|
Huyện Điện Bàn, Quảng Nam sau bão số 9 |
Người dân miền Trung cần lắm sự sẻ chia của đồng bào cả nước. Nhưng cần hơn là những cánh tay đầy trách nhiệm của những người có trách nhiệm trước sự cạn kiệt của tài nguyên…
Chỉ trong vòng 5 tuần lễ, miền Trung phải hứng chịu 2 cơn bão dữ. Từ Quảng Nam – Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk, dải đất nghèo khó này phải oằn mình chống chọi với cơn cuồng nộ của đất trời, giành giật từng mảnh ván, ngọn cây để sống sót. Gần 300 sinh mạng đã ra đi theo dòng nước bạc. Riêng trong cơn bão số 11, số người chết đã lên trên con số 100, thiệt hại vật chất hàng ngàn tỷ đồng. Nỗi đau của miền Trung đang đặt ra nhiều điều cho mỗi chúng ta.
Bây giờ và mãi sau này, nghĩ về miền Trung, có lẽ không ai quên hình ảnh những người dân đội mưa tránh lũ trên mái nhà; những cái đầu vừa nhô khỏi mái tranh kêu cứu, những cánh tay vừa dỡ được mấy viên ngói đã chới với trong tuyệt vọng, dốc chút sức lực còn lại sau một đêm dầm mình trong nước lạnh để mong có người trông thấy mà cứu vớt. Giữa mưa gió bão bùng, giữa mênh mông cuồng giận của thiên nhiên, thân phận con người mới nhỏ bé làm sao.
Những làng quê trù phú hôm nào, chỉ sau một đêm chống chọi với lũ dữ, sáng ra đã xác xơ hoang tàn. Con tìm cha, vợ tìm chồng, ông đi tìm cháu, thẩn thờ nhìn những thi thể xếp hàng đắp chiếu ven đường. Cả đời chắt chiu dành dụm, ra đi mà chẳng kịp nhìn nhau.
Không để dân bơ vơ trong hiểm nguy, cộng đồng đã chung tay góp sức. Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp đến hiện trường chỉ huy công tác cứu nạn cứu hộ. Cán bộ chiến sĩ tức tốc lên đường, máy bay, xe lội nước, ca nô được điều động khẩn cấp. Cứu dân như cứu mình. Đó là mệnh lệnh từ trái tim, một mệnh lệnh chỉ có tiến tới mà không được một phút giây do dự.
Từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, từ chiến sĩ cứu hộ cứu nạn đến người thanh niên bình thường trên sông Ba, chỉ với con thuyền trong tay, cộng với lòng dũng cảm và trách nhiệm trước đồng bào, họ đã không quản hiểm nguy lao ra giữa dòng nước xiết để cứu hàng trăm người thoát chết. Trong hoạn nạn, thấm đẫm tình người. Không ai bảo ai, gạo, mì ăn liền, quần áo và hàng tỷ đồng của đồng bào cả nước đã được quyên góp giúp người dân vùng lũ. Những ngày này, nhiều chuyến xe chở hàng cứu trợ đổ về miền Trung ruột thịt, chở theo bao tấm lòng của đồng bào cả nước sẻ chia những đau thương mất mát với bà con.
Trong hiểm nguy, đồng bào miền Trung đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đầu giờ sáng 4.11, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Phó Chủ tịch Quốc hội nói lời chia sẻ với miền Trung, đông đảo đại biểu quốc hội đã quyên góp giúp đồng bào hoạn nạn. Ngày 5.11, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng đã vào miền Trung để trực tiếp thăm hỏi, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước đã làm ấm lòng người dân trong cơn hoạn nạn, động viên kịp thời giúp bà con vượt qua đau thương để gượng đứng lên trên đống hoang tàn đổ nát dựng xây lại cuộc sống.
Cùng với thời gian và sự chung tay giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng, những đau thương mất mát của người dân vùng lũ rồi sẽ qua đi. Nhưng điều làm chúng ta suy nghĩ là: Miền Trung với sông Hương, sông Thu Bồn, sông Vệ, Sông Kôn, sông Đà Rằng… những con sông bao đời chở nặng phù sa bồi đắp nên bao miền quê trù phú, dệt nên bao mạch nguồn văn hóa, làm nên cốt cách những miền quê. Vậy mà cũng những con sông mỡ màng phù sa ấy, bây giờ sao lại đỏ ngầu giận dữ, đưa lũ thượng nguồn tràn về cuốn trôi nhà cửa, xóm làng, cuốn trôi bao phận người vốn gắn bó cả đời mình với lũy tre làng, với bờ bãi dâu xanh?
Theo số liệu thống kê của Sở Kiểm lâm Đông Dương, năm 1930, nước ta có 14,2 triệu ha rừng, 13 năm sau, chỉ còn 13,5 triệu ha, nghĩa là mỗi năm, mất đi 5 vạn hecta rừng. Đến năm 1980, thống kê của ngành Lâm nghiệp cho biết cả nước chỉ còn 9,9 triệu ha rừng. Vậy là trong 37 năm, chúng ta đã mất 3,6 triệu ha rừng. Bình quân mỗi năm 10 vạn hecta rừng bị hủy diệt. Sau mấy năm triển khai chương trình trồng 5 triệu hecta rừng, diện tích che phủ rừng tăng không kịp với diện tích rừng bị phá.
Rừng đầu nguồn bị tàn phá, lòng sông bị khai thác cát sỏi vô tội vạ, cả chục năm trở lại đây, lũ năm sau bao giờ cũng dữ dội hơn năm trước. Chúng ta đã ứng xử thô bạo với thiên nhiên, và bây giờ phải gánh chịu hậu quả. Điều đó nhiều người thấy, nhiều người nói.
Thế nhưng chúng ta vẫn chưa có những quyết sách thật mạnh mẽ, những hành động thật cương quyết với nạn phá rừng. Người dân miền Trung cần lắm sự sẻ chia của đồng bào cả nước. Nhưng cần hơn là những cánh tay đầy trách nhiệm của những người có trách nhiệm trước sự cạn kiệt của tài nguyên. Không thể cứ bỏ mặc rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, để rồi, năm nào cũng phải lo cứu trợ cho miền Trung. Tiền thì có thể, nhưng sinh mạng con người lấy gì bù đắp?”.
. Theo VOV News
|