Người phát hiện hang động lớn nhất thế giới kể chuyện
16:2', 24/4/ 2009 (GMT+7)

Là người phát hiện ra hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới và 11 động khác mới đây tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), anh Hồ Khanh được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh trao cho quyền đặt tên cho các hang động này.

 

Đoàn thám hiểm hang động và anh Hồ Khanh (người thứ 2, từ trái sang).

 

12 hang động này được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh định vị vào bản đồ hang động thế giới và hệ thống định vị toàn cầu một cách trang trọng. 

18 năm nặng tình với hang động

Trong căn nhà gỗ xinh xắn bên dòng sông Son, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, anh Hồ Khanh, 40 tuổi, một nông dân thứ thiệt kể cho chúng tôi nghe về phát hiện vĩ đại này bằng giọng nói giản dị, cuốn hút.

Năm 1991, trong một lần đạp cội tìm trầm giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng theo tuyến hang Én, bất chợt gặp mưa rừng, Hồ Khanh phải tìm nơi trú ẩn để tránh lũ quét. Anh tình cờ gặp một hang động rộng thênh thang và cao chót vót. Ngồi trú trong đó mà anh vẫn cảm thấy rùng mình vì gió thổi rất mạnh từ trong hang ra. Nhưng, chính anh lúc đó cũng không hề biết phát hiện của mình cực kỳ có giá trị không chỉ đối với Việt Nam mà còn ở trên phạm vi thế giới.  

 

Đoàn thám hiểm phải vượt nhiều suối và núi mới tới được Sơn Đoòng.

 

Cuối năm đó, anh bỏ nghề tìm trầm để quay lại làm ruộng, sống cuộc sống nông nhàn bên dòng sông Son. Đến năm 2006, khi ký ức của anh về cái hang gió dần mờ nhạt thì anh gặp đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh sang tìm kiếm hang động mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo lời mô tả của anh, cái hang đó có “gió thổi mạnh 24/24 giờ”, kỳ lạ nhất là bên ngoài hang đứng gió nhưng bên trong gió cứ ào ạt. Ba ngày liền, đoàn thám hiểm theo chân anh đi tìm hang gió nhưng thất bại. Bù lại, đoàn phát hiện ra ba hang động khác cũng rất ấn tượng.

Sau đó, đoàn thám hiểm quay lại Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần để cùng anh Khanh đi tìm hang động kỳ bí đó trong vô vọng. Trước khi quay trở lại nước Anh, đoàn hẹn anh khi nào tìm lại được thì thông báo. Một ngày lạnh lẽo đầu năm 2009, anh Khanh cố gắng nhớ lại từng chi tiết của 18 năm về trước để tiếp tục cuộc hành trình. Anh như kẻ mộng du, mặc cho muỗi, vắt đốt, đá tai mèo đâm bàn chân chảy máu. Cuối cùng, anh tìm được cái hang gió của 18 năm về trước. “Càng vào sâu, lòng hang càng rộng. Nhìn bằng mắt không thấy trần hang, vách hang, phải soi đèn mới thấy lờ mờ. Không thể diễn tả hết cảm giác sung sướng khi tìm lại được nó”, anh Khanh nhớ lại.

 

Hồ nước trong vắt không biết bắt nguồn từ đâu.

 

Đặt tên cho 12 hang động

Nhận tin báo của anh, đoàn thám hiểm hang động Anh quay trở lại và thực hiện chuyến đi khảo sát kéo dài từ tháng 3 đến ngày 14.4 vừa qua. Đoàn đi sâu vào trong hang 6,5 km nhưng không thể đi tiếp vì điều kiện không cho phép. Song đoàn chính thức xác nhận đây chính là hang lớn nhất thế giới, với  bề rộng hơn 200m và chiều cao trung bình của trần hang là 150m (hang Deer ở Malaysia được coi lớn nhất thế giới chỉ dài 2km, rộng 90m, cao 100m).

Để ghi công anh Hồ Khanh, ông Howard Limbirt, Trưởng đoàn thám hiểm đã đề nghị anh đặt tên cho hang động mới này. Hồ Khanh lấy tên địa phương đặt hang động mới là Sơn Đoòng. Một kỳ quan mới của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng được gọi tên và xác lập danh tiếng của mình trên bản đồ hang động thế giới.

 

Thạch nhũ đẹp kinh ngạc.

 

Ngoài Sơn Đoòng, anh Khanh còn đặt tên cho 11 hang động khác do chính anh phát hiện: hang Vực Cá Thau, động Long, hang Phong, hang Hùng, hang Khanh (tên của Hồ Khanh), hang Thái Hoà… Đó là tên của một số người cùng đi trong đoàn thám hiểm, còn tên Vực Cá Thau là do hang này có nhiều cá thau.

Trong số các hang này, ngoài Sơn Đoòng, anh cũng rất ấn tượng với hang Thái Hoà (tên con gái anh) mà như mô tả: “Đó là chốn bồng lai tiên cảnh nằm giữa lưng chừng núi đá vôi. Từ chân núi lên hang Thái Hoà mất một giờ rưỡi, thạch nhũ đẹp kinh ngạc và có hồ nước trong vắt không biết bắt nguồn từ đâu”.

Anh Khanh còn tiết lộ, anh còn phát hiện tại tuyến hang Én còn 5 hang chưa được khám phá. “Đất mình nghèo. Phát hiện ra nhiều hang động là mừng. Nhưng phát hiện ra rồi không làm gì thì cũng phí. Nếu địa phương sử dụng vào mục đích du lịch để dân vùng rừng di sản khỏi bám vào rừng một cách tiêu cực”, anh nông dân Hồ Khanh thật thà tâm sự.

. Theo Báo Đất Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quảng Ngãi: Phát hiện nhiều hiện vật cổ thời Chămpa  (23/04/2009)
Miền Trung: Nắng nóng kéo dài, dân đổ xô đi tắm biển  (19/04/2009)
"Làng di sản" Phước Tích  (13/04/2009)
Nhà dài về với buôn làng  (08/04/2009)
Thăm D'ray Nur, bâng khuâng câu chuyện tình  (07/04/2009)
"Du lịch bụi" trên đường Hồ Chí Minh  (05/04/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại Gia Lai   (30/03/2009)
Chủ tịch nước khai trương tuyến cáp treo dài nhất thế giới  (26/03/2009)
Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009: Pháo đã lên nòng  (26/03/2009)
Già làng đóng góp to lớn trong công cuộc đổi mới Tây Nguyên  (24/03/2009)
NMLD Dung Quất sau 1 tháng sản xuất: Hàng ngàn tấn dầu đã ra thị trường  (22/03/2009)
Đến Huế xem lễ tế Xã Tắc  (20/03/2009)
Đà Nẵng: Sắp khai trương tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới  (18/03/2009)
Bí mật về ngàn ngôi mộ không xác trên đảo Lý Sơn  (17/03/2009)
Làng mới ven đường Trường Sơn  (16/03/2009)