Miền Trung: Ráo riết phòng tránh mưa bão
15:22', 28/9/ 2008 (GMT+7)

Sau nhiều mất mát, ngư dân Đà Nẵng luôn cảnh giác phòng tránh bão lũ

Dự báo, từ nay đến cuối năm, miền Trung sẽ hứng chịu nhiều trận bão kèm theo lũ lớn. “Đến hẹn lại lên”, các tỉnh miền Trung lại tất bật với chuyện phòng tránh thiệt hại thiên tai. Câu chuyện chạy lũ, tránh bão với trăm mối  lo vẫn đang đặt ra lắm thách thức với các địa phương này.

Ngổn ngang từ núi đến biển

Quảng Nam lâu nay vẫn luôn là tâm điểm của lũ lụt. Điệp khúc di dời năm nào cũng nhắc đi nhắc lại.  Khu núi Đầu Voi (Tiên An, huyện Tiên Phước), chuyện di dời dân do lở núi, nói đã... 10 năm! Bao phen họp lên họp xuống, nhưng khu tái định cư cho hàng trăm con người đến bây giờ cũng chỉ là... dựng nhà bạt vì tiến độ thi công quá chậm.

Tại Duy Xuyên, nếu vùng núi Hòn Bằng, sự an toàn của hơn 50 hộ dân sống dưới chân núi đang bị đe dọa vì đã có nhiều vết nứt, nhiều hộ có nguy cơ bị vùi lấp bất kỳ lúc nào nhưng chưa có ai di dời, thì vùng sát biển là làng Đông Bình - Duy Vinh (Duy Xuyên) “lại sắp trôi ra biển” vì kè sông 6 năm làm không xong!

Các huyện khác như Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, hàng trăm hộ sống ven sông cũng phập phồng lo. Di dời quá chậm - Đó là kết luận của cơ quan chức năng, chung qui là do chủ dự án ì ạch, thi công trễ nải. Khoảng hơn 300/500 hộ phải di dời khẩn cấp trong năm này.

Tại Hội An, vẫn chuyện nhà cổ xuống cấp, trong đó với hơn 70 nhà có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, nhưng  trả lời cho bài toán phòng chống vẫn cứ lửng lơ bởi người dân không đủ tiền để tôn tạo, dù nhà nước hỗ trợ 40-70% kinh phí, khi giá trùng tu một ngôi nhà lên đến 500 triệu đồng.

Tiếp đến là chuyện tàu thuyền thiếu đăng kiểm, đăng ký, phương tiện thông tin liên lạc lạc hậu, thiếu sự quản lý chặt chẽ, các bến đò ngang tự phát... Tất cả đặt lên vai nhà chức trách.

Tại TP Đà Nẵng, ngoài việc quản lý tàu thuyền ra khơi, đặc biệt là đội tàu đánh bắt xa bờ, mối lo lớn hiện này vẫn còn 41 hộ dân ở tổ 1, thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, cần phải di dời khẩn cấp.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Ban PCLB thành phố, đây là mối lo lớn của toàn thành phố mỗi khi mùa mưa bão về. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện hàng trăm người dân ven sông Cu Đê này đang sống trong cảnh “1 quê 2 nhà”, đặc biệt có nhiều hộ đã bỏ nhà lên núi ở vì quá lo sợ. Theo ông Trần Văn Hào - GĐ Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, vấn đề này vẫn chưa thể giải quyết ngay trong năm nay vì còn thiếu kinh phí di dời dân.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện cả tỉnh có 109 hồ chứa nước vừa và nhỏ với tổng dung tích trên 111 triệu m3, trong đó hồ có dung tích từ 1-10 triệu m3 là 10 hồ,  nhiều hồ đang bị xuống cấp như hồ An Thọ được xây dựng từ năm 1938, hồ Huân Phong được xây dựng từ năm 1983.

Hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 có 96 hồ. Điều đáng lo nhất là trên 85% số hồ này được xây dựng cách đây hơn 30 năm và đến nay không được nâng cấp, sửa chữa vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ, đập khi mưa lũ lớn.

Chưa hết, nỗi ám ảnh thường trực hiện nay là tình trạng sạt lở núi, bờ sông, suối và ven biển. Toàn tỉnh hiện có 3.371 hộ với 14.616 nhân khẩu nằm trong vùng ảnh hưởng lũ quét, sạt lở núi, sạt lở ven sông, biển, vùng ngập sâu... cần được di dời khẩn cấp. 

Với tỉnh Bình Định, mối lo nhất là tàu thuyền. Riêng hoạt động đánh bắt hải sản, đây là một trong những tỉnh có số tàu thuyền đánh cá lớn nhất ở khu vực duyên hải miền Trung, với hơn 7.000 phương tiện, trong đó có 6.371 phương tiện có gắn máy thường xuyên di chuyển đánh bắt hải sản trên các ngư trường trong nước.

