Xót xa Tu Mơ Rông
13:45', 5/10/ 2009 (GMT+7)

Khắc phục lở núi tại xã Ngọc Lây (Tu Mơ Rông)

Cơn bão số 9 đã đi qua nhưng hậu quả của nó để lại cho tỉnh Kon Tum thật nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất chính là vùng “rốn lũ” Tu Mơ Rông.

Tu Mơ Rông là huyện bị chia cắt, cô lập đã mấy ngày qua, không một phương tiện nào có thể tiếp cận. Sau 5 ngày cơn bão xảy ra, ngày 4.10, chúng tôi mới tiếp cận được vùng “rốn lũ” Tu Mơ Rông.

Từ TP Kon Tum đến địa phương này chỉ gần 100km nhưng phải mất gần 4 giờ đồng hồ đánh vật với con đường lầy lội, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Tu Mơ Rông và xã Văn Xuôi.

Hoang tàn, xơ xác là những gì mà cơn bão số 9 để lại cho Tu Mơ Rông gánh chịu. Hàng trăm hộ mất nhà sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Hàng chục hộ gia đình mất người thân, trẻ em không nơi nương tựa và phải sống trong cảnh 4 không: “không điện, không đường, không liên lạc, không lương thực”.

Ngày 4.10, đã có hàng trăm tấn hàng, hàng ngàn thùng mì tôm được các lực lượng cứu hộ của quân đội, công an vác bộ băng rừng, vượt núi, không quản gian khổ, khó khăn và cả hiểm nguy để đến được tận tay đồng bào vùng lũ.

Tại 4 xã phía Tây của huyện là Đăk Rơ Nga, Đăk Sao, Đăk Na, Đăk Tờ Kan, hiện chỉ duy nhất lực lượng quân đội của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum mới có thể vận chuyển mì tôm, lương thực, nước uống đến được chỗ bà con. Còn 4 xã phía Bắc là Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, lực lượng quân đội, công an vẫn chưa tiếp cận được để tiếp tế lương thực.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tu Mơ Rông cho biết: Mặc dù huyện và các lực lượng tăng cường rất nỗ lực nhưng cũng chưa thể tiếp cận được 4 xã phía Bắc của huyện. 

Một không khí đau thương đang bao trùm các xã, bởi theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tu Mơ Rông, tính đến ngày 4.10, toàn huyện có 29 người chết, 2 người mất tích và 9 người bị thương. Người thì chết do sập nhà, người thì bị lũ cuốn, người tử vong do sạt lở đất.

Trong số đó, xót xa nhất phải kể đến hộ gia đình A Nhàu, ở xã Đăk Na có đến 5 người chết do lũ quét; hay trường hợp 4 công nhân của Công ty Tuấn Dũng (đơn vị đang thi công đường giao thông vào xã Ngọc Yêu) ở trong lán trại bất ngờ núi bị sạt vùi lấp cả 4 người.

Cũng tương tự, trường hợp trưởng Công an xã Ngọc Yêu - A Tép cùng vợ và 1 người đã bị vùi dưới lớp đất vì sạt lở đất. Thôn Mô Bành 2 (xã Đăk Na), cả thôn có 25 hộ dân đã bị lũ quét san phẳng dưới nước bùn lầy. Đặc biệt, hiện nay các ngọn núi trên địa bàn huyện vẫn đang sạt lở.

Nhưng nghiêm trọng nhất là các quả núi tại 4 làng: Ba Tu 1, Ba Tu 3, Tam Ring, Đăk King (xã Ngọc Yêu) đã nứt, nguy cơ lở núi đã cận kề. Trong khi đó, tại 4 làng trên có đến hơn 840 người dân tộc thiểu số sống dưới các ngọn núi bị nứt, nếu không di dời kịp thời thì hiểm họa sẽ khó lường. 

Ông Lâm Quang Vân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Huyện đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, kết hợp với lực lượng hỗ trợ của công an, quân đội tập trung cứu dân, cứu đói. Đồng thời huy động lực lượng cán bộ, công chức, tổ chức các đoàn xuống xã giúp đồng bào sửa nhà, dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khắc phục thiệt hại sau mưa bão để bà con ổn định cuộc sống...” 

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng Nam: Cấp giấy phép đầu tư dự án du lịch hơn 4 tỷ USD  (02/10/2009)
Khởi công Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum  (27/09/2009)
Du lịch đường bộ miền Trung - Tây Nguyên: Tạo sự liên kết để phát triển   (25/09/2009)
“Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá”  (23/09/2009)
Cho Tây Nguyên ngân xa  (22/09/2009)
"Chuyện cổ tích" vùng biên  (17/09/2009)
Đắk Lắk sưu tầm, phát huy 76 lễ hội truyền thống  (16/09/2009)
Lên Tây Giang xem hội đâm trâu  (07/09/2009)
Các tỉnh miền Trung đối phó với áp thấp nhiệt đới   (04/09/2009)
Khởi công xây dựng cầu Cửa Đại  (31/08/2009)
Người Cor mang họ Hồ làm theo lời Bác  (28/08/2009)
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư  (25/08/2009)
Cần 5 tỷ USD để phát triển kinh tế Tây Nguyên  (13/08/2009)
Để cồng chiêng thích nghi trong không gian mới  (02/08/2009)
Miền Trung trong lịch sử - những cách nhìn mới  (29/07/2009)