Cung đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại của đất nước thời kỳ CNH-HĐH đoạn qua tỉnh Quảng Nam. Cung đường sau hơn 5 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng đã thực sự nối thông miền núi với miền xuôi.
|
Làng mới Tà Vàng (Tây Giang) gần đường HCM.
|
Ra đường, đổi đời
Chúng tôi trở lại làng A Zinh 1 thị trấn Prao, huyện Đông Giang nằm sát rạt đường Hồ Chí Minh. Ngay lúc con đường vừa san ủi thành hình, chưa kịp thảm nhựa, vào năm 2003, thì 47 hộ đồng bào Cơtu làng A Zinh 1 vốn sống đời du canh du cư rải rác trong vùng rừng cách đó hai quả núi đưa nhau ra lập làng mới ngay bên rìa đường bạt từ đồi núi còn lam nham màu đất đỏ. Ấy vậy mà bây giờ từ đường Hồ Chí Minh ngó vào, A Zinh 1 chẳng khác gì một ngôi làng ở đồng bằng, với nhà cửa san sát hai bên "mặt tiền" con đường chính của làng nối từ đường Hồ Chí Minh vào tận cuối làng.
Con đường làng cũng đã được bêtông hoá theo chủ trương hỗ trợ vật liệu của tỉnh và sự đóng góp công sức của bà con. Cả làng nhà nào cũng có xe máy, tivi, và đã không còn hộ đói. Giếng nước sạch nằm ngay giữa làng.
Chị A Rất Bia, 26 tuổi, vừa giặt giũ đống áo quần bên vòi nước, vừa cười bảo: "Từ ngày ra đường lớn đến giờ, thằng chồng mình cũng bỏ thói quen ngồi nhà uống rượu chờ vợ ra rẫy kiếm cái mồi về nhâm nhi. Ngoài cái rẫy cũ ở trong đồi, nó còn học làm lúa nước ở cái ruộng ngay sau làng. Mình thì mở tiệm tạp hoá bán hàng cho bà con trong làng. Con mình 2 đứa đều được đến trường".
Nối bước bà con làng A Zinh 1, mấy chục hộ dân Cơtu làng A Zinh 2 từ trong rừng sâu cũng "chớp lấy thời cơ" con đường hoàn thành (năm 2004) để lập làng mới ngay ven đường, cách đó chỉ non 1km. Ở khắp làng, chảo ăngten truyền hình giăng giăng. Đời sống no đủ, cái đói cái nghèo cùng các hủ tục lạc hậu do ngăn trở núi rừng đã bị đồng bào rũ bỏ lại đằng sau xa nơi rừng thiêng nước độc. Cả A Zinh 1 và 2 đều trở thành những làng văn hoá đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
|
A Rất Bia bảo, từ ngày ra làng mới bên đường đã được đổi đời.
|
Không chỉ ở huyện Đông Giang mà ở huyện núi cao biên giới Tây Giang (giáp ranh với Lào) cũng có rất nhiều ngôi làng do đồng bào tự phát hình thành bên đường Hồ Chí Minh hoặc được huyện quy hoạch thành làng tái định cư cho đồng bào theo hướng "tiến ra đường lớn". Chỉ trong 5 năm qua, đồng bào các làng mới không chỉ ổn định cuộc sống mà nhiều hộ đồng bào còn vươn lên làm giàu.
Đồng bào vẫn giữ được những nét đẹp, giá trị văn hoá truyền thống đồng thời tiếp thu nếp sống mới để hình thành làng văn hoá miền núi. Suốt dọc cung đường Hồ Chí Minh qua huyện Tây Giang, nhiều ngôi làng nằm ngay ven đường, từ trên đường nhìn vào không gian làng đẹp như tranh vẽ. Đó là nhờ truyền thống dựng làng theo hình tròn hoặc hoặc bầu dục, ở chính giữa là ngôi nhà truyền thống chung của cả làng - nhà Gươl, xung quanh là những ngôi nhà sàn của các hộ dân làng.
Cùng với những địa danh văn hoá-lịch sử gắn với con đường Hồ Chí Minh kháng chiến như Cổng Trời, như A Roàn-A Tép, hay Khâm Đức..., giờ đây các làng kinh tế mới Tà Làng, Tà Vàng xã A Tiêng huyện Tây Giang đã trở thành "thắng cảnh mới" dọc cung đường Hồ Chí Minh, được rất nhiều du khách tây, ta dừng lại chụp ảnh. Ở các làng này, ngoài không gian truyền thống còn điểm xuyết gam màu lúc xanh thì con gái khi chín vàng nồng nàn của những chân ruộng lúa nước nằm xen ngay trong làng.