Đáng lo ngại là nhiều tàu thuyền và phương tiện hành nghề cá của ngư dân khá lạc hậu, thiếu các trang thiết bị an toàn hàng hải, và hệ thống thông tin liên lạc... rất nguy hiểm khi gặp gió bão, biển động.

Tích cực phòng tránh

Ngay từ đầu năm, các địa phương đã lên phương án phòng tránh với kế hoạch cụ thể cho những vùng trọng điểm. Các địa phương được xem là “rốn lũ” của Quảng Nam như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, ngoài nguồn từ tỉnh và trung ương, đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng mới, sửa chữa tàu thuyền cứu hộ, mua áo phao và phao cứu sinh; hợp đồng với các HTX thuỷ bộ và ngư dân để khi có lệnh là trưng dụng ngay tàu thuyền ứng cứu.

Đối với các hộ, nhà cửa tạm bợ trong vùng nguy hiểm, chính quyền cơ sở lên danh sách, khi tình huống xấu xảy ra sẽ được đưa đến nơi an toàn. Các  lực lượng vũ trang đã hoàn tất các phương án ứng cứu, sẵn sàng vào trận.

Tại huyện miền núi Tây Giang, luôn là địa phương bị chia cắt sớm mỗi khi có mưa lũ, huyện đã mua và dự trữ tại mỗi xã ít nhất 10 tấn lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Tại các huyện miền núi khác, hàng chục nghìn tấn gạo, dầu hoả, mỳ tôm, cơ số thuốc cần thiết để khi bị cô lập đã được chuẩn bị, sẵn sàng hỗ trợ cho nhân dân sử dụng trong vòng 7-10 ngày khi cần thiết.

Đối với các hồ chứa nước, đê bao, hệ thống thuỷ lợi đang thi công, nâng cấp, các nhà thầu đang tập trung nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành cao trình vượt lũ trước ngày 30.9. 

Rút kinh nghiệm xương máu từ cơn “siêu bão” Xangsane năm 2006, gần đây, mỗi khi mùa mưa đến, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo ráo riết các sở ban ngành, quận huyện và đến từng hộ dân cách thức phòng chống.

Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh đã có công văn gửi đến các cơ quan trên địa bàn thành phố chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng thành lập các đội xung kích phòng chống thiên tai, bão lụt cơ sở.

Hiện âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà) đã sẵn sàng nơi trú ẩn khẩn cấp trước mùa bão năm nay. Phương án xử lý tình huống khẩn cấp về lụt tại 2 hồ chứa nước Hòa Trung và Đồng Nghệ cũng đã được Chi cục Thủy lợi và phòng chống bão lụt chuẩn bị sẵn sàng.      

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn yêu cầu huyện Sơn Hà khẩn cấp đưa 15/62 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở núi Đồi Gu, bởi họ không chịu vào khu tái định cư, mặc dù ở trong tình trạng rất nguy hiểm.

Tại Bình Định,  tỉnh đã đầu tư nâng cấp nhiều khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; củng cố lực lượng PCLB-TKCN, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCLB; hướng dẫn ngư dân trang bị các thiết bị an toàn như: ra đa hàng hải, máy đàm thoại và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn, vận động ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đánh bắt và ứng phó với thiên tai, với hơn 150 tổ đoàn kết sản xuất trên biển (mỗi tổ có từ 3-5 phương tiện)...

. Theo TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thổ cẩm Tây Nguyên liệu có bị mai một?  (25/09/2008)
Lần đầu tiên phát hiện di cốt người tiền sử ở Gia Lai  (24/09/2008)
Vốn FDI vào trung Trung bộ liên tục tăng  (16/09/2008)
Miền Trung: “Chạy” trước mùa mưa bão  (12/09/2008)
Giá muối cao, diêm dân vui nhưng vẫn lo!   (05/09/2008)
Tháng của những người mẹ anh hùng  (29/08/2008)
Phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng không được phá hủy tiềm năng du lịch  (28/08/2008)
Hơn 6.000 tỉ đồng xây dựng thành phố môi trường  (26/08/2008)
Tây Nguyên sẽ là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước  (18/08/2008)
Nơi Thiên Y A Na giáng trần  (18/08/2008)
Xây sân bay trực thăng tại khu kinh tế Vân Phong  (14/08/2008)
Đà Nẵng - trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  (14/08/2008)
Phú Yên: Phát hiện thuyền độc mộc ở lòng sông Ba  (10/08/2008)
Phát hiện hơn 200 mộ chum thời Sa Huỳnh  (31/07/2008)
Ký ức người ở lại  (25/07/2008)