Bảo tồn cồng chiêng như thế nào?
15:57', 19/11/ 2009 (GMT+7)

Những "nghệ nhân" trẻ cồng chiêng Tây Nguyên.

Nằm trong khuôn khổ chương trình Festival Cồng chiêng quốc tế Gia Lai 2009, một hội thảo về cồng chiêng trong mối quan hệ với sự đổi thay của toàn bộ đời sống kinh tế xã hội mang tầm quốc tế đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Gần một trăm nhà khoa học, nhiều người là các học giả nổi tiếng, đã gửi về ban tổ chức 74 tham luận. Ban tổ chức chia ra làm bốn nhóm vấn đề: Những nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung và Đông Nam Á; Vai trò xã hội của cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và Đông Nam Á; Những tác động của kinh tế- xã hội đối với văn hóa cồng chiêng, những thích nghi và hạn chế, du lịch và di sản văn hóa dân tộc; Bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các nước Đông Nam Á.

Các vấn đề chính được đặt ra là: Đời sống kinh tế xã hội đã có rất nhiều biến đổi theo hướng hiện đại tiện nghi hơn, đời sống con người được phục vụ tốt hơn, văn minh hơn, không gian sống của các cư dân có chiêng cồng đã gần như thay đổi hoàn toàn..., vậy thì cồng chiêng tồn tại như thế nào trong điều kiện ấy. Rồi các mối liên hệ giữa cồng chiêng của các nước trong khu vực. Tại Festival lần này, ban tổ chức đã mời 5 đoàn cồng chiêng của các nước: Lào, Campuchia, Philippinnes, Indonesia và Myanmar thì đã có đến 2 loại hình chiêng cùng xuất hiện tại Festival là chiêng treo và chiêng ngồi. Chiêng treo là đeo ở vai hoặc treo trên giá đánh, còn chiêng ngồi là xếp chiêng nằm xung quanh và người chơi ngồi ở giữa. Rồi nữa, theo TS Bountheng Souksavatd thì chiêng cổ mà người Tây Nguyên hay gọi là chiêng Lào. PGS TS Nguyễn Khắc Sử cho biết, trong quá trình khai quật khảo cổ ở miền Trung và Tây Nguyên đã phát hiện nhiều di chỉ xưởng có dấu vết đúc đồng. Vậy có liên quan gì đến cồng chiêng Tây Nguyên? GS TS Trần Văn Khê trong mối tương quan nghiên cứu chiêng trong khu vực đã đưa ra nhiều luận cứ thuyết phục để chứng minh rằng không có dàn cồng nào ở Đông Nam Á tinh vi, tế nhị như loại cồng chiêng Tây Nguyên. Vấn đề bảo tồn như thế nào cũng có nhiều ý kiến thẳng thắn, thậm chí trái ngược. Một số ý kiến cho rằng cần bảo tồn nguyên vẹn, cần đưa cồng chiêng vào chương trình học phổ thông. Tuy nhiên, PGS TS Ngô Văn Doanh chỉ ra những điều không khả thi khi phổ cập cồng chiêng. Ông cho rằng con người có quyền lựa chọn sở thích. Không thể bắt người ta học khi người ta không thích. Nếu đưa chiêng vào dạy ở các nhà trường thì trước hết phải đào tạo hàng vạn giáo viên, mà hiện trạng các trường nghệ thuật hiện nay thì các bộ môn truyền thống như đàn bầu, tam thập lục, sáo trúc... rất ít người học, nói gì tới chiêng. Ngay người Kinh, các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng có đưa vào trường học đâu... Thêm nữa, không gian chiêng không còn như cũ, chơi vào lúc nào. Vấn đề là phải tìm ra một mô hình thích hợp cho chiêng và không chỉ chiêng mà là tất cả các loại hình nghệ thuật nói riêng, văn hóa Tây Nguyên nói chung...

Về vấn đề này, GS TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng cần phải trở về với những vấn đề cơ bản của sáng tạo và vận hành nền văn hóa. Đó là các vấn đề: Bản chất sáng tạo của văn hóa, tính biến đổi và quá trình kết tinh, những sáng tạo đương thời và hệ thống tinh hoa của truyền thống. Cồng chiêng nguyên thủy được tồn tại và phát triển với tính đa chức năng mà trước hết là thành tố trong các hoạt động văn hóa, sản xuất và sinh hoạt của con người. Nhưng mỗi bài cồng chiêng đồng thời là một sáng tạo âm nhạc, vì thế nó vừa là một hoạt động thực hành, vừa là tác phẩm nghệ thuật. Vậy thì khi môi trường truyền thống của nó mất đi thì các bài cồng chiêng sẽ tồn tại tiếp tục vận hành và chọn lọc của các quy luật âm nhạc. Vấn đề là phải xử lý hài hòa hai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy, thừa kế và phát triển.

Những việc chúng ta đang làm hiện nay cũng là một cách bảo tồn và phát huy, song để tìm ra con đường hợp lý nhất, ít sai sót thì những cuộc hội thảo quốc tế như đang diễn ra, và cả cách tổ chức các Festival cồng chiêng như thế này là một việc làm bổ ích...

. Theo Van Hoa Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều "món lạ" tại Festival Cồng chiêng quốc tế  (15/11/2009)
Hùng thiêng Tây Nguyên  (12/11/2009)
Những cánh tay từ vùng lũ  (06/11/2009)
Không sân khấu hóa cồng chiêng mà là “mỹ lệ” hóa?  (05/11/2009)
Miền Trung và Tây Nguyên: Sau bão lại đến lũ đặc biệt lớn   (03/11/2009)
Festival Cồng chiêng Quốc tế: Khẳng định văn hóa nhân loại  (25/10/2009)
Thức dậy Sa Huỳnh   (23/10/2009)
Thung lũng ngoan cường  (21/10/2009)
Miền Trung sau bão lũ: Tăng cường chống dịch bệnh  (07/10/2009)
Đưa hình ảnh cồng chiêng tới bạn bè quốc tế  (06/10/2009)
Xót xa Tu Mơ Rông  (05/10/2009)
Quảng Nam: Cấp giấy phép đầu tư dự án du lịch hơn 4 tỷ USD  (02/10/2009)
Khởi công Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum  (27/09/2009)
Du lịch đường bộ miền Trung - Tây Nguyên: Tạo sự liên kết để phát triển   (25/09/2009)
“Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá”  (23/09/2009)