"Du lịch bụi" trên đường Hồ Chí Minh
16:43', 5/4/ 2009 (GMT+7)

Hai du khách Thomas Veiartner và Ridder Marrus (Đức) cùng nhau đi bụi trên đường HCM qua Nam Giang.

Cung đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Thừa Thiên-Huế - Quảng Nam - Kon Tum uốn lượn giữa núi rừng Trường Sơn mát xanh hùng vĩ. Vẫn còn nguyên đó những chứng tích gợi lại hào khí trầm hùng của con đường huyền thoại một thời chiến tranh.

Trong nắng gió đại ngàn, những ngôi làng hình tròn dưới thung lũng ven đường hiện ra đẹp như bức tranh thuỷ mặc cùng với những phong tục, tập quán kỳ lạ, những sản vật quý hiếm và cả sự hiếu khách lẫn hiếu kỳ của đồng bào các dân tộc Trường Sơn. Sức hấp dẫn tự nhiên của một dải "hành lang xanh" Trung Trường Sơn đã khiến tự phát hình thành một tour du lịch bằng xe máy trên đường Hồ Chí Minh.

Chúng tôi liên tục gặp họ - những người "du lịch bụi" bằng xe máy xuyên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, với các bác tài xế kiêm luôn nhiệm vụ "tour guide" (hướng dẫn viên du lịch) và giá tour "rẻ như bèo". Không có điểm dừng cố định, không theo lịch trình lên sẵn. Tự nhiên và ngẫu hứng là yếu tố hấp dẫn nhất đưa họ đi vào lòng Trường Sơn, thoả chí ngao du và khám phá.

Khám phá "hành lang xanh"

Chúng tôi tình cờ gặp Sara Lyttle - một cô gái trẻ sinh năm 1982, mang quốc tịch Canada, hiện đang là giáo viên tiếng Anh tại Trung Quốc - trong hành trình đi bụi xuyên đường Hồ Chí Minh. Tính tình phóng khoáng, có máu thích phiêu lưu, mạo hiểm, Sara đang thực hiện chuyến đi bụi một mình xuyên Đông Dương qua các nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Ngay khi vừa đặt chân tới Hội An, Sara thuê xe máy "một mình, một ngựa" chạy ra TP Đà Nẵng chơi, không cần người phiên dịch, hướng dẫn. Khi đang dạo chơi trong khu du lịch Non Nước, Sara gặp anh Nguyễn Doãn Minh - tài xế môtô kiêm hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa du khách đi bụi xuyên đường Hồ Chí Minh. Nghe giới thiệu hấp dẫn, thế là Sara cùng Minh lên đường ngay vào sáng hôm sau, từ Hội An cưỡi xe môtô vọt thẳng lên Trường Sơn.

Qua ngôi làng du lịch Pàhòn (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), Sara không ngớt xuýt xoa. Hết tự tay chụp từng chi tiết nhỏ trong ngôi làng đến liên tục nhờ anh Minh chụp hình lưu niệm.

Đêm vừa đến thị trấn vùng cao Prao (huyện Đông Giang), Sara lại lang thang. "Tôi thích chìm ngập trong không khí mang vẻ hoang sơ của núi rừng trong từng hành động sống của người dân phố núi này. Đi du lịch như thế này thật thích, mang đầy tính ngẫu hứng, muốn dừng đâu cũng được, không bị bó buộc về thời gian của nhà tổ chức tour, các tour guide cũng thật dễ thương" - Sara thích chí chia sẻ.

Sáng hôm sau, Sara cùng Minh lại tiếp tục khám phá đường Hồ Chí Minh từ Quảng Nam ra Thừa Thiên-Huế.

 

Các hướng dẫn viên chuẩn bị "đồ nghề" trước khi khởi hành.

 

Cũng đi dọc đường Hồ Chí Minh, cũng nghỉ chân tại phố núi Prao, nhưng đôi vợ chồng Wout Murinus (sinh năm 1977) và Steenwij Angelique (sinh năm 1982), quốc tịch Hà Lan lại đi theo hành trình ngược lại từ Huế vào Quảng Nam trên hai chiếc xe máy đầy bụi bặm cùng hai hướng dẫn viên kiêm "bác tài" Dương Tiến Hùng và Lê Văn Sơn.

Trong ngày đầu tiên rong ruổi đường Trường Sơn, đôi vợ chồng Wout hít thở không khí trong lành dưới tán rừng nguyên sinh hai bên đường đoạn đèo A Roàng-A Tép giáp ranh hai  tỉnh, được hai  bác tài vừa đi vừa giới thiệu về chứng tích Cổng Trời một thời bom đạn trên đường mòn huyền thoại tại huyện Tây Giang, và dừng chân, ghé vào thăm làng Tà Vàng (xã Atiêng, huyện Tây Giang).

Anh Wout không giấu cảm xúc: "Cảm giác mới lạ khi đặt chân đến ngôi làng truyền thống của đồng bào dân tộc Cơtu đã tăng sức hấp dẫn cho chuyến du lịch bụi bằng xe máy của chúng tôi. Và nữa, cảm giác thật dễ dàng thấu hiểu cái mới lạ khi được "vừa đi đường vừa kể chuyện". Thật không sai lầm và uổng phí khi chúng tôi chọn phương tiện và hành trình tự do thế này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình vào Khâm Đức (huyện Phước Sơn), rồi vượt đèo Lò Xo qua tỉnh Kon Tum".

Những du khách ngoại quốc tỏ ra vô cùng thích thú trước vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, và bị cuốn hút bởi đời sống còn nhiều vẻ hoang sơ độc đáo của đồng bào các dân tộc ở các làng bản ven đường.

