|
Nhà bị vùi lấp trong bùn và đá ở Đăk Na (Tu Mơ Rông). |
Ngay cả trực thăng, xe lội nước cũng chỉ tiếp cận được đến bìa các làng của đồng bào dân tộc Xê Đăng ở Tu Mơ Rông, Kon Tum chừng tám đến mười hai giờ đồng hồ... đi bộ. Bão qua, lũ rút đã hơn 20 ngày, nhưng hàng ngàn người dân các bản làng ở xã Đắk Na, Ngọc Yêu, Ngọc Lây vẫn chưa thể về được làng cũ.
Bão dập sập nhà, lũ xóa sạch làng, đường giao thông mất dấu tích... là chuyện đã đành, nay đồng bào phải đối mặt với mối đe dọa nứt núi, sụt trượt bất cứ lúc nào. Nhiều đêm, người dân dắt díu nhau vượt hết núi này sang rừng nọ, chạy trốn thiên tai trong hoảng loạn...
Vỡ giếng trời
Tôi vốn chỉ biết đến Tu Mơ Rông gắn liền với các địa danh rực lửa chiến tranh như Đắk Tô, Tân Cảnh... nay lần đầu tiên đặt chân đến Tu Mơ Rông lại chứng kiến cảnh đổ nát điêu tàn sau bão lũ. Con đường bêtông vắt vẻo qua các sườn đồi, dựng ngược bên dốc Cổng Trời mà Nhà nước đã tốn hàng trăm tỉ đồng để nối giao thông đến trung tâm xã Văn Xuôi, Ngọc Yêu giờ bật tung, gãy khúc. Có đoạn, giống như ai đã dời nguyên quả đồi để xóa hết sự có mặt của con người.
Với độ cao trung bình 1.000-1.500 mét so mực nước biển, rừng già ngút ngàn và xanh thẳm ở Tu Mơ Rông quanh năm chỉ chen lẫn trong làn mây trắng. Nhưng sau trận bão lũ lịch sử số 9, núi đồi hoang tàn, khắp nơi loang lổ, đỏ quạch đất badan lộ thiên vì những dãy núi nứt, sụt từng mảnh lớn. Nhìn từ trên cao, Tu Mơ Rông như vừa trải qua những trận bom tàn khốc.
Già A Diên ở làng Tam Ring, Ngọc Yêu giải nghĩa cho tôi rằng, Tu Mơ Rông theo người Xê Đăng tức là giếng trời, nơi mặt trời mọc muộn và lặn sớm. Nếu đúng vậy, thì đây là cái giếng khổng lồ với thung lũng không bằng phẳng, được bao bọc bởi những dãy núi cao sừng sững, liền kề với đỉnh Ngọc Linh. Nhưng theo nghĩa của người Ba Na, thì Tu Mơ Rông là bướng bỉnh, là ngoan cường. Con người và vùng đất bình yên trên cao nguyên cực bắc của Tây Nguyên này chưa bao giờ biết sợ chiến tranh, họ đã từng làm nên những "rừng xà nu", những "anh hùng Núp", họ cũng chẳng ngại thiên tai, nhưng giờ thì đã hốt hoảng, loạn ly vì lở núi.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN huyện Tu Mơ Rông, ông A Brai bảo với chúng tôi rằng, cả huyện Tu Mơ Rông có 30 trên tổng số 50 người chết ở tỉnh Kon Tum. Nửa đêm đang ngủ yên lành trong nhà, bỗng dưng cả quả đồi ập xuống, san bằng cả làng. Như Mô Pành ở Đắk Na, 15 nhà bị cuốn trôi 100% ra suối, đất vùi lấp, sình lầy, gỗ trôi đã đẩy xóa cả làng nhưng người dân đã chạy trốn kịp thời.
|
Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động lội bùn đến với đồng bào Kon Tum.
