Đến để thưởng thức bữa tiệc đậm chất Tây Nguyên
13:34', 10/12/ 2009 (GMT+7)

Cưỡi voi vượt sông khám phá rừng già 

Chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra Tuần Văn hóa du lịch Buôn Ma Thuột- Đắk Lắk năm 2009 với chủ đề Huyền thoại voi Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện tốt nhất sự kiện văn hóa du lịch lớn nhất trong năm nay của tỉnh này.

Ông Trần Sỹ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tỉnh rất kỳ vọng vào sự kiện văn hóa du lịch lớn này để qua đó, giới thiệu với du khách một cách sâu sắc hơn về văn hóa Đắk Lắk và Tây Nguyên. Chúng tôi mong muốn được đón nhận ngày càng nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Đắk Lắk để cùng chúng tôi chuyển những tiềm năng, cơ hội kinh doanh trở thành hiện thực trong một tương lai gần”.

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm của Tây Nguyên, diện tích hơn 13.125 km2, dân số gần 1,8 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 11 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 15%, an ninh chính trị ổn định.

Với vị trí chiến lược quan trọng, hệ thống giao thông phát triển cả về đường không và đường bộ với các tuyến quốc lộ 14, 26, 27 nối liền với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.HCM; sân bay Buôn Ma Thuột với các tuyến bay thẳng, hằng ngày Buôn Ma Thuột- Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, tạo điều kiện cho việc giao lưu nhanh chóng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, phát triển kinh tế xã hội và du lịch.

Đắk Lắk cũng là tỉnh luôn quan tâm vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa và sinh thái. Với đặc điểm là tỉnh có đông thành phần dân tộc nhất cả nước, 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 31% dân số của tỉnh. Ngoài các dân tộc bản địa là Ê Đê, Gia Rai, M’nông còn có bà con các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Mông... khiến Đắk Lắk trở thành tỉnh có bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo và phong phú vào hàng nhất cả nước. 

Trong Tuần Văn hóa du lịch Buôn Ma Thuột- Đắk Lắk 2009, nhiều hoạt động mang đậm phong cách Tây Nguyên sẽ được thể hiện như: Lễ hội Voi, Lễ cúng bến nước, Lễ hội Lửa, trại điêu khắc gỗ Tây Nguyên, chương trình du lịch xanh Tây Nguyên... Với huyền thoại về những “chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng hiền hòa”, huyền thoại về chàng dũng sĩ Đam San oai hùng và nữ tù trưởng H’Nhi, H’Bhi xinh đẹp, huyền thoại về bầy voi nhà và nghề săn bắt, thuần dưỡng voi nổi tiếng của Buôn Đôn... thể hiện một Đắk Lắk với con người hồn hậu, mến khách và thiên nhiên tươi đẹp, một tầng sâu văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên...

Du khách và người dân sẽ được hòa mình vào các nghi lễ và hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, lễ cúng sức khỏe cho voi, tổ chức voi thi chạy, voi thi kéo vật nặng, voi thi bơi vượt sông Serepok, voi đá bóng... Du khách cũng được tận mắt chứng kiến những nghi lễ, hiện vật tế lễ đặc sắc, được uống rượu cần và nhảy múa cùng không khí lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã trong lễ Cúng bến nước của đồng bào Ê Đê, tham gia vào không gian huyền ảo cùng những vũ điệu dũng mãnh của các chàng trai Tây Nguyên cường tráng, tận tay nhận những ngọn lửa lung linh từ các cô gái mang vẻ đẹp hoang dã của núi rừng Tây Nguyên trong Lễ hội lửa...

Liên hoan văn hóa ẩm thực 3 miền cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng với hàng trăm món ăn độc đáo, hấp dẫn của 3 miền Bắc- Trung- Nam, giới thiệu với đồng bào Tây Nguyên và du khách những giá trị ẩm thực đặc sắc, thăng hoa.

Toàn bộ các hoạt động của Tuần Văn hóa du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk đều được xây dựng dựa trên những nét văn hóa đặc trưng nhất, đương được lưu giữ hoặc đã nhạt phai của Tây Nguyên, của Đắk Lắk, những bước phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa những năm đổi mới do nhạc sĩ Nguyễn Cường, một người khá am hiểu về khu vực Tây Nguyên làm tổng đạo diễn. Tham gia chương trình là các nghệ sĩ, diễn viên và người dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk.

Ông Thanh nói: “Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang rất cần các nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất ngành du lịch, xây dựng tuyến điểm mới mang tính liên vùng, các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Chúng tôi cũng đang rất cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức của các ngành, cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội, có sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của các doanh nghiệp, nhân dân địa phương và du khách. Tốc độ tăng trưởng về du lịch hiện nay của tỉnh đạt trên 15%, khách du lịch đến tỉnh Đắk Lắk năm 2009 đạt trên 254.000 lượt”.

. Theo Van Hoa Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung: Nhà máy đường “đói” mía  (30/11/2009)
Thủy điện và lũ lụt: Không thể lấy không từ thiên nhiên  (25/11/2009)
Nghi thức ‘khóc trâu’ của người Cơ Tu  (24/11/2009)
Bảo tồn cồng chiêng như thế nào?  (19/11/2009)
Nhiều "món lạ" tại Festival Cồng chiêng quốc tế  (15/11/2009)
Hùng thiêng Tây Nguyên  (12/11/2009)
Những cánh tay từ vùng lũ  (06/11/2009)
Không sân khấu hóa cồng chiêng mà là “mỹ lệ” hóa?  (05/11/2009)
Miền Trung và Tây Nguyên: Sau bão lại đến lũ đặc biệt lớn   (03/11/2009)
Festival Cồng chiêng Quốc tế: Khẳng định văn hóa nhân loại  (25/10/2009)
Thức dậy Sa Huỳnh   (23/10/2009)
Thung lũng ngoan cường  (21/10/2009)
Miền Trung sau bão lũ: Tăng cường chống dịch bệnh  (07/10/2009)
Đưa hình ảnh cồng chiêng tới bạn bè quốc tế  (06/10/2009)
Xót xa Tu Mơ Rông  (05/10/2009)