Người Cà Doong xuống núi
17:35', 10/2/ 2009 (GMT+7)

Ngôi nhà của người Cà Doong - Dak Vang.

Người Cà Doong là một trong những dân tộc ít người nhất ở nước ta hiện nay, họ thường sống trên lưng chừng những ngọn núi cao dọc tuyến biên giới, đoạn tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia.

Sau một thời gian nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Công ty 732, người Cà Doong đã xuống núi lập làng, trồng cây lúa nước... Tết Kỷ Sửu năm nay họ đã học được cách gói bánh chưng, bánh dày... để "cúng Bác Hồ" và tổ chức đón giao thừa tập trung ở nhà rông văn hoá, được xem bắn pháo hoa, nghe thư chúc Tết...

Chuyện người Cà Doong xuống núi...

Cách trung tâm thị xã Kon Tum chừng 70km về hướng tây bắc, chúng tôi đi qua địa phận xã Xa Loong (Ngọc Hồi) khoảng độ 5km thì đến làng Đăk Văng - làng của những người thuộc dân tộc Cà Doong lập nên sau khi họ từ bỏ nơi ở cũ trên dãy núi Đồi A1, tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia. Hiện nay làng có 86 hộ, trên 700 khẩu, người dân chủ yếu trồng lúa nước, cà phê và cao su...

"Auco!" (tiếng người Cà Doong là chào) - ông A Không B (76 tuổi) đang trộn vữa xây nhà, dừng tay mời chúng tôi vào ngôi nhà bên cạnh. Uống hết ly trà nóng, đậm hương vị Bầu Cạn - Tây Nguyên, ông cho biết: "Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, người Cà Doong thường sống trên lưng chừng những ngọn núi cao, bởi theo quan niệm của họ: Một ngọn núi, thì phía trên là địa phận của trời, linh thiêng để vươn tới... Còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối... là của ma, nên người Cà Doong không ở và không bao giờ sinh sống được ở những nơi đó".

Cuộc sống của người Cà Doong đơn giản, họ mặc khố được làm bằng sợi của vỏ cây loong ptô. Sau khi chặt về, đập nhỏ, ngâm nước, tuốt lấy sợi rồi dệt khố. Chặt, đốt, chọc, tỉa để trồng lúa rẫy, bắp, đậu... là phương thức canh tác chủ yếu của bà con. Lâu lâu, họ thay nhau đến những bản người Lào sát vùng biên giới để đổi hoặc mua muối về cùng chia nhau để ăn.

Thời gian được tính bắt đầu từ lúc tỉa cây lúa mới (khoảng tháng hai âm lịch). Người Cà Doong sống theo chế độ mẫu hệ, cứ trên mười ba mùa lúa mới là con gái đi bắt chồng và đám cưới của họ được tổ chức sau khi hai bên "ưng cái bụng". Một cặp vợ chồng có thể sinh tới 7 đến 10 đứa con, nhưng do cuộc sống thiếu thốn, thời tiết hà khắc, bệnh tật phát sinh không có thuốc chữa trị, nên may lắm chỉ còn 2 - 3 đứa sống sót, là những trụ cột của gia đình trong phát nương, làm  rẫy.

Để sinh sống, dân làng phải di dời đi qua không biết bao nhiêu ngọn núi, để tìm những vùng đất mà cây dao, cây rựa găm vào không nhả ra (đất tốt, thần rừng cho làm nương), nhưng một năm lao động vất vả, gia đình nào nhiều cũng thu về chừng năm chục gùi lúa (khoảng 6-7 tạ). Bao nhiêu đời ông bà nối tiếp, nhưng người Cà Doong vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Một năm thiếu gạo tới 2-3 tháng. Dù vậy, bà con vẫn một lòng theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ, kiên quyết không nghe và theo lời xúi bậy của bọn Fulrô phản động.

Để giúp đồng bào Cà Doong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cán bộ chiến sĩ Công ty 732 đã vượt qua nhiều sông suối, nhiều núi cao, đến từng hộ gia đình để vận động bà con xuống núi, lập làng mới và làm quen với ruộng lúa nước, trồng cây cà phê, cao su...