|
Các làng Ba Tu 1, với 37 hộ, 199 khẩu, Ba Tu 3, 52 hộ, 224 khẩu, Đắk King 23 hộ, 100 người đều bị núi sạt lấp làng nhưng chỉ 4 người chết. Hầu hết người dân đã thoát kịp ra khỏi nhà, bỏ làng mà chạy trong sự rượt đuổi tàn khốc của thiên tai " - ông A Brai nói. Tu Mơ Rông hứng nước cả sườn đông lẫn sườn tây của dãy Trường Sơn, nhưng chưa bao giờ có hiện tượng lở núi bất thường như hiện nay. Những thành trì vững chắc của giếng trời đã vỡ.
Sạt cả rừng ma
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Hà Ban cho biết: "Dân của chúng tôi chưa được yên, dẫu bão đi qua khá lâu. Nghe thông tin mưa to, áp thấp là cả tỉnh đều lo. Những ngôi làng hạ nguồn đã bị lũ cuốn trôi sạch trong lũ bão số 9, số còn lại ở trung lưu thì bị sạt đất, vùi lấp làng. Nay, các làng ở thượng nguồn thì hiện phải kéo nhau đi trốn vì nước từ trong sườn núi cứ bục ra, núi hở cả chục mét thành những đường dài, đe dọa sạt lở lớn bất cứ lúc nào".
"Ngoài cứu đói trước mắt, Kon Tum nỗ lực lo chỗ trú ngụ tạm thời cho hàng ngàn dân ở Tu Mơ Rông, Đắk Glei, Kon Plông... Hiện, từng đêm, người dân còn phải bỏ làng kéo nhau chạy tránh. Họ hoang mang tột độ. Đường giao thông hư hỏng quá nặng, nguy hiểm, việc cứu trợ cho dân cũng chỉ cõng hàng đi bộ cả ngày đường nên khó khăn càng chồng chất. Cán bộ chúng tôi không dám nói quá, chính quyền không thổi phồng, nhưng không có từ nào để diễn tả sự thảm khốc do lụt bão lần này. Tu Mơ Rông đang bị tụt hậu vài mươi năm", ông Ban nói .
Sau gần 2 ngày đánh vật với con đường trơn trượt, đầy hiểm nguy từ đường Hồ Chí Minh, rồi ngược lên Đắk Tô, đâm sâu vào Tu Mơ Rông và cả 4 giờ đi bộ, chúng tôi mới đến Long Tro- điểm tập kết nhận hàng cứu trợ của người dân xã Ngọc Yêu. Nhưng đó cũng mới chỉ là "điểm hẹn giữa", bởi người dân đã phải băng rừng lội bộ gần 1 ngày đường mới xuôi ra đến Long Tro, ngồi đợi hàng.
|
Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động trao hàng cứu trợ cho nhân dân xã Ngọc Yêu - Tu Mơ Rông chiều 19.10.
|
Tôi ái ngại nhìn nhóm người khoảng chừng 400 người nhỏ thó, co ro trong gió lạnh giữa rừng hoang. Còn họ thì như reo mừng không chỉ vì có quà là áo ấm, tiền mặt từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động mà còn ấm áp bởi tấm chân tình của đoàn công tác, lội bộ rừng già để đến được tận dân. Họ thi nhau kể những câu chuyện kinh hoàng chạy lũ như mới vừa xảy ra. Có người nói đã được ông lão râu tóc bạc phơ về báo mộng trước khi núi ập xuống làng, có kẻ kể thấy núi nứt dần ra nên chủ động bỏ chạy...
Còn A Dít kể với tôi, đêm trước cơn bão 3 ngày, rừng bỗng lặng gió, mang tác vang mỗi đêm đầy hoảng hốt. Hôm sau, chim ưng oang oang kêu báo bão. Thấy vậy, lũ làng kéo nhau bỏ chạy lên núi, và y như rằng, bão quần, mưa lớn, núi sạt san bằng cả làng.
