Miền Trung và Tây Nguyên: Sau bão lại đến lũ đặc biệt lớn
18:54', 3/11/ 2009 (GMT+7)

* 17 người chết do cơn bão số 11

* Đà Nẵng: Cứu 12 thủy thủ người nước ngoài bị chìm tàu

* Hủy 5 chuyến tàu Thống Nhất trong ngày 3.11

Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ sông Hương và các sông ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và đang xuống; sông Bồ, các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Ninh Thuận và Gia Lai đang lên; riêng các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai đang ở mức cao.

 

Xóm nhà tạm bợ của các ngư dân phường Đống Đa (Quy Nhơn) ven sông Hà Thanh bị ngập đến nóc.

 

Mực nước lúc 13 giờ ngày 03 tháng 11 trên một số sông như sau: Sông Bồ tại Phú Ốc: 2,77m, dưới BĐ2 là 0,23m; Sông Hương tại Kim Long: 1,42m, xấp xỉ mức BĐ2; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,12m, trên BĐ2: 0,42m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 2,78m, dưới BĐ2: 0,32m; Sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 6,77m, trên BĐ3: 1,07m; Sông Vệ tại Sông Vệ: 5,12m, trên BĐ3: 1,02m; Sông Lại Giang tại Bồng Sơn: 7,08m, trên BĐ2: 0,58m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa: 9,02m, trên BĐ3: 1,52m; Sông Ba tại Ayunpa: 158,54m, vượt đỉnh lũ năm 1998 là 0,94m, tại Củng Sơn: 36,11m, trên BĐ3: 2,61m, Phú Lâm: 3,86m (trên BĐ3: 0,66m); Sông Cái Ninh Hòa tại Ninh Hòa: 6,20m, trên BĐ3: 1,2m; Sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 10,65m, trên BĐ3: 0,65mSông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ: 36,95m (xấp xỉ BĐ2), tại Phan Rang: 2,23m (dưới BĐ1: 0,27m).

Dự báo, tối và đêm nay, lũ sông Bồ, các sông ở Quảng Nam và từ Bình Định đến Ninh Thuận, Gia Lai có khả năng đạt đỉnh. Đỉnh lũ các sông có khả năng như sau: Tại Ái Nghĩa ở mức 8,2m (trên BĐ2: 0,5m); Tại Câu Lâu lên mức 3,3m (trên mức BĐ2: 0,2m); Tại Thạnh Hòa lên mức: 9,2m (trên BĐ3: 1,7m); Tại Ayunpa lên mức 158,8m (trên BĐ3:3,8m); Tại Củng Sơn lên mức 37,5m (trên BĐ3:4,0m); Tại Phú Lâm lên mức 4,8m (trên BĐ3: 1,6m); Tại Ninh Hòa lên mức 6,6m (trên BĐ3: 1,6m), tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 1986 (6,56m); Tại Đồng Trăng lên mức 12,5m (trên BĐ3: 2,5m); Các sông ở Ninh Thuận lên mức BĐ3; Các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục xuống và còn ở trên mức BĐ2. 

Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Gia Lai.

Phú Yên và Bình Định: 16 người chết và mất tích

Trong khi đó, mặc dù đã triển khai phương án phòng tránh nhưng cơn bão số 11 vẫn gây nhiều thiệt hại cho người dân Phú Yên. Đến sáng 3.11, trên địa bàn tỉnh có 13 người chết; trong đó huyện Tuy An có 5 người, thị xã Sông Cầu 6 người, riêng xã Xuân Phú thuộc thị xã 5 người chết. Ngoài ra còn có 11 người bị thương.

Về thiệt hại tài sản, theo số liệu chưa đầy đủ từ Ban chỉ huy PCLB Phú Yên có 140 nhà bị sập, 1899 nhà bị hư hỏng, tốc mái, hơn 625 hecta lúa tăng vụ và hoa màu bị hư hỏng; 16 chiếc tàu bị chìm. Trên quốc lộ 1A hiện còn 3 điểm bị ngập chưa đi lại được ở các vị trí thuộc địa bàn thị trấn Chí Thanh, xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Lộc (huyện Sông Cầu).

 

Vùng rốn lũ khu đông của Bình Định chìm trong lũ, nhiều khu dân cư bị chia cắt hoàn toàn.

