Những ngày đầu năm mới Kỷ Sửu, trời êm gió, những chuyến đi biển của ngư dân Phú Yên bắt đầu ra khơi, mang về lưới nặng cá đầy, làm cho không khí của năm mới tại những làng biển Phú Yên càng thêm rộn rã.
Nằm ở cửa ngõ của dòng sông Tam Giang, làng biển Dân Phước, Vạn Phước của thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu (Phú Yên) những ngày này như rộn ràng hơn khi những chuyến đi biển đã về bến đầy khoang sau những ngày dài động gió. Bà con cho biết, nửa cuối tháng chạp đến nay, trời êm, cá xuất hiện nhiều nên chỉ một chuyến ra khơi (1 ngày đêm) cũng có nguồn thu 3-5 triệu đồng. Ở khu vực nuôi trồng thuỷ sản, sau những khó khăn do dịch bệnh, bệnh sữa trên tôm hùm nay đã khỏi và việc nuôi tôm đã ổn định trở lại. Những con tôm hùm giống không bán được của năm ngoái được người dân giữ lại nuôi, nay đã sắp đến kỳ thu hoạch. Riêng tôm xanh đã thu hoạch và bán với giá cao nhất từ trước đến nay 700.000đồng/kg, còn tôm hùm bông giá bán trên dưới 1 triệu đồng/kg.
Những ngày đầu năm hàng trăm chiếc thuyền làm nghề mành tôm cũng trúng đậm vì tôm giống xuất hiện dày. Tại các vùng biển trên Đầm Cù Mông và Vịnh Xuân Đài ở huyện Sông Cầu, tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều. Nhiều ngư dân ở các thôn Vịnh Hoà, Từ Nham, Phú Dương (xã Xuân Thịnh), Vũng La, Vũng Chào (xã Xuân Phương), Hoà Lợi (xã Xuân Cảnh)… sau một đêm khai thác được từ vài chục đến cả trăm con. Giá tôm hùm giống giao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/con. Cá biệt có phương tiện một đêm khai thác được 350 con tôm hùm giống, thu nhập 18 đến 20 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Chín, ngư dân thôn Dân Phước, thị trấn Sông Cầu vui mừng: “Tôm được giá, cá được mùa, giá lại cao, nhờ vậy mà bà con có thu nhập khá trong những ngày tết, mừng hết biết!”
Hai làng biển Dân Phước và Vạn Phước của thị trấn Sông Cầu có hơn 600 tàu thuyền, chủ yếu hành nghề dã cào và mành tôm. Những ngày trước tết, bà con đã có một “tết sớm” khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân. Những chuyến biển thất bát trong năm cũ, những nỗi lo xăng dầu tăng giá trong điều kiện lạm phát đã được bù đắp khi mỗi phương tiện được nhận hỗ trợ ít nhất 20 triệu đồng. Nói như bà con “nằm mơ cũng không thể nghĩ mình được Nhà nước hỗ trợ một số tiền lớn như vậy”, nhờ đó mà trước mùa đánh bắt năm nay, ở những làng biển, người tu bổ tàu thuyền, người sắm thêm tấm lưới mới, thay cái máy thuỷ cho đỡ tốn dầu...
Ông Nguyễn Năm, ngư dân ở thôn Dân Phước thị trấn Sông Cầu nói: “Trước tết, gia đình nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ hơn 26 triệu, nhờ vậy mà gia đình gia cố lại thuyền dã cào, mạnh dạn vươn khơi. Mọi năm gia đình thường “xuất hành” mùng 4 hoặc mùng 6 Tết, nhưng năm nay cá xuất hiện nhiều, từ ngày mùng 1, sau khi thắp hương cho ông bà, tổ tiên xong là tụi tui cúng thuyền và chọn hướng cho thuyền xuất hành ngay. Làm khá lắm!”
Còn tại các làng biển của xã Hoà Hiệp, huyện Đông Hoà ngư dân cũng rất phấn khởi đón tết Kỷ Sửu sau những chuyến ra khơi được mùa cá đầu vụ. Chỉ 2 tuần trước và sau Tết Nguyên Đán, bà con ngư dân làm nghề lưới rút ngày ở xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà trúng đậm cá chù, cá bông và cá ồ. Trung bình 1 thuyền nghề sau nửa tháng ra khơi (tính từ 23 tháng chạp đến một tuần sau tết), đã có nguồn thu từ 200 đến 300 triệu đồng. Một số thuyền trúng đậm một “món” cá đã có thu nhập gần 100 triệu đồng. Cá đánh bắt được sản lượng khá, giá lại rất cao, trung bình từ 70.000 - 100.000đồng/kg nên ngư dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Sang, ngư dân thôn Phú Thọ 3, xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà cho biết: “Nhà tôi chính thức “xuống nước” từ 23 tháng chạp, đến 30 tết đã thu được trên 200 triệu đồng. Mừng quá, mùng 2 tết chúng tôi tiếp tục ra khơi. Tính từ sau tết đến giờ, bình quân mỗi chuyến ra biển cũng có được thu nhập từ 5-10 triệu đồng. Không chỉ có gia đình tôi mà bà con ở đây, ai cũng đều thu khá, phấn khởi lắm”.
Ông Trần Phú Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà cho biết: “Xã Hoà Hiệp Trung hiện có hơn 150 phương tiện chuyên làm nghề lưới rút ngày, công suất một thuyền từ 30 đến 90 CV, mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ 1-3 ngày. Năm nay, nhờ chủ trương đầu tư của nhà nước, phương tiện được đầu tư tu bổ chắc chắn hơn nên ngư dân mạnh dạn vươn khơi. Cá xuất hiện nhiều nên ngay trong những ngày đầu của năm mới, xã vận động ngư dân vui xuân nhưng vẫn tiếp tục ra khơi bám biển đánh bắt để tăng thu nhập. Với bà con ngư dân, được mùa cá là tết đang kéo dài”.
Biển được mùa, những lễ hội sông nước được tổ chức đã làm cho ngày tết ở các làng biển Phú Yên thêm rộn ràng. Tại huyện Sông Cầu, lễ hội sông nước Tam Giang với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại làng Dân Phước, ngay cửa ngõ của dòng Tam Giang đổ ra vịnh Xuân Đài. Không chỉ có những trò chơi dân gian, những hoạt động gắn với sông nước được ngư dân tham gia tranh tài, lần đầu tiên những cô gái ở các làng biển Sông Cầu trổ tài đan lưới nhanh trong ngày hội sông nước, rồi những cô gái xứ dừa được dịp khoe nét duyên dáng trong hội thi người đẹp xứ dừa, những ngư dân được thưởng thức những món ăn vùng biển trong lễ hội văn hoá ẩm thực, trong khi các cụ đắm mình trong những làng điệu hò khoan và tham gia trong hội bài chòi. Rồi đến những lễ hội đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan ở huyện Tuy An, lễ hội sông nước Đà Nông của huyện Đông Hoà... tất cả tạo nên không khí xuân vui tươi ở những làng biển Phú Yên trong những ngày đầu năm mới Kỷ Sửu.
. Theo VOV News
|