Tại thôn Ba Tu 3, rừng ma đã sạt lở, trôi cả trăm ngôi mộ về làng nên dân sẽ bỏ làng vĩnh viễn. Anh Bùi Văn Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tu Mơ Rông, giải thích với tôi, ở đây đồng bào Xê Đăng có tục bỏ mả, không tảo mộ. Họ rất sợ ma, vì vậy những nghĩa địa thường là những khu rừng già hoang sơ, cây lớn vì không ai dám đến khai thác, họ gọi là rừng ma.
Rừng ma thường vững chãi, nhưng lần này, rừng ma ở Ngọc Yêu lại sạt, trôi cả về làng. Người dân sẽ không bao giờ về làng cũ nữa dẫu hiện nay chỉ cắm lều ở tạm trên một quả đồi gần đấy. Nhà A Tép - Trưởng Công an xã Ngọc Yêu cùng chung số phận với 52 nhà khác ở làng Ba Tu 3. Nhưng thê thảm hơn là khi bới tìm trong đống đổ nát, dân làng tìm thấy Y Bôn, A Bảo-vợ, con của A Tép còn tư thế đầu gối, chăn đắp như đang ngủ dưới đống bùn đất. A Tép cũng chết khi trong tay cầm khư khư 2 triệu đồng mới vừa bán trâu. Y Luyên, đứa con khác của A Tép đã thoát nạn vì ở trọ tại trường nội trú dân tộc Tea Xăng, nhưng giờ trở thành côi cút.
Nhận xong phần tiền 800.000 đồng (mỗi khẩu 100.000 đồng) của đoàn chúng tôi, A Sươn xúc động, nhưng lúng túng không biết nói lời cảm ơn thế nào cho phải. Ông rút bịch nylon ra từ trong túi áo, rót ly rượu mời: "Con uống với già ly cho ấm bụng". Mặt A Sươn nhăn nheo, răng xỉa ra đen sì, tóc tai rối bù, xoắn tít, dáng lọm khọm của ông như nói thay nỗi nhọc nhằn, thiếu đói một đời. "Già ở thôn Ba Tu 3, Ngọc Yêu. Già mới có 6 con đều nhỏ hết" - tôi cắt ngang lời tự giới thiệu của ông: "Già năm nay bao nhiêu tuổi?" - "không biết, già sinh năm...1963".
Thấy tôi tròn mắt, Bùi Văn Phương lại cười: "Còn có nhiều người xưng già với mình dù họ chỉ 35-36 tuổi". Điều ấy không cần giải thích cũng cho thấy đời sống của đồng bào Xê Đăng ở Tu Mơ Rông còn quá khốn khổ, thiếu đói, kém thọ. Nhưng chính vì ở vùng sâu, vùng xa nên người dân vẫn còn giữ được sự thuần khiết hoang sơ lẫn lạc hậu.
Ông Vũ Hữu Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện có trên 21 ngàn dân, chưa đầy 5 ngàn hộ nhưng lại trải rộng, lưa thưa trên 11 xã. Trong đó, trên 95% dân là đồng bào Xê Đăng. Họ sống trên sườn núi, ven suối. Bao đời ở nơi rừng già này chưa có hiện tượng sạt núi, lở đất nên còn ổn định. Nay, bên cạnh việc mất nhà, mất làng, gần như 100% đất sản xuất lúa nước, hoa màu đã bị cuốn trôi, vùi lấp.
Hiện nhiều tổ chức, cá nhân và Chính phủ đang tập trung cứu trợ nên chưa lo đến cái đói trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất đáng lo ngại. Dẫu là giếng trời hay là thung lũng ngoan cường, thì với tôi, Tu Mơ Rông vẫn là vùng đất còn đầy bi thương, còn cần lắm sự tiếp sức từ Chính phủ, sự chung tay chia sẻ của đồng bào mọi miền đất nước đến với đồng bào Xê Đăng.
. Theo Lao Động |