 

Ngay sau khi tầm ảnh hưởng cơn bão giảm, lực lượng cơ động của tỉnh lập tức thực hiện phương án cứu giúp dân nhưng mưa vẫn to, nước dâng nên rất khó tiếp cận. Hiện nay, rất nhiều xã thuộc huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu còn ngập sâu trong nước và nhiều vùng bị chia cắt.

Tại huyện Tuy An, ngoài 5 người chết có 7 xã gồm An Nghiệp, An Định, Thị trấn Chí Thạnh, An Dân, An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây bị chia cắt hoàn toàn và có ít nhất 3000 nhà bị ngập sâu trong nước từ 2-3 mét. Tỉnh đã điều động 8 canô ra để giúp dân nhưng vẫn rất khó tiếp cận. Ở huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh cũng đã điều 2 canô nhưng chưa tiếp cận được và huyện bị chia cắt hoàn toàn do nước ngập qua cầu tràn La Hai…

Bí thư tỉnh ủy Phú Yên ông Đào Tấn Lộc cho biết công trình thủy điện Sông Ba Hạ hiện đang xả lũ với lưu lượng 9.000 mét khối/giây nên tỉnh đang chỉ đạo cần di dời dân vùng hạ lưu sông Ba ra khỏi nơi nguy hiểm. Ông Lộc cho biết thêm, Trung ương đồng ý đề nghị với tỉnh về việc chi viện trực thăng để ứng cứu nhưng thời tiết quá xấu nên chưa thực hiện.

Hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn ở tại Phú Yên để trực tiếp chỉ đạo khắc phục cơn bão số 11.

Từ tối ngày hôm qua cho đến sáng nay, 3.11, lũ ở nhiều nơi ở các sông Hà Thanh, sông Kôn, sông La Tinh, dông Lại Giang,... trên địa bàn tỉnh Bình Định đã  vượt qua mức báo động 3 từ 0,5m cho đến hơn 1m. Đồng bằng hạ lưu trên các sông Hà Thanh, sông Kon đã chìm trong biển nước từ 1m đến 5m. Cầu Trắng tại xã Canh Vinh trên tuyến đường Vân Canh- Diêu Trì bị sạt mố, giao thông ách tắc hoàn toàn. Tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Tuy Phước cũng đã bị chia cắt hoàn toàn.

Theo BCH PCLB&TKCN tỉnh Bình Định, cho đến sáng nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết và mất tích là trường hợp của anh Hồ Kỳ Thôi, Võ Công Triết (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), Nguyễn Văn Lộc (xã Cát Thành, Phù Cát). Ngoài ra, báo số 11 cũng làm cho 4 người khác bị thương, 17 nhà sập hoàn toàn,... Tuy nhiên, đến 11 giờ cùng ngày vẫn chưa thể thông kê được số nhà dân bị ngập trong đợt lũ này.

Hiện lực lượng quân sự, lực lượng xung kích địa phương đang tích cực tìm mọi biện pháp ứng cứu nhân dân. Tuy nhiên do lũ to và nước chảy xiết, Ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh Bình Định đề nghị Thủ Tướng Chính Phủ, Ban chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban quốc gia TKCN hỗ trợ về lực lượng quân đội, phương tiện, vật tư và trực thăng cứu hộ để giúp cứu dân trong vùng lũ.

Đà Nẵng: Cứu 12 thủy thủ người nước ngoài bị chìm tàu

Đến khoảng 11g trưa nay, 3.11, toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 12 người (8 người Trung Quốc, 4 người Myanmar) trên tàu vận tải Lucky Dragon (Trung Quốc) đã được lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) và Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cứu sống sau hơn 15 tiếng đồng hồ trôi dạt trên biển và bị sóng lớn đánh chìm tàu.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC cho hay, khoảng 20g tối qua, 2.11, tàu Lucky Dragon tải trọng khoảng 3.000 tấn, đang trên đường chở 2.300 tấn sắt từ Trung Quốc đi TP.HCM, ngang qua vùng biển Mũi Nghê (thuộc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) thì bị cháy một máy và trôi dạt vào bờ biển phường Khuê Mỹ (đối diện sân bay Nước Mặn cũ, thuộc quận Ngũ Hành Sơn).

