|
Nghệ nhân Y Beo đang hướng dẫn học viên học nghề |
Ở Tây Nguyên, những nghệ nhân biết dệt thổ cẩm với những hoa văn tinh xảo nay đã lớn tuổi, số còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay; còn thế hệ trẻ lại ít quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm của cha ông.
Chỉ tính trên địa bàn thị xã Kon Tum chỉ còn lại 3 nghệ nhân: Bà Y Beo (64 tuổi), bà Y Dưng (66 tuổi) và nghệ nhân Y Hanh - cũng đã trên 50. Muốn dệt được một tấm thổ cẩm, nghệ nhân phải dồn toàn bộ tâm hồn và công sức gần 15 ngày. Bình quân, thu nhập lao động mỗi ngày gần 13 ngàn đồng, một khoản thu nhập "quá hẻo" so với thời buổi giá cả thị trường hiện nay.
Để cứu vãn nghề dệt thổ cẩm không bị quên lãng, nhất là giảng dạy cho con em đồng bào dân tộc thiểu số biết duy trì và phát huy những nét tinh túy của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khôi phục nghề dệt thổ cẩm Tây Nguyên. Mới đây, UBND thị xã Kon Tum đã đầu tư xây 2 nhà trưng bày hàng dệt thổ cẩm Tây Nguyên tại phường Thắng Lợi, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm đến bạn bè gần xa. Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công Thương Kon Tum cũng đã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 60 học viên - là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Kon Tum theo học. Nhưng những giải pháp nói trên vẫn gặp phải không ít những rào cản.
Bà Y Beo (64 tuổi) - trú tại làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum, đang hướng dẫn học viên - cho biết: "Ngày trước, thấy bà con trong làng dệt thổ cẩm, mình ham học lắm. Học nghề dệt thổ cẩm này cần sáng dạ và siêng năng, thì sau khoảng 3 đến 4 tháng sẽ thành thạo thôi. Bọn trẻ bây giờ lười học nghề dệt thổ cẩm này, không phải như thế hệ mình hồi xưa. Tụi trẻ ngồi dệt chưa đầy 30 phút đã kêu đau lưng, mỏi tay...". Em Y Lay (20 tuổi) - đã học xong lớp 12 - cho biết: "Học nghề dệt thổ cẩm rất khó. Tụi em học phổ thông, học sử dụng tin học còn dễ hơn. Như tụi em mới học nghề, dệt xong một tấm thổ cẩm phải gần 1 tháng, nhưng bán chỉ khoảng 450 ngàn đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, như tiền mua chỉ gần 200 ngàn đồng, còn lại 250 ngàn. Tính ra, một tháng thu nhập 250 ngàn đồng là dưới mức nghèo rồi, làm sao duy trì nghề này được. Em học nghề này để cho biết mà thôi!".
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Thắng Lợi - thuộc Hợp tác xã dệt thổ cẩm phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum do bà Y Hanh làm tổ trưởng cũng đang trăn trở kiếm việc làm cho tổ viên. "Rất ít khi có đơn vị đặt hàng, còn thỉnh thoảng mới có vài du khách mua vài cái túi xách, hoặc lẻ tẻ một vài cái áo nam... nên rất khó tìm kiếm việc làm cho các thành viên"-bà Y Hanh cho biết.
Vấn đề đặt ra hiện nay là liên kết du lịch giữa các vùng, miền nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với du khách. Chỉ có vậy mới tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho những nghệ nhân dệt thổ cẩm, để họ giữ hồn dệt thổ cẩm Tây Nguyên!
. Theo Lao Động |