"Làng di sản" Phước Tích
11:6', 13/4/ 2009 (GMT+7)

Gốm cổ Phước Tích.

Tôi vẫn thích gọi làng cổ Phước Tích là "làng di sản" (theo chữ dùng của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính) hơn, bởi di sản là một khái niệm mở, nhất là với một ngôi làng.

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã chính thức công nhận làng cổ Phước Tích, ở xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế là di tích cấp quốc gia.

Vẫn còn vẹn nguyên

Về Phước Tích những ngày này, đâu đâu cũng thấy vui như hội bởi thông tin làng vừa được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích cấp quốc gia. Ông Lê Trọng Đào, 62 tuổi, đưa khách "dạo một vòng quanh làng cho biết".

Vừa đi đi dọc các hàng chè tàu xanh mướt làm tường ngăn cách những ngôi nhà cổ đẹp như tranh vẽ, ông vừa say sưa "đọc" lại những chuyện đã viết trong gia phả các dòng họ ở Phước Tích viết về về nguồn gốc của làng:

"Phước Tích có lịch sử hơn 500 năm, khởi thuỷ có tên gọi là Cồn Dương, sau mới được đổi tên là Phước Tích, với nghĩa là "tích phước". Năm Hồng Đức thứ nhất và thứ hai (1470 và 1471), đời Vua Lê Thánh Tông, ngài thuỷ tổ của họ Hoàng là ông Hoàng Minh Hùng, nguyên người làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là một võ tướng, phò Vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh đuổi quân Chiêm Thành. Sau chiến thắng trở về, đi đến sông Ô Lâu, nhận thấy Cồn Dương có địa thế thuận lợi nên ông Hoàng Minh Hùng đã chọn làm nơi lập nghiệp...".

Địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi ghé vào là ngôi nhà cổ gần 200 năm của bà Phạm Thị Than Nga ở xóm Đình. Ông Đào bảo: "Ai đến Phước Tích cũng không thể bỏ qua địa chỉ này bởi đây là ngôi nhà cổ nhất, đẹp nhất, tiêu biểu nhất của Phước Tích hiện còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn".

Ông còn nói kết quả một cuộc khảo sát về nhà cổ ở Phước Tích của Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào năm 2004 với những số liệu chi tiết: Làng hiện có 27 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn. Trong đó có 12 nhà thuộc loại có giá trị đặc biệt, 11 nhà có giá trị, và 4 nhà ít giá trị.

 

Một trong những nhà cổ còn giữ nguyên vẹn ở Phước Tích.

 

Trong các ngôi nhà cổ ấy, các vì kèo, xuyên, trách... đều được chạm trổ cực kỳ tinh tế, vừa thể hiện những nét chung của nhà rường truyền thống tại vùng Huế, vừa có những nét độc đáo rất riêng, thể hiện sự điêu luyện, tài hoa của bàn tay thợ chạm khắc làng mộc Mỹ Xuyên nổi tiếng bên cạnh.

"Chỉ riêng xóm Đình dài khoảng 200m, nhưng đã có đến 10 nhà rường, trong đó nhà ông Lương Thanh Thu "trẻ" nhất cũng đã 100 năm tuổi, còn nhà già nhất gần 200 năm tuổi thì chúng ta vừa đặt chân vào đây" - ông Đào giới thiệu như một hướng dẫn viên du lịch.

Cũng theo ông Đào thì ở Phước Tích, ngoài hệ thống nhà cổ, người dân còn rất tự hào về cây thị có đến 1.000 năm tuổi, có chu vi đến bốn, năm sải tay người lớn bên miếu thờ Khổng Tử ở đầu làng.

Đặc biệt, Phước Tích vẫn còn hội đủ khá vẹn nguyên rất nhiều những giá trị văn hoá khác như: hệ thống các công trình phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, phục vụ đời sống văn hoá cộng đồng; các dấu tích của nền văn hoá Chăm cổ còn lưu lại; những thiết chế tổ chức làng Việt...

Phước Tích còn có nghề gốm tuổi đời cũng hơn 500 năm, hiện đã mai một sau hơn 20 năm không "đỏ lửa". Ông Trương Công Kiệm - một trong số ít nghệ nhân làm gốm của Phước Tích còn sót lại -  cho biết: "Không chỉ có sản phẩm chum, ghè, thạp, thống, niêu, bình vôi... gia dụng tiêu thụ trong dân gian, gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn".

Theo lời ông Kiệm thì thời hoàng kim, trong làng có cả thảy 12 lò sấp (nung gốm từ 1.400 -1.600 độ C), lò ngửa (khoảng 600 độ C) chẳng bao giờ tắt khói. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Dưới sông, trên bờ ngược xuôi tấp nập tàu thuyền đưa gốm của làng đến tận Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn...

 

Dấu vết lò gốm cổ ở Phước Tích.

 

Hai niềm hi vọng...

