Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 sẽ diễn ra tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) trong các ngày từ 12-15.11. Dự tính, Festival thu hút khoảng 30.000 khách du lịch.
Còn hơn một tháng nữa mới tới ngày hội nhưng công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động hướng tới Festival cồng chiêng quốc tế đầu tiên ở Tây nguyên đang được chuẩn bị chu đáo. Gia Lai sẵn sàng cho ngày hội lớn… Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Măng Đung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết những công việc mà tỉnh Gia Lai đang tiến hành để chuẩn bị cho Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 sẽ diễn ra tại Gia Lai vào tháng 11 tới?
Ông Măng Đung: Đây là lần đầu tiên Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế và cứ hàng tuần, cán bộ lãnh đạo tỉnh lại kiểm điểm tại toàn bộ công việc này, giao mỗi ngành phải có trách nhiệm chuẩn bị chu đáo. Chúng tôi còn có nhiều hoạt động quảng bá cho Festival như: chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất khi đưa đón khách, tổ chức các tour hướng dẫn khách du lịch.
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã chuẩn bị trên 1.600 phòng tại các khách sạn để đón khách. Nếu trong trường hợp khách về đông có thể giới thiệu xuống Kon Tum và đi bằng xe buýt. Dự kiến, Festival cồng chiêng quốc tế lần này thu hút khoảng 30.000 khách đến Gia Lai.
PV: Với những hoạt động rất phong phú, phải chăng Festival cồng chiêng quốc tế sẽ là dịp để Gia Lai quảng bá hình ảnh của mình với bạn bè trong nước và quốc tế?
Ông Măng Đung: Đúng như vậy. Văn hóa, cồng chiêng là cầu nối, là chất liệu để các nước trên thế giới đoàn kết đến với nhau, hiểu nhau hơn. Qua Festival lần này, Gia Lai có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình. Chúng tôi cũng muốn cho mọi người biết về giá trị văn hóa, vị thế của Gia Lai để từ đó đưa ra những hoạt động giúp Gia Lai gìn giữ và và phát huy những tinh hoa văn hóa đặc sắc của cồng chiêng.
PV: Nhiều ngày hội hiện nay diễn ra tình trạng có những giá trị di sản văn hóa của dân tộc bị sân khấu hóa. Vậy trong Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai lần này, Ban tổ chức sẽ làm gì để không diễn ra tình trạng như vậy, thưa ông?
Ông Măng Đung: Việt Nam muốn quảng bá tới bạn bè các nước biết đến cồng chiêng thì phải đi biểu diễn, chứ không thể mang không gian rừng, không gian làng đi. Hiện tại, một số làng vẫn biểu diễn trao đổi giữa làng này với làng khác. Chúng ta hiểu sân khấu cồng chiêng không bị sân khấu hóa mà biểu diễn trong không gian văn hóa khác để được thưởng thức.
PV: Thưa ông, cuộc sống thì ngày càng phát triển, việc bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai sẽ theo hướng nào? Phải chăng là chúng ta giữ nguyên hay luôn có sự phát triển để phù hợp với đời sống người dân?
Ông Măng Đung: Chúng ta phải thấy, nếu giữ nguyên gốc thì chỉ phục vụ cho giá trị nghiên cứu. Còn nếu để phục vụ cho du lịch, những điệu múa Tây Nguyên phải dựa trên gốc của nó để phục dựng, nâng cao. Nếu một bài cồng chiêng diễn tấu bài dân ca thì cồng chiêng phải nâng cao để diễn tấu. Tuy nhiên, biểu diễn, diễn tấu nên tránh tình trạng tự nhiên không còn biết nó là cái gì nữa. Cồng chiêng là máu thịt của người dân Tây Nguyên, diễn tấu gì cũng là của đồng bào, còn nếu bắt chước thì khác hẳn.
Đảng và Nhà nước cũng đã ra chính sách, nghị quyết để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng. Đến giờ phút này, chúng ta có thể tin tưởng, văn hóa truyền thống không bao giờ bị mai một và nó là cái nền để người dân sống mãi với Tây Nguyên.
PV: Xin cảm ơn ông.
. Theo VOV News
|