|
Ông Phan Xuân Vũ |
Từ ngày 12 đến 15.11, tại phố núi Pleiku sẽ diễn ra Lễ hội Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai lần thứ nhất. Nhân dịp này PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch Gia Lai.
PV: Xin ông cho biết vì sao Gia Lai lại chọn cồng chiêng làm festival. Đây có phải là mốt festival của các tỉnh trong khu vực?
+ Ông Phan Xuân Vũ: Đây là một cách chúng ta tiếp tục thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với Tổ chức Văn hóa Khoa học&Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) về kế hoạch hành động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nhân loại đối với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà tổ chức này công nhận từ năm 2005.
Thông qua festival, chúng tôi hy vọng công tác bảo tồn, quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ nâng lên một bước trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khẳng định vai trò của cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống văn hóa Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung.
Từ festival này chúng ta giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, các dân tộc trên dãy Trường Sơn nói chung.
Festival giúp cho các dân tộc có điều kiện gần gũi nhau hơn, học tập nét văn hóa tốt đẹp của nhau, từ đó, có điều kiện bổ sung, phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Gia Lai có những điều kiện cần và đủ để tổ chức festival cồng chiêng bởi, từ trước đến nay, nhiều hoạt động liên quan đến lễ hội cồng chiêng, kể cả lễ đón bằng của UNESCO công nhận “không gian văn hóa cồng chiêng là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” cũng diễn ra ở phố núi Pleiku.
PV: Được quốc tế công nhận, được nhà nước đầu tư không ít, nhưng cồng chiêng Tây Nguyên có vẻ như đang dần mai một?
+ Ông Phan Xuân Vũ: Trước sự tác động mạnh từ nhiều yếu tố bên ngoài, vai trò thiêng trong hoạt động cồng chiêng đang mai một dần. Vấn đề là chúng ta phải gạn đục khơi trong, bảo tồn giá trị tinh hoa của không gian văn hóa cồng chiêng.
PV: Chỉ còn hơn hai tuần nữa là diễn ra Festival, Gia Lai đã chuẩn bị đến đâu?
+ Ông Phan Xuân Vũ: Thực ra việc xin tổ chức festival, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ từ cuối năm 2008. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến tháng 7.2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới có văn bản chính thức cho phép.
Thời gian như vậy cũng cập rập. Đây lại là lần tổ chức đầu tiên. Trước đây Gia Lai cũng từng tổ chức một số hoạt động lớn song thời gian chỉ một buổi. Lần này quy mô lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Nói là ba ngày nhưng nó diễn ra cả tuần.
Điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú còn hạn chế. So với các tỉnh lân cận như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Pleiku đã không bằng, chưa nói gì đến các thành phố lớn.
Tuy nhiên, mọi công việc đang được chuẩn bị khẩn trương. Tôi tin festival lần thứ nhất sẽ diễn ra tốt đẹp.
Ngoài kinh phí do ngân sách cấp, chúng tôi còn vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ. Từ đó tạo bước thúc đẩy đề cao tính nhân văn của hoạt động bằng việc hỗ trợ quỹ vì người nghèo. Đồng bào có no ấm thì mới có điều kiện bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng.
PV: Đến nay ban tổ chức (BTC) đã quyết định nội dung cuối cùng của festival chưa, thưa ông?
+ Ông Phan Xuân Vũ: Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai với quy mô lớn diễn ra ở nhiều không gian khác nhau. Lúc đầu chúng tôi dự kiến cố gắng đưa các hoạt động lễ hội càng gần với nguyên gốc càng tốt. Về sau, do nhiều nguyên nhân, một số hoạt động có thay đổi.
Trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ trình diễn cồng chiêng tại Quảng trường 17.3; tại các điểm du lịch Về Nguồn, Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng. Tái hiện lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới thay lễ bỏ mả, trình diễn chỉnh chiêng, v.v.