Mặc dù có lịch sử hơn 500 năm tồn tại, nhưng mãi đến năm 2003, làng cổ Phước Tích mới được người dân trong, ngoài nước biết đến khi báo chí đồng loạt đưa tin về sự "phát hiện" ra ngôi làng của KTS Hoàng Đạo Kính, cũng như về một cuộc hội thảo về thực trạng và tìm hướng đi cho Phước Tích, được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức sau đó.

Qua các phương tiện truyền thông, làng cổ Phước Tích "bỗng dưng" nổi tiếng, làng "mở cửa" và khách du lịch từ khắp nơi tìm đến tham quan. Tất cả các đơn vị lữ hành trong nước và thế giới khai thác du lịch ở Huế đều hình thành tour thăm làng cổ Phước Tích. Tuy vậy, việc "biến" làng Phước Tích thành một điểm đến cũng chỉ hấp dẫn du khách được một thời gian.

Dần dà, những giá trị văn hoá và vẻ đẹp độc đáo của Phước Tích không thể nào khoả lấp được một thực tế là người dân Phước Tích chưa biết và chưa sẵn sàng để làm du lịch. Chính quyền địa phương, đặc biệt là trong Festival Huế 2006 đã chung tay với người dân hình thành tour du lịch "Hương xưa làng cổ", nhưng tour này chỉ có "xưa" mà không có "hương", nên đã gần như "chết non" ngay sau đó.

 

Cây thị hơn 1000 năm tuổi ở Phước Tích.

 

Đầu năm 2009, Cty TNHH Việt Pháp Service - đơn vị chuyên giám sát các dự án phi chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thử nghiệm đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, nâng cấp phòng ngủ, phòng tắm... cho một số hộ dân để tổ chức một tour du lịch về Phước Tích theo dạng Homestay (khách du lịch cùng ăn ở... với người dân địa phương) cho một đoàn khách Pháp 18 người, và kết quả bước đầu thu được rất khả quan.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Cty TNHH Việt Pháp Service - nói: "Khách của chúng tôi hài lòng bởi nhà cổ  ở Phước Tích quá đẹp, phong cảnh yên bình, và đặc biệt là người dân rất hiếu khách".

Cũng theo bà Tuyết thì cuối tháng 3 này, Công ty bà sẽ đưa thêm một đoàn, và từ tháng 9 -12.2009, dự kiến sẽ có thêm 5 đoàn tương tự về Phước Tích. Đây là niềm hi vọng thứ nhất, bởi mô hình Homestay hứa hẹn sẽ thành công và mở ra một trang mới về công nghệ làm du lịch cho Phước Tích.

Tin vui nữa là mới đây, Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walonie (Bỉ), phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, mà chủ công là Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại miền Trung, đã quyết định hỗ trợ một dự án giúp người dân Phước Tích xây dựng một lò nung để giúp người dân "đỏ lửa" lại nghề gốm.
Ông Trần Đình Hằng - thành viên Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại miền Trung - cho biết: "Chúng tôi đang đầu tư xây dựng tại Phước Tích một lò nung sấp để có thể nung lên tới nhiệt độ từ 1.400- 1.600 độ C, nhằm biến gốm thành sành như nguyên gốc. Chúng tôi cũng sẽ đưa trở về Phước Tích một số mẫu đồ gốm ngự dụng hiện còn sót lại để người dân tham khảo mẫu".

Hiện mọi việc đang được ráo riết chuẩn bị để những mẻ gốm đầu tiên có thể ra lò vào ngày 13.6, tức ngày thứ hai của Festival Nghề truyền thống Huế 2009 với các nghề gốm, sơn mài, pháp lam. Mặc dù việc khôi phục gốm cổ hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị, và chưa biết kết quả như thế nào, rồi tương lai sẽ ra sao... nhưng cũng có thể xem đây là niềm hy vọng thứ hai cho Phước Tích trong tiến trình phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo, riêng có của mình.

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà dài về với buôn làng  (08/04/2009)
Thăm D'ray Nur, bâng khuâng câu chuyện tình  (07/04/2009)
"Du lịch bụi" trên đường Hồ Chí Minh  (05/04/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại Gia Lai   (30/03/2009)
Chủ tịch nước khai trương tuyến cáp treo dài nhất thế giới  (26/03/2009)
Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009: Pháo đã lên nòng  (26/03/2009)
Già làng đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới Tây Nguyên  (24/03/2009)
NMLD Dung Quất sau 1 tháng sản xuất: Hàng ngàn tấn dầu đã ra thị trường  (22/03/2009)
Đến Huế xem lễ tế Xã Tắc  (20/03/2009)
Đà Nẵng: Sắp khai trương tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới  (18/03/2009)
Bí mật về ngàn ngôi mộ không xác trên đảo Lý Sơn  (17/03/2009)
Làng mới ven đường Trường Sơn  (16/03/2009)
Phố Tây Đà Lạt  (11/03/2009)
Buôn Ma Thuột - niềm tin ở sự đầu tư  (10/03/2009)
16,4 triệu euro xây dựng hệ thống xe buýt  (09/03/2009)