Xác định đây là nhiệm vụ không dễ, vì tập quán của người Cà Doong là chỉ ở lưng chừng của những ngọn núi cao, xuống thung lũng sinh sống là chuyện trái với ý Yang, người dân không ai tự động rời làng..., nên ngay từ đầu lãnh đạo Công ty 732 đã chủ động triển khai cho anh em ngày đêm "bám trụ" với dân làng.

Cty tích cực vận động tuyên truyền cho bà con về "kế hoạch lập làng", ý nghĩa của việc trồng cây lúa nước, cà phê, cao su... trong đời sống, vừa giúp đỡ người dân, lao động sản xuất, hỗ trợ lương thực thực phẩm, kiên quyết không để cho dân đói như những năm trước, khám bệnh cấp thuốc miễn phí... Người già hết bệnh, trẻ em chóng lớn, dân làng mặc quần áo bằng vải, thay những tấm khố được làm bằng vỏ cây trước đây...

Con "ma rừng" đã chào thua trước những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Công ty 732. Lòng người dân Cà Doong vùng biên giới Ngọc Hồi - Kon Tum được củng cố.

Các ban ngành của xã Xa Loong, của huyện Ngọc Hồi và cả của tỉnh Kon Tum cùng phối hợp với lãnh đạo Công ty 732 đồng tâm làm cuộc vận động... Thế là người dân Cà Doong hiểu ra, họ lần lượt "xuống núi" về cùng nhau lập làng Đăk Văng và bắt đầu làm quen với cuộc sống mới...

... và làm công nhân

Để giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số Cà Doong nhanh chóng khắc phục khó khăn, trở về từ cuộc sống hoang dã "lưng chừng núi", lãnh đạo Công ty 732 cùng với chính quyền địa phương tập trung nguồn lực và "cơ giới" san ủi mặt bằng, làm đường giao thông, hỗ trợ bà con xây trường học, bệnh xá, nhà rông, hệ thống nước sạch, đặc biệt là kéo điện vào và "bắt được cái điện" cho bà con thuận lợi trong sinh hoạt.

Cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" đã có, nhưng cái khó hơn là bà con chưa quen với cuộc "công nghiệp". Lãnh đạo Công ty 732 lại tổ chức những buổi tập huấn hướng dẫn, giới thiệu theo phương pháp "cầm tay chỉ việc", từ cách sử dựng các nguồn điện sinh hoạt trong gia đình, đến cách khai hoang đất trồng và chăm bón, thu hoạch lúa nước, cà phê, cao su... Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực vận động bà con vào làm công nhân...

Người Cà Doong đã được dùng nước sạch.

Quần áo còn dính đầy "tạp chất" từ mủ cao su, A Nhum vừa từ rẫy cao su trở về: "Dân làng Đăk Văng nay không còn cái đói, cái khổ như trước đây ở trên núi cao nữa đâu. Mừng lắm! Mình mới được Giám đốc Công ty 732 phong chức tổ trưởng công nhân cao su đội 11. Đến nay đã có 44 người Cà Doong mình vào làm công nhân cho Công ty 732.

Mỗi công nhân được nhận khoán từ 3 đến 4ha cao su, thu nhập bình quân cũng trên 2 triệu đồng/một tháng. Các gia đình đều có xe máy để đi làm, ti vi để xem, đặc biệt người Cà Doong mình rất ham học, đã có 8 em vào các trường đại học, một người tốt nghiệp đại học y về làm bác sĩ ở huyện, riêng A Phan - Phó Chủ tịch xã bây giờ đã tốt nghiệp đại học và có bằng kỹ sư nông nghiệp...".

Còn A Huỳnh thì nói như khoe: "Bà con người Cà Doong mình Tết này đã học được cách gói bánh chưng, hình vuông, bánh chày hình tròn dài có nhân đậu xanh, bằng lá chuối rừng và lá dong rất đẹp. Phải mổ nhiều con heo để cúng Bác Hồ và ăn mừng được mùa lúa nước, cà phê... Người Cà Doong mình no ấm, hạnh phúc như bây giờ là nhờ có Đảng, có Bác Hồ và bộ đội cách mạng... ".

Chia sẻ niềm vui với người Cà Doong trong cuộc sống mới, đại tá Võ Văn Nguyên - Giám đốc Công ty 732 - cho biết: "Đứng chân trên địa bàn 4 xã Xa Loong, Rờ Kơi, Đăk Sú và Đăk Căn, thuộc hai huyện biên giới Ngọc Hồi và Sa Thầy, đa số bà con thuộc dân tộc Xê Đăng, Cà Doong, Giẻ Triêng...

