lắm mấy chú ơi, đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, muối của chúng tôi mới có được cái giá đáng đồng bạc, những 2.000đ/kg”.

Các đồng muối ở Sông Cầu – nơi sản xuất muối duy nhất ở Phú Yên - đang vào vụ thu hoạch cao điểm. Ông Trương Ngọc Hóa, ở thôn Tuyết Diêm phấn khởi: “Hè năm nay nắng gắt, ít mưa, lượng gió điều hòa thường xuyên nên muối kết tinh đạt chất lượng tốt. Chỉ trong hai tuần đầu thu hoạch, trung bình mỗi hộ thu được 500 bao muối (mỗi bao 50kg), nhiều hộ đã thu được trên 700 bao”.

Anh Nguyễn Hòa (xã Xuân Bình) cho biết sản lượng muối vụ này cao hơn hẳn vụ trước nên nhiều gia đình phải thuê thêm nhân công thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, nhiều gia đình đã thu được hơn 10 triệu đồng.

Niềm vui của diêm dân Sông Cầu càng được nhân lên khi đầu ra tiêu thụ muối năm nay khá ổn định. Mới đầu vụ, nhiều thương lái ở Quảng Trị, Bình Định, Đồng Tháp... đã tìm đến đặt mua hàng trước với diêm dân trong huyện. Nỗi lo tìm đầu ra cho muối của những năm trước nay không còn.

Bà Đỗ Thị Nhỏ (xã Xuân Phương) cho biết: “Tụi tôi mới thu hoạch xong lứa đầu, rất nhiều thương lái tìm đến mua số lượng nhiều, giá mua cao. Họ còn hứa khi cần gom hàng với số lượng lớn, diêm dân nào đáp ứng được yêu cầu đưa ra là sẵn sàng tăng thêm 10% giá mua và 15% tiền hoa hồng”. Đây là sự đổi mới hoàn toàn trong tiêu thụ muối bởi các năm trước diêm dân thường bị thương lái ép giá, nhất là mỗi khi thu hoạch cao điểm.

Chưa hết ưu tư

Tuy nhiên, ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Cầu vẫn trăn trở: “Năm nay, tuy bà con được mùa muối nhưng chúng tôi vẫn lo khi đầu ra chưa thực sự ổn định. Từ việc muối được mùa, nếu diêm dân mở rộng diện tích sản xuất một cách ồ ạt thì rất dễ bị ứ đọng hàng. Chính vì vậy, trong thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thị trường, chủ động hướng dẫn, nhất là tìm thêm đầu ra ổn định lâu dài cho diêm dân”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, khẳng định  giá muối cao hiện nay chỉ là niềm vui trước mắt. Điều bức thiết là phải có chiến lược phát triển nghề muối mới có thể ổn định lâu dài.

Cụ thể, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng tuyến đê bao kiên cố để hàng năm, diêm dân không phải bỏ ra cả nửa tỷ đồng để gia cố, rồi cuối vụ lại bị mưa gió cuốn đi. Mặt khác, Nhà nước cần sớm hỗ trợ diêm dân sản xuất theo hướng công nghiệp để giảm chi phí sản xuất. Đồng thời có chính sách bao tiêu sản phẩm để ổn định giá muối, mới không bị thương lái ép giá.

Được biết, hầu hết diêm dân ở Tuyết Diêm đều gặp khó khăn vì chi phí đầu tư làm muối khá cao, nhất là khâu đắp đê bao cho đồng muối; trung bình mỗi hộ phải đầu tư vài chục triệu đồng/vụ. Do đó, khi làm ra mẻ muối đầu tiên cũng là lúc trong nhà không còn tiền, nhiều gia đình buộc phải bán muối non để trang trải cho đời sống. Ai cũng biết giá muối cuối vụ sẽ cao nhưng đâu có mấy người có khả năng trữ muối để chờ giá.

Anh Nguyễn Ngọc Hùng, ở thôn Tuyết Diêm, nói rằng gia đình anh đã hơn ba đời làm muối nhưng chưa bao giờ dám mơ làm giàu từ nghề này. Bởi vì, lâu nay, dù được hay mất mùa, giá muối vẫn luôn do các thương lái quyết định và tất nhiên họ là người được hưởng lợi nhiều nhất vì chi phối hoàn toàn khâu tiêu thụ muối! 

Rồi anh bức xúc: “Tụi tôi rất sốc khi nghe tin nửa đầu năm nay,  Nhà nước đã nhập khẩu một số lượng lớn muối, cả muối ăn và muối công nghiệp. Tại sao một quốc gia có bờ biển rất dài, có số ngày nắng nhiều trong năm, nước biển có độ mặn cao, có nghề làm muối truyền thống từ rất lâu đời  như Việt Nam lại phải đi nhập khẩu muối? Trong khi đó, muối diêm dân tụi tôi làm ra lại không biết bán cho ai!” .

. Theo SGGP

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháng của những người mẹ anh hùng  (29/08/2008)
Phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng không được phá hủy tiềm năng du lịch  (28/08/2008)
Hơn 6.000 tỉ đồng xây dựng thành phố môi trường  (26/08/2008)
Tây Nguyên sẽ là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước  (18/08/2008)
Nơi Thiên Y A Na giáng trần  (18/08/2008)
Xây sân bay trực thăng tại khu kinh tế Vân Phong  (14/08/2008)
Đà Nẵng - trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  (14/08/2008)
Phú Yên: Phát hiện thuyền độc mộc ở lòng sông Ba  (10/08/2008)
Phát hiện hơn 200 mộ chum thời Sa Huỳnh  (31/07/2008)
Ký ức người ở lại  (25/07/2008)
Thủ tướng: Sớm khởi công đường cao tốc Đà Nẵng -Dung Quất  (20/07/2008)
Hỗ trợ ngư dân tại miền Trung: Thuận lợi nhiều, bất cập không ít  (16/07/2008)
Dung Quất không đủ đất cho nhà đầu tư  (04/07/2008)
Hang Thoát y- Những điều bí ẩn ở Cát Tiên  (30/06/2008)
Đại tiệc nụ cười...  (27/06/2008)