Ngay sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu Lucky Dragon, Danang MRCC đã huy động sự phối hợp của Bộ đội Biên phòng để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn. Tàu biên phòng của Hải đội 2 Đà Nẵng cùng hàng loạt phương tiện chuyên dùng đã được huy động nhưng do sóng gió quá dữ dội nên suốt đêm qua vẫn không sao tiếp cận được tàu bị nạn.

Đến sáng nay, tàu Lucky Dragon bắt đầu chìm. Trước tình hình đó, lực lượng cứu hộ đã yêu cầu các thủy thủ nhảy khỏi tàu, để lực lượng biên phòng bơi ra ứng cứu. Sau hơn một giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, lực lượng cứu hộ đã đưa được cả 12 thủy thủ vào bờ an toàn.

Sau khi được sơ cứu, hầu hết các thủy thủ tàu Lucky Dragon đều hồi phục sức khỏe ngay tại chỗ, chỉ có 1 trường hợp do quá kiệt sức nên được xe cứu thương đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Hiện tàu Lucky Dragon bị chìm trên vùng biển Khuê Mỹ và đã xuất hiện tình trạng tràn dầu.

Sáng 3.11, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 17 giờ chiều ngày 2.11 đã cứu thành công hai thanh niên ngư dân là Lê Văn Trung (22 tuổi) và Đoàn văn Liêu (21 tuổi, cùng trú thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành) ra khỏi đảo nổi Hòn Mang ngay trong khi có gió bão số 11. Hai ngư dân trẻ này chủ quan coi thường tính mạng, khi tối ngày 1.11 lúc đang bão sắp vào bờ lại dùng thuyền thúng đi bủa lưới đánh cá nên bị sóng đánh dạt vào Hòn Dứa.

Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khẩn trương chống lũ

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Ninh Thuận cùng với các ngành chức năng đang tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình bão lụt, tập trung phương tiện để ứng cứu kịp thời cho nhân dân ở những vùng nguy hiểm và san ủi những đoạn đường bị sạt lở, nối lại các tuyến điện thoại bị đứt nhằm bảo đảm an toàn và thông suốt giao thông, liên lạc. Trên địa bàn Ninh Thuận hiện đang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng nước trên các sông, suối trong tỉnh đang tiếp tục tăng nhanh. Dự báo, trên sông Cái Phan Rang, tại Trạm Tân Mỹ đỉnh lũ sẽ đạt mức báo động III, tại Trạm Phan Rang đỉnh lũ đạt mức xấp xỉ báo động cấp II vào 15-16 giờ chiều; trên Sông Lu, tại các trạm Phước Hà, Phước Hữu ở mức báo động I đến báo động II.

* Tại Gia Lai, mưa to kèm theo gió lớn đã gây ngập lụt cục bộ ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai (giáp với tỉnh Phú Yên), như: Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Đến sáng nay, mực nước trên sông Ba đã vượt mức báo động 3 và đang tiếp tục dâng cao, đe dọa khu vực dân cư ở hai bên bờ. 30 hộ dân tại 3 phường Đoàn Kết, Hòa Bình và Sông Bờ (thuộc thị xã bị Ayun Pa) bị ngập lụt, đã được chính quyền và ngành chức năng di chuyển đến nơi an toàn. Ông Đặng Quang Cường, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, cho biết: sáng nay, 3.11, một học sinh lớp 6, trên đường đi học từ huyện Ia Pa sang thị xã Ayun Pa đã bị cuốn trôi. Hiện địa phương đang tập trung tìm kiếm nạn nhân và di dời những hộ dân đang mắc kẹt trên rẫy đến nơi an toàn.

* Tại Kon Tum, trong các ngày 2 và 3.11, do ảnh hưởng của cơn bão số 11, trên địa bàn tỉnh mưa nhiều, nước trên  các sông lên khá nhanh, giao thông trên quốc lộ 24 bị ách tắc hoàn toàn. Tỉnh lộ 678 đi 4 xã phía Tây của huyện Tu Mơ Rông, dù đơn vị quản lý đường đã làm ngầm đá (đoạn cầu Đăk Kan bị sập), nhưng do lũ lớn nên xe cộ qua lại cũng rất khó khăn. Trên tỉnh lộ 672, mưa lớn đã tiếp tục làm sạt lở ta luy dương tại km 42 gây ách tắc giao thông, đơn vị quản lý đang tích cực khắc phục để thông tuyến.