Trước festival, có nhiều hoạt động về thương mại, văn hóa như hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hội thảo về đầu tư, xúc tiến thương mại; triển lãm về “Không gian văn hóa các dân tộc có cồng chiêng ở Việt Nam”, triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và “Tây Nguyên tự tình”, “Sinh vật cảnh”...
PV: BTC đã nhận được danh sách các đoàn cồng chiêng quốc tế, các đoàn trong nước đăng ký tham gia được bao nhiêu?
+ Đến ngày 22.10 có 23 tỉnh, thành trong nước gởi danh sách 34 đoàn cồng chiêng với 702 người tham gia gồm Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ.
Một số tỉnh Tây Nguyên do có nhiều dân tộc sinh sống nên tham gia nhiều đoàn nghệ nhân. Chúng tôi đã gửi thư mời 34 tỉnh thành có chủ nhân của văn hóa cồng chiêng tham dự.
Riêng phía tỉnh nhà, mỗi huyện thị tham gia từ một đến ba đội, tổng cộng 1050 người.
Về khách quốc tế, năm nước nhận lời mời tham dự festival song, đến nay mới có Myanmar chính thức gởi danh sách 10 thành viên trong đoàn.
PV: BTC có lường trước các phương án ví như du khách đổ về Pleiku trong dịp này quá đông trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế?
+ Chúng tôi bố trí hàng nghìn nghệ nhân trong tỉnh ăn ở tại các trường có nội trú, doanh trại quân đội.
Tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị này tiền điện nước ăn ở phục vụ. Ưu tiên khách sạn nhà nghỉ, kể cả nhà khách của các đơn vị trung ương, cho khách quốc tế, khách trong nước. Tổng cộng, nhóm phòng ở này có khoảng 3000 chỗ.
Chúng tôi còn trưng dụng một số trường học quy mô nội trú lớn để phục vụ du khách, với giá vừa phải. Thậm chí UBND Tỉnh gợi ý cho TP Pleiku cho dân đưa khách về nhà.
Phương án dự phòng nữa là chúng tôi mở xe bus nối Pleiku - Kon Tum, hỗ trợ xe đưa đón khách từ Kon Tum về trên quãng đường chưa đến 50 km.
Chúng tôi sẽ có bộ phận thường trực, đường dây nóng tư vấn du khách. Thậm chí chúng tôi dự kiến thành lập tiểu ban đặc trách ở Kon Tum để đón khách, giới thiệu các khách sạn, nhà hàng, v.v.
PV: UNESCO công nhận “không gian văn hóa cồng chiêng…”. Nhưng việc, chúng ta tổ chức trình diễn sẽ khiến “không gian văn hóa” biến dạng. Tính cộng đồng, cộng cảm, sự gắn kết với thiên nhiên, với kết cấu vật chất làng cư trú, lễ thức truyền thống, đặc biệt là tính thiêng trong hoạt động biểu diễn, sẽ mất khi đưa lễ hội về thành phố?
+ Một hoạt động văn hóa khi đưa ra biểu diễn thì nó phải bị sân khấu hóa, không có cách nào khác. Khi anh đã đưa lên biểu diễn trước nhân dân trong nước và quốc tế thì phải có sự chuẩn bị. Ngay như việc tổ chức lễ sinh nhật, cũng phải có sự chuẩn bị, có bài trí, trang hoàn căn phòng.
Vấn đề là làm thế nào hài hòa giữa nguyên gốc với sự tổ chức trước công chúng. Chúng tôi yêu cầu tổng đạo diễn phải làm thế nào để lễ hội càng gần nguyên gốc càng quý.
PV: Sẽ có một số du khách muốn đi về các buôn làng, họ cần tìm hiểu đời sống nguyên sơ trong các buôn làng đồng bào. Vậy BTC có tính đến các nhu cầu này và đáp ứng cho du khách?
