Sau ngày thống nhất đất nước, một con đường mang tên Hồ Chí Minh đã được xây dựng, mở ra trang sử mới cho những cánh rừng Trường Sơn huyền thoại trong thời kỳ đổi mới, những bản làng heo hút và nghèo khó của hai huyện Đông Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã thành những phố mới, đông đúc, nhộn nhịp.
Cách đây 7 năm, đường Hồ Chí Minh qua trung tâm thị trấn P’Rao đang thi công, dọc theo tuyến đường chỉ lác đác vài ngôi nhà ngói. Khách đến P’Rao tìm một quán ăn tàm tạm đã khó chứ nói gì đến việc khách sạn, nhà nghỉ.
|
Hàng loạt ngôi nhà cao tầng đã mọc lên ở thị trấn P’Rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam
|
Phố mới thay làng cũ
Giờ đây P’Rao đã thay đổi. Hàng chục ngôi nhà cao tầng, trường học, bưu điện, bệnh viện, quán xá, khách sạn, nhà nghỉ... mọc lên như nấm. Trung tâm thị trấn P’Rao kéo dài hàng km thênh thang rộng lớn giữa núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Nam.
Sáng sớm, hàng chục chuyến xe khách chạy tuyến Đông Giang - Đà Nẵng rời núi rừng để vận chuyển nông sản xuống phố, hàng chục chuyến xe chở thương phẩm cũng rời TP Đà Nẵng lên thị trấn P’Rao. “Ngày trước khổ lắm, muốn xuống Đà Nẵng bà con mình phải mất cả buổi đường lội rừng ra thị trấn P’Rao, mất thêm gần một ngày nữa mới xuống được Đà Nẵng.
Nhưng giờ có đường Hồ Chí Minh rồi, đồng bào mình chỉ mất non một buổi là xuống được Đà Nẵng rồi, già ưng cái bụng lắm” - già làng Bríu Lăng (Đông Giang) bộc bạch. Còn nhớ ngày trước, khi có tin đoàn chiếu phim về phục vụ, ngay từ chiều đã có hàng ngàn người từ các bản, làng băng rừng, lội suối xuống thị trấn P’Rao để chờ đợi xem, lúc ấy tivi, đầu máy là chuyện không tưởng đối với đồng bào miền núi, bây giờ gần như nhà nào cũng có.
Dân ở các bản, làng heo hút trong rừng sâu ngày trước, giờ tụ tập dọc theo đường Hồ Chí Minh sinh sống, lập nghiệp, cuộc sống người dân miền núi đã khấm khá lên nhiều. Các em nhỏ đến trường có thể ung dung đạp xe, đi bộ trên đường Hồ Chí Minh thênh thang.
Ông Đinh Thái Long, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết nhờ giao thông đi lại thuận tiện cùng với nhiều chương trình hỗ trợ như 134, 135, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - công nghệ thông tin cũng đạt 11,28 tỉ đồng, tăng 27,17% so với năm 2007.
Thoát nghèo nhờ đường Hồ Chí Minh
Đêm ở thị trấn Thành Mỹ thật ồn ào, náo nhiệt. Liên tục có những chuyến xe tốc hành Bắc Nam và những chuyến xe khách nối các tỉnh Tây Nguyên với miền Trung thay nhau đổ đèo về xuôi.
Nếu năm 2000 huyện Nam Giang có hơn 60% số hộ đói nghèo, nay chỉ còn 29%, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 32,4%; 100% số xã có trạm y tế, trong đó 5/9 xã có bác sĩ phục vụ; 100% số xã có đường ô tô chạy đến trung tâm; hơn 60% số hộ được dùng nước sạch tự chảy theo Chương trình 135; gần 70% số phòng học được kiên cố hóa, 40% số hộ có tivi...
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào đã đầu tư công sức và hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà gươl là nơi tập trung sinh hoạt, hội họp, cúng tế, tổ chức các lễ hội văn hóa. Những nhà gươl ở các xã Chà-vàl, Cà Dy, Tà Bhing đã được trang bị tivi 21 inch cho người dân trong làng hằng đêm đến xem, giải trí.
Hiện nay, 100% số xã và 80% số thôn trên địa bàn toàn huyện đã thành lập được đội văn nghệ, hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã khôi phục đội múa cồng chiêng. Các lễ hội vui chơi giải trí cũng như lễ hội văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng, người Cơ-tu đều giữ được bản sắc vốn có của nó.
Điển hình nhất là sự thay da đổi thịt của bà con Làng Rô, xã Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Làng Rô cách thị trấn Thành Mỹ chừng 25 km nhưng ngày trước người dân phải mất cả ngày đường mới đến được. Lúc ấy, làng có chừng 30 hộ dân sống rải rác trên các đồi núi, dọc ven sông, với những ngôi nhà lợp tranh lụp xụp, sản xuất độc canh trên nương rẫy, du canh, du cư và mang nặng tính tự cung, tự cấp, đời sống rất khó khăn, tình trạng thiếu đói, lạt muối thường xuyên xảy ra, cả làng chỉ có vài người biết chữ.
Nay thì dân làng đã chuyển ra ven đường để lập nghiệp. Những tập quán lạc hậu, du canh du cư phá rừng làm rẫy đã được xóa bỏ. Dân bắt đầu biết trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm, buôn bán. Bây giờ, làng Rô có 76 hộ dân, với trên 300 nhân khẩu. Nhà nào cũng được xây dựng kiên cố, khang trang. Trường tiểu học đã mọc lên giữa đại ngàn Trường Sơn.
Dọc theo đường Hồ Chí Minh, những ngôi làng ngày nào giờ đang trở thành phố mới.
Khâm Đức sẽ thành thị xã
Ai đã từng đến huyện Phước Sơn hai mươi năm về trước, nay sẽ ngạc nhiên trước những thay đổi. Nhiều bản, làng định canh định cư theo mô hình vườn nhà, vườn rừng. Mái tranh, mái lá, vách nứa năm nào được thay bằng nhà gỗ lợp tôn, lợp ngói. Từ khi đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng, thị trấn Khâm Đức sôi động theo một xu thế mới. Giao lưu tăng cường nhờ giao thông thuận lợi, nối liền với nhiều tỉnh, thành; người dân cảm thấy an cư hơn nên mạnh dạn bỏ tiền ra làm ăn. Mỗi ngày có đến hàng ngàn chiếc ô tô từ các tỉnh Tây Nguyên qua thị trấn Khâm Đức, tạo nên không khí nơi đây hết sức nhộn nhịp.
Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn bỏ hàng tỉ đồng đầu tư vào Phước Sơn. Thị trấn Khâm Đức được xây dựng nhanh chóng với quy mô tương đương đô thị loại IV. Nhà cao tầng với nhiều dáng vẻ khác nhau, mọc lên thành những dãy phố dài nép mình trong các vườn cây xanh đầy hoa trái. Từ một huyện chỉ có 4.500 nhân khẩu, đến nay toàn huyện Phước Sơn đã có trên 20.000 dân và một thị trấn chuẩn bị được nâng cấp lên thành thị xã đầu tiên ở các huyện miền núi có đường Hồ Chí Minh chạy qua. Tốc độ phát triển GDP của huyện trong những năm gần đây luôn tăng trưởng bình quân 8%-8,5%. Tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm cũng giảm từ 5%-6%. |
. Theo NLĐ |