*Tại Đắc Lắc, mưa bão tại huyện Krông Năng đã làm 95 nhà dân bị tốc mái, tại thị xã Buôn Hồ, gió lớn làm 7 nhà ở xã Ea Siên bị sập. Tại huyện M'Drăk, mưa to, gió mạnh làm 1 hội trường thôn bị đổ; 2 hội trường thôn khác và 38 nhà dân bị tốc mái, 1 trụ điện cao thế bị đổ gây mất điện từ 16 giờ ngày 2 . 11 đến 7 giờ sáng nay vẫn chưa khắc phục được. Tại huyện Ea Kar gió mạnh làm 3 nhà dân sập, 96 nhà dân bị tốc mái…

Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, ngày 3.11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định hủy 5 chuyến tàu Thống Nhất chạy trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, bao gồm các tàu mang số hiệu SE1, SE2, SE6, SE8, TN2. Bên cạnh đó, tại ga Sài Gòn, có 1 chuyến tàu Thống Nhất khác, Tổng công ty chỉ cho chạy từ Sài Gòn đến ga Tuy Hòa rồi quay ngược trở lại.

Trong khi đó, hàng nghìn hành khách trên các chuyến tàu từ 21 giờ đêm 2.11 đến giờ vẫn đang bị kẹt tại các ga từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ra đến Diêu Trì (tỉnh Bình Định) vì nhiều vị trị trên tuyến đường sắt qua tỉnh Phú Yên bị hỏng do cơn bão số 11. Có 12 vị trí trên đoạn đường sắt từ Vân Canh vào đến Chí Thạnh bị sạt lở đất, ngập nước, cầu trôi, trôi đá nền đường; trong đó ngành đường sắt chỉ mới khắc phục vị trí Km 1134 +830 do sạt lở đất. Những vị trí còn lại hiện đang tiếp tục sửa chữa, đáng chú ý là một chiếc cầu tại vị trí Km 1126 bị trôi. Đoạn đường sắt từ La Hai vào đến Chí Thạnh bị ngập nước tại ga Chí Thạnh và hầm Chí Thạnh vẫn còn ngập 30 cm đến 40 cm trong khi nước đang lên…. Trưởng ga Tuy Hòa, ông Trần Kỳ Thạnh cho biết hiện có 8 đoàn tàu với hơn 2.000 hành khách đang kẹt tại các ga Tân Vinh (Bình Định), Tu Bông, Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa, Phước Lãnh và Hòa Đa (Phú Yên). Ngoài ra, còn đoàn tàu TN2 đang đậu tại ga Hảo Sơn (Phú Yên) chưa thống kê được số lượng hành khách.

Những hành khách đang kẹt tại các ga được ngành đường sắt và chính quyền địa phương giúp đỡ về sinh hoạt và ăn uống. Hành khách muốn chuyển tàu đi đường bộ cũng được các ga tạo điều kiện.

. Theo SGGPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Festival Cồng chiêng Quốc tế: Khẳng định văn hóa nhân loại  (25/10/2009)
Thức dậy Sa Huỳnh   (23/10/2009)
Thung lũng ngoan cường  (21/10/2009)
Miền Trung sau bão lũ: Tăng cường chống dịch bệnh  (07/10/2009)
Đưa hình ảnh cồng chiêng tới bạn bè quốc tế  (06/10/2009)
Xót xa Tu Mơ Rông  (05/10/2009)
Quảng Nam: Cấp giấy phép đầu tư dự án du lịch hơn 4 tỷ USD  (02/10/2009)
Khởi công Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum  (27/09/2009)
Du lịch đường bộ miền Trung - Tây Nguyên: Tạo sự liên kết để phát triển   (25/09/2009)
“Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá”  (23/09/2009)
Cho Tây Nguyên ngân xa  (22/09/2009)
"Chuyện cổ tích" vùng biên  (17/09/2009)
Đắk Lắk sưu tầm, phát huy 76 lễ hội truyền thống  (16/09/2009)
Lên Tây Giang xem hội đâm trâu  (07/09/2009)
Các tỉnh miền Trung đối phó với áp thấp nhiệt đới   (04/09/2009)