+ Cái này rất khó cho BTC. Dự kiến trước đây có một số tiết mục tổ chức ở ngay trong các làng đồng bào TP Pleiku nhưng do có vấn đề tế nhị nên chỉ tổ chức ở các địa điểm vui chơi, du lịch và tại trung tâm thành phố.
Ví như định tổ chức lễ bỏ mả giả ở một làng song khi tìm hiểu thì bà con đồng bào ở làng này có các ý kiến trái chiều. Nếu sau khi làm lễ bỏ mả, có ai ốm đau chết chóc, bà con lại cho rằng do tỉnh tổ chức lễ bỏ mả nên làng bị xui xẻo thì sao.
Việc tổ chức du khách về các buôn làng do Công ty Cổ phần Dịch vụ - Du lịch Gia Lai thực hiện. Còn tổ chức như thế nào, doanh nghiệp này chịu trách nhiệm.
Cty CP Dịch vụ Du lịch Gia Lai có tổ chức một số điểm tham quan còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, được mặt này lại khiếm khuyết mặt khác. Nhìn chung là chúng ta chưa giải quyết được nhiều vấn đề mà nhu cầu cuộc sống đòi hỏi, nhất là giữa bảo tồn bản sắc à phát triển kinh tế.
Cái khó là hiện nay các làng còn nguyên bản thì ở vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện giao thông thuận lợi thì cơ bản mất dần nguyên gốc.
PV: Cảm ơn ông
Cồng chiêng có mặt trong tất cả các sinh hoạt, nghi lễ trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Buôn làng biểu dương sức mạnh của mình bằng chiêng cồng. Con người gửi gắm vào cồng chiêng, tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình về quan hệ giữa người với tự nhiên, giữa người với người.
Cồng chiêng gắn bó suốt cả cuộc đời con người. Từ khi đứa trẻ sinh ra đã nghe tiếng chiêng nhập họ tên cho trẻ; để chúng biết sống theo đạo làm người.
Suốt chặng đường đời mỗi người, chiêng cồng có mặt mọi lúc vui buồn. Chiêng mừng chiến thắng, chiêng mong được mùa, chiêng về làng mới, chiêng cầu mưa thuận gió hòa, xua đuổi tà ma lúc ốm đau, chống quân xâm lược.
Khi chết, tiếng chiêng đưa hồn người bay về với thế giới tổ tiên trong lễ bỏ mồ.
Tùy theo mỗi dân tộc, chiêng cồng có những loại riêng, cách gọi tên và xướng âm, trình diễn khác nhau. |
Phố núi Pleiku đầu tháng 11 vào dịp diễn ra festival thường là lúc có thời tiết đẹp nhất trong năm. Thời khắc chuyển giao từ mưa sang nắng, trời se lạnh, cà phê, cao su những loại cây chiến lược của Tây Nguyên đang thời cao điểm thu hoạch.
Đến Pleiku, du khách có thể đi bằng đường hàng không hoặc đường bộ. Đường hàng không từ Hà Nội có chuyến bay thẳng vào Pleiku (khoảng 1.500.000đ/vé) và ngược lại hai ngày/chuyến, từ TP Hồ Chí Minh (820.000đ/vé), Đà Nẵng (750.000đ/vé) lên Pleiku và ngược lại mỗi ngày từ một đến hai chuyến bay.
Bằng đường bộ du khách đến Pleiku theo quốc lộ 14, quốc lộ 19 và cả quốc lộ 24, quốc lộ 25. Các chuyến xe khách chất lượng cao ở Gia Lai chất lượng phục vụ hàng đầu trong cả nước. Vé xe giường nằm từ TPHCM - Pleiku giá 180.000đ/ người, từ Hà Nội - Pleiku 380.000đ/người.
Số du khách, nghệ nhân đổ về Pleiku dịp này dự kiến 5000-10.000 người. Giá phòng dao động từ 250.000-350.000đ/phòng. Một số khách sạn của HAGL, Tre Xanh, Ya Ly, v.v, có phòng VIP. |
. Theo TPO |