Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn: Cần xứng tầm với giá trị lịch sử
9:17', 12/12/ 2009 (GMT+7)

Hơn bốn mươi năm đã đi qua nhưng Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn vẫn còn lặng lẽ với những hạng mục công trình chưa thật sự xứng tầm với sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Gần nửa thế kỷ trước, Truông Bồn là nơi ghi lại tinh thần anh dũng hy sinh của  quân dân và thanh niên xung phong để bảo vệ tuyến đường 15 A huyền thoại. Đặc biệt, cũng tại đây vào ngày 30.10.1968, 13 thanh niên xung phong đã hy sinh trong một cuộc ném bom của giặc Mỹ. Nhưng hôm nay, dừng chân lại Khu di tích chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được hết giá trị, ý nghĩa của di tích bởi nơi đây vẫn còn thiếu những hạng mục công trình tôn vinh sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Vẫn biết, trong những năm qua Sở VHTTDL Nghệ An và các cấp, các ngành đã quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của du khách tham quan.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn, trong đó đã nhấn mạnh đến tính chất, chức năng của khu di tích như: Không gian đền thờ và mộ các liệt sĩ thanh niên xung phong; không gian đón tiếp và tổ chức các đại lễ, sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương; công viên tưởng niệm với hệ thống các công trình mang tính tái hiện lại sự kiện lịch sử, các công trình tưởng niệm; là khu vực có tính chất tôn vinh và ca ngợi chiến thắng của quân và dân Truông Bồn... Quy hoạch cũng đặt ra việc xây dựng Quảng trường trung tâm là nơi phục vụ các đại lễ kỷ niệm. Sân khấu ngoài trời theo mô hình sân khấu của thời chiến. Khu mộ và đền thờ được phát triển mở rộng trên đất của khu mộ hiện tại về phía Nam để tạo thành một không gian thờ cúng và tưởng niệm với khu mộ hiện tại là trung tâm. Khu nhà tưởng niệm các liệt sĩ thanh niên xung phong được xây dựng mới với hình thức ngôi nhà truyền thống để thờ các liệt sĩ và các lực lượng khác. Các hố bom sẽ được phát quang cây cối, tạo đường đi tham quan xung quanh để thấy được sức tàn phá của chiến tranh. Quy hoạch cũng đề xuất xây dựng không gian tái hiện và tưởng nhớ với mục đích “dựng” lại phần nào lịch sử, sự ác liệt của chiến tranh với hệ thống đường đi bộ mô phỏng lại tuyến đường chiến tranh, các mô hình tái dựng chiến tranh. Tại đây được dựng lên một hệ thống các mô hình tái hiện lại sự ác liệt, sự hy sinh, mất mát trong cuộc chiến đấu bảo vệ tuyến đường 15A tại Truông Bồn.

Không gian bảo tồn, tôn tạo đài chiến thắng nằm ở vị trí tượng đài hiện tại và mở rộng khuôn viên. Nhìn tổng thể, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn và dự án đã nêu bật lên được giá trị, ý nghĩa của Khu di tích, đồng thời nghiên cứu,  đưa ra nhiều hạng mục quan trọng nhằm tạo nên sự quy mô của di tích. Trên lý thuyết, bước vào không gian này du khách sẽ cảm nhận được sự tôn vinh của thế hệ hiện nay đối với các bậc tiền nhân, và cũng là nơi tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa, cách mạng cho các thế hệ trẻ. Việc xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình như nhà tưởng niệm, sân hành lễ (hay còn gọi là Quảng trường) và một số hạng mục tái dựng lại nhằm làm cho du khách cảm nhận rõ rệt hơn về sự tàn phá của chiến tranh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng trong bản quy hoạch cũng như dự án vẫn chưa đi sâu nghiên cứu, làm rõ và đề xuất việc phục hồi những chứng tích chiến tranh tại nơi đây. Những công trình kiến trúc được xây dựng mới tại khu di tích được các tác giả đề xuất theo kiểu kiến trúc truyền thống nhưng các hoa văn, họa tiết lại hơi bị lạm dụng khiến cho khi nhìn vào có thể bị nhầm tưởng là chúng ta phục hồi công trình di tích cũ. Việc xuất hiện một số chòi nghỉ phía trên nhà tưởng niệm là không hợp lý.

Theo một số nhà nghiên cứu, trong dự án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn nên chú trọng đến việc nghiên cứu, đầu tư bảo tồn các di tích gốc, trong đó cần tập trung khắc họa rõ hơn về các chứng tích chiến tranh. Thêm nữa, trong dự án cũng nên làm rõ lộ trình đầu tư, theo đó cần ưu tiên bảo tồn, tôn tạo các di tích gốc trong di tích. Tại văn bản thỏa thuận dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn, Bộ VHTTDL cũng cho rằng, việc đầu tư tôn tạo tổng thể di tích sao cho xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của di tích, góp phần giáo dục truyền thống anh hùng cho các tầng lớp nhân dân là cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đề nghị cần tu bổ các dấu tích của chiến trường cũ hiện còn; xây dựng hệ thống bia, biển giới thiệu điểm di tích; xây dựng đền thờ tưởng niệm các liệt sĩ ở Truông Bồn; chỉnh trang lại (hoặc xây dựng mới) biểu tượng chiến thắng gắn liền với xây dựng nhà đón tiếp kết hợp với trưng bày quy mô nhỏ, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

. Theo Van Hoa Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đến để thưởng thức bữa tiệc đậm chất Tây Nguyên  (10/12/2009)
Miền Trung: Nhà máy đường “đói” mía  (30/11/2009)
Thủy điện và lũ lụt: Không thể lấy không từ thiên nhiên  (25/11/2009)
Nghi thức ‘khóc trâu’ của người Cơ Tu  (24/11/2009)
Bảo tồn cồng chiêng như thế nào?  (19/11/2009)
Nhiều "món lạ" tại Festival Cồng chiêng quốc tế  (15/11/2009)
Hùng thiêng Tây Nguyên  (12/11/2009)
Những cánh tay từ vùng lũ  (06/11/2009)
Không sân khấu hóa cồng chiêng mà là “mỹ lệ” hóa?  (05/11/2009)
Miền Trung và Tây Nguyên: Sau bão lại đến lũ đặc biệt lớn   (03/11/2009)
Festival Cồng chiêng Quốc tế: Khẳng định văn hóa nhân loại  (25/10/2009)
Thức dậy Sa Huỳnh   (23/10/2009)
Thung lũng ngoan cường  (21/10/2009)
Miền Trung sau bão lũ: Tăng cường chống dịch bệnh  (07/10/2009)
Đưa hình ảnh cồng chiêng tới bạn bè quốc tế  (06/10/2009)