Làng văn hoá, A Rung, xã Bhlaee, huyện Tây Giang với hơn 50 hộ Cơtu từ ngày ra đường lớn đã trở thành "làng giàu" nhờ nằm ngay vị trí "giao lộ" 2 huyện Đông và Tây Giang. Ở đây giao thương sầm uất, là đầu mối mua bán lâm nông sản của đồng bào và cung ứng hàng hoá từ đồng bằng lên, không thiếu các món hàng xa xỉ.
Nhà ông A Úp Lát làm giàu rất nhanh nhờ không chỉ đứng ra làm đại lý thu mua - cung ứng, mà còn mạnh dạn đầu tư mở máy xay xát lúa gạo, nông sản, nhờ vậy 4 đứa con đều được đi học ở trường nằm ngay trong làng.
Gần đó, nhà A Lăng Lôi cũng từ bỏ cuộc "ăn bám" vào rừng bằng nghề "lâm tặc", để trở thành một tay xe ôm chuyên nghiệp ở làng, nuôi 3 con ăn học.
|
Thương lái hằng ngày đi dọc đường HCM thu mua lâm sản của đồng bào.
|
Sợi chỉ đỏ giữa Trường Sơn
Cung đường đã thực sự mang lại sự "đổi đời" cho đồng bào các dân tộc ở các buôn làng miền núi Quảng Nam. Đồng bào đã không còn bị "đứt liên lạc" với các vùng trung tâm, dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ khoa học trong sản xuất, sinh hoạt, đời sống.
Con đường này cũng là cơ sở để nhà nước đầu tư hạ tầng kinh tế, dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội miền núi. Nhờ ở gần tuyến đường lớn nhất vùng núi rừng miền tây trên dãy Trường Sơn, các làng đều dần dần có đủ hệ thống điện-đường-trường-trạm, đồng bào dần tiếp cận nếp sống hiện đại, thay đổi tư duy để làm ăn, thoát nghèo.
Theo ông Lê Văn Luyến - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Giang, huyện đã quy hoạch xây dựng hơn 40 ngôi làng mới gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh nhằm khai thác thế mạnh của con đường. Không chỉ làng ven đường, mà còn cả những ngôi làng cả cũ lẫn mới nằm ở vị trí lùi vào phía trong núi rừng suốt dọc hai bên tuyến đường đều có cơ hội phát triển nhờ mạng lưới đường liên thôn, liên xã nối với đường Hồ Chí Minh, đã và đang được huyện, tỉnh đầu tư xây dựng nhằm khai thác triệt để lợi thế giao thông đường Hồ Chí Minh, đưa đồng bào miền núi "tiến kịp" miền xuôi.
"Tái định cư cho đồng bào gắn với 2 điều kiện thiết yếu: giao thông và đất sản xuất. Giao thông ở miền núi cực kỳ quan trọng, là yếu tố tiên quyết. Chính vì vậy, các tuyến đường nhánh nối với đường Hồ Chí Minh chính là ưu tiên hàng đầu, là "con đường" để khai thác hết lợi thế đường Hồ Chí Minh nhằm phát triển kinh tế dân sinh của huyện" - Ông Luyến nói.
|
Du khách quốc tế đi tour tham quan đường HCM.
|
Còn ông Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện uỷ Tây Giang - cũng khẳng định: "Tuyến đường chiến lược này được xem như là một "thế mạnh" đối với một huyện núi cao, biên giới vốn nghèo khó thiếu thốn như Tây Giang. Việc khai thác triệt để lợi thế này không chỉ là quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, là xây dựng làng mới, đưa đồng bào ra gần đường, mà còn là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH gắn với tuyến đường, như khai thác du lịch, phát triển sản xuất công nghiệp...".
Cung đường Hồ Chí Minh qua các huyện núi của tỉnh đã mở ra cơ hội đổi đời cho hàng ngàn người dân, với hàng trăm ngôi làng mới ra đời nằm ven đường. Từ ngày có tuyến đường, nhiều đồng bào, nhiều làng đã từ bỏ kiếp sống du canh du cư như con nai, con sóc lang thang hết ngày này qua tháng khác trong rừng sâu, chịu cảnh đói nghèo lạc hậu.
Đường Hồ Chí Minh chỉ trong thời gian ngắn đã thể hiện sứ mệnh con đường chiến lược, con đường của CNH-HĐH miền núi, khai phóng tiềm năng vùng đất và con người núi rừng Quảng Nam. Đó quả thật là "con đường lớn", thật sự trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt Trường Sơn.
. Theo Lao Động |