Marco Bouwer (31 tuổi, quốc tịch Đức) bày tỏ: "Chúng tôi thực sự được thư giãn, thoải mái với thiên nhiên, tránh xa đô hội, xe cộ đông đúc. Đồng bào dân tộc hiếu khách và cả hiếu kỳ nữa. Họ luôn cười khi gặp chúng tôi, không phải các điểm du lịch khác chúng tôi dừng chân đều cũng như vậy".

Tour "mở"

Chỉ trong hai ngày dừng chân tại Đông Giang, chúng tôi đã gặp hàng chục chuyến đi bụi đường Trường Sơn, một ta một tây một xế cũng có, 5-7 xế "ta chở tây" chung đoàn cũng có, thậm chí "tây chở tây" cũng không hiếm.

Bà Nguyễn Thị Hợp - chủ khách sạn Kim Phượng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang - cho biết: "Khách Tây xuất hiện ngày càng nhiều trên tuyến đường này. Đặc biệt, từ sau Tết dương lịch đến giờ, ngày nào khách sạn chúng tôi cũng đón tiếp khách Tây du lịch bằng môtô như thế này. Có ngày đến cả mấy chục khách đi từ Hội An lên hoặc Huế vào, khiến khách sạn cháy phòng".

Điều ngạc nhiên là, trong khi ngành du lịch các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế từng tổ chức và quảng bá tour du lịch đường Hồ Chí Minh từ cách đây 4-5 năm nhưng không hiệu quả nên sau đó đành bỏ lửng, thì trên tuyến đường này đã tự phát hình thành một tour du lịch độc đáo đối với khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách đến từ các nước Châu Âu. Phải "ghi công đầu" cho các tour guide sinh hoạt trong nhóm Danang Easy rider của TP.Đà Nẵng.

Ba tour guide trong Danang Easy rider mà chúng tôi gặp tại Đông Giang là anh Trần Văn Hùng, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Anh Mỹ cho biết, nhóm có khoảng 20 người, ban đầu cũng chỉ là từng người tự đưa khách đi theo yêu cầu riêng, sau đó mới "gặp nhau" qua những lúc "ới nhau" cùng đi tour do đoàn khách có nhiều người. Thế rồi, cùng mở trang web quảng bá, cùng thống nhất giá, cùng chia sẻ khách với sản phẩm "Tour xuyên đường Hồ Chí Minh bằng motorbike".
Yêu cầu để làm một tour guide cho du khách xuyên đường Hồ Chí Minh trước hết phải có sức khoẻ. Bởi có những du khách vì quá yêu thích và hào hứng với kiểu đi bụi đầy ngẫu hứng này nên "đòi" đi đến tận Đắc Lắc, Lâm Đồng...

 

Nhóm Danang Easy rider cùng du khách ngoại quốc trên đường HCM qua Đông Giang.

 

Thứ hai là phải có một vốn liếng ngoại ngữ kha khá và am hiểu về văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào dọc tuyến đường đi qua, để khi khách có thắc mắc có thể giải đáp ngay.

Ngoài ra, còn phải am hiểu về... môtô nữa, phải mang đầy đủ bộ đồ nghề sửa xe, cả một số phụ tùng thay thế, đề phòng xe hư thì khắc phục ngay để không làm gián đoạn chuyến đi.

"Du khách yêu thích tour này chính bởi yếu tố "bụi" của nó: Tự do ngay từ khâu bắt khách - chúng tôi chủ yếu bắt khách tại các điểm du lịch, nhiều nhất vẫn là "mỏ khách" di sản Hội An, rồi trên đường đi là yếu tố thiên nhiên, thích đâu dừng đó, chụp ảnh, nghỉ ngơi...

Thêm nữa, giá tour rẻ hơn nhiều so với các tour "chuyên nghiệp có tổ chức", và cũng tính theo kiểu rất tự do, nghĩa là thoả thuận theo ngày và không cố định, dao động từ 40-60USD/ngày bao gồm tiền phòng nghỉ đêm" - các hướng dẫn viên kể.

Các hướng dẫn viên cũng cho rằng, nếu ngành du lịch muốn khai thác "có tổ chức" và hiệu quả hơn tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh thì cần phải triển khai các tour theo kiểu home stay tại các làng đồng bào dân tộc ở dọc đường, cùng các dịch vụ hậu cần du lịch như ẩm thực, sản phẩm lưu niệm...

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại Gia Lai   (30/03/2009)
Chủ tịch nước khai trương tuyến cáp treo dài nhất thế giới  (26/03/2009)
Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009: Pháo đã lên nòng  (26/03/2009)
Già làng đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới Tây Nguyên  (24/03/2009)
NMLD Dung Quất sau 1 tháng sản xuất: Hàng ngàn tấn dầu đã ra thị trường  (22/03/2009)
Đến Huế xem lễ tế Xã Tắc  (20/03/2009)
Đà Nẵng: Sắp khai trương tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới  (18/03/2009)
Bí mật về ngàn ngôi mộ không xác trên đảo Lý Sơn  (17/03/2009)
Làng mới ven đường Trường Sơn  (16/03/2009)
Phố Tây Đà Lạt  (11/03/2009)
Buôn Ma Thuột - niềm tin ở sự đầu tư  (10/03/2009)
16,4 triệu euro xây dựng hệ thống xe buýt  (09/03/2009)
Ra chơi với đảo  (01/03/2009)
Sông Gianh sẽ đón 3 cây cầu mới  (24/02/2009)
Người Cà Doong xuống núi  (10/02/2009)