Để giúp đỡ bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, Công ty 732 đã liên tục mở rộng diện tích, thu hút đầu tư và tuyển công nhân đối tượng là bà con đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân. Đến nay, công ty đã trồng và khai thác trên 2.293ha cao su; 86ha lúa nước hai vụ, 443ha cà phê và đàn bò 300 con... đã thu hút trên 1.051 công nhân. Đưa 4.210 hộ, trong đó có 2.060 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào vùng dự án để hỗ trợ phát triển.

Đã làm 74km đường liên thôn, xã; 12 cầu bê tông, 120 cống thoát nước; trên 20 hồ đập phục vụ sản xuất, dân sinh; 8km đường điện cao và hạ thế về các thôn làng. Xây cho bà con địa phương 34 phòng học, 6 nhà trẻ, 1 bệnh xá và một khu vui chơi cho thanh thiếu niên. Công ty 732 còn là "bà đỡ" trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi tư duy kinh tế - xã hội, góp phần định canh định cư, xoá đói giảm nghèo ổn định cuộc sống.

Trong phát triển sản xuất, Công ty 732 đặc biệt ưu tiên cho bà con dân tộc thiểu số người Cà Doong. Đã tổ chức 13 lớp tập huấn, bồi dưỡng cách trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; trồng, chăm bón và thu hoạch lúa nước, bắp lai, cà phê... cho trên 775 lượt người. Đã xây dựng và trao tặng 19 căn nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách khó khăn, trị giá 20 triệu đồng/một nhà và một hội trường 530 triệu đồng. Các cháu học sinh đi học được công ty hỗ trợ hoàn toàn sách vở.

Cùng đồng bào Xê Đăng, Brâu, Giẻ Triêng, bà con người Cà Doong ngày càng thích nghi với cuộc sống mới, đã có những bước phát triển trong lao động sản xuất ổn định cuộc sống.

Tết năm nay, đơn vị hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, mứt, hạt dưa... để bà con tổ chức đón giao thừa tập trung ở nhà rông văn hoá... Ở đây 100 gia đình đều treo ảnh Bác Hồ và Tết đến nhà nào cũng tổ chức "cúng Bác" vào sáng ngày mùng 1 Tết, để tưởng nhớ công ơn của Bác đối với cuộc sống của họ hiện nay và dần dần đã trở thành truyền thống...

... Danh hiệu Anh hùng Lao động là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những đóng góp quan trọng của Công ty 732 trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng. Những đóng góp của Cty có việc giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ cuộc sống du canh, du cư, vươn lên đầy đủ; biến vùng đất biên giới ngày nào hoang vu, đầy rẫy bom đạn... thành những rừng cao su, cà phê, lúa nước xanh tốt.

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng năng lượng mặt trời  (08/02/2009)
Làng biển Phú Yên ngày được mùa  (06/02/2009)
Gần 700 khách sạn hết phòng từ mùng 4 Tết  (30/01/2009)
Tây Nguyên: Tết ấm lòng người nghèo  (29/01/2009)
Thức cùng Dung Quất  (25/01/2009)
Thuỷ điện Sông Ba Hạ những ngày giáp Tết  (23/01/2009)
Đà Lạt trúng đậm mùa hoa Tết  (22/01/2009)
Miễn vé tham quan di tích Cố đô Huế trong Tết Kỷ Sửu  (20/01/2009)
Gia Lai: Khánh thành nhiều công trình văn hoá  (16/01/2009)
Đà Nẵng: Hành nghề xích lô, xe thồ được trợ cấp 300.000đ/người  (09/01/2009)
Từ 27 - 28.3: Thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần 2  (08/01/2009)
Sẽ bán cổ phần Nhà máy lọc dầu Dung Quất  (31/12/2008)
Huế: Trưng bày “Dấu ấn Vương triều Tây Sơn ở Phú Xuân”  (28/12/2008)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiến độ đạt 98,4%  (21/12/2008)
Đà Lạt: khánh thành tượng Yersin bằng đá hoa cương  (19/12/2008)