Sau 20 năm vắng bóng, một dự án khôi phục và đỏ lửa trở lại làng gốm Phước Tích - một làng gốm đã đi vào huyền thoại ở TT-Huế - đang trở thành hiện thực. Sứ mệnh thiêng liêng này được giao cho 4 truyền nhân trẻ!
|
Anh Lương Thanh Hiền, một nghệ nhân trẻ với mẫu bình gốm mới mang chữ “Tâm” của Phước Tích.
|
Vang bóng một thời
Những ngày này, ngôi nhà vườn nhỏ nằm lọt thỏm ở giữa làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, bỗng náo nhiệt hẳn. Một xưởng gốm khang trang đã được dựng lên, dưới gian nhà đó, cứ từ tờ mờ sáng người ta lại thấy bóng 4 chàng trai trẻ tất bật với những hòn đất, lọ gốm. “Chúng mình phải khẩn trương chuẩn bị mọi thứ để kịp đến ngày thắp mẻ lửa đầu tiên sau mấy chục năm tắt lò!” - Lương Thanh Hiền, một “nghệ nhân trẻ” của làng gốm Phước Tích, hồ hởi nói.
Không diễn tả hết niềm vui, nhiều bô lão độ tuổi thất thập, đã từng là nghệ nhân làng gốm một thời cũng chống gậy ra tận lò hướng dẫn cho con cháu: “Mấy chục năm làng tắt lửa, nay thấy lò chuẩn bị nhóm lại mệ mừng lắm”, bà Lê Trần Thị Vít, 73 tuổi, một trong 20 nghệ nhân còn sót lại của làng gốm Phước Tích, xúc động nói.
Cụ Vít kể rằng, mấy chục năm trước, gốm Phước Tích nổi tiếng lắm, chiều nào khói từ các lò gốm cũng tỏa dọc bên dòng Ô Lâu, thuyền bè ghé ra vào chở những mẻ gốm của làng đi khắp nơi.
Nhưng theo thời gian, làng gốm dần mai một do không thể cạnh tranh nổi với hàng nhựa. Đến khoảng năm 1990 thì chỉ còn vài lò còn đỏ lửa rồi tắt dần và lụi hẳn.
Làng cổ vang tiếng một thời ngày nào đã im ắng, lửa tàn, lò lạnh! Mong ước nhỏ nhoi về một ngọn lửa nhen lại lò gốm luôn cháy bỏng trong lòng người làng, đặc biệt là những nghệ nhân cuối cùng còn sống đến ngày hôm nay.
Đầu tháng 5.2006, những người dân ở đây như cởi lòng khi làng gốm bỗng được đỏ lửa trở lại qua tour du lịch “Hương xưa làng cổ” trong Festival 2006 nhưng sau chỉ vài ba ngày “thổi lửa làm mẫu” cho khách du lịch, làng gốm lại “hương tàn bàn lạnh” như ngày nào!
Đem đất đi “thỉnh” xứ người
Đầu năm 2008, 4 chàng trai trẻ gồm Nguyễn Phước Tâm, Nguyễn Hoàng Sơn, Hà Vĩnh Phúc và Lương Thanh Hiền được xã Phong Hòa cử ra làng gốm Bát Tràng học nghề để trở về làng phục dựng, thổi lửa lại lò gốm Phước Tích.
“Hôm nghe tin có dự án thổi lửa lại làng nghề, các cụ vui lắm, đêm nào cũng tìm đến nhà động viên, cầm tay gửi gắm hy vọng làm chúng mình thêm quyết tâm” - Lương Thanh Hiền, một trong 4 chàng trai trẻ được giao nhiệm vụ thổi lửa lại làng nghề, tâm sự.
4 thanh niên trẻ ở độ tuổi 36-38 nhưng mới chỉ có một người lập gia đình, người lang thang vào Sài Gòn làm thợ kim hoàn, người lại ở nhà làm thợ may, và họ gặp nhau ở niềm say mê gốm cổ và tâm nguyện gây dựng lại làng nghề.
Anh Nguyễn Phước Tâm cho biết, hoàn cảnh mấy anh em đều khó khăn nhưng ai cũng cũng quyết tâm để gây dựng lại làng nghề mà cha ông đã để lại.
Hiền kể, ngày ra đi, 4 anh em thuê hẳn một chiếc ô tô chở theo 5 tấn đất lấy từ làng đưa ra tận lò và dùng chính những hòn đất đó để học nghề. “Lúc đem ra thì một thầy vắt thớ đất rồi thốt lên: “đúng là đất quý”! Nghe thế, anh em ai cũng sướng, cắm đầu vào học, những sản phẩm từ đất làng mình nặn ra đem bày bán ở lò, khách đến mua họ tỏ ra rất thích thú, nhiều người còn ngỏ ý muốn tìm về tận làng để mua!”, anh Hiền kể lại.
Sau 6 tháng học nghề ở làng gốm Bát Tràng, 4 chàng trai trẻ khăn gói và đem những sản phẩm làm được trở về làng. Thấy đất Phước Tích nặn thành gốm sau mấy chục năm, nhiều người đã bật khóc.
|
Bà Nguyễn Thị Vọng, người từng được phong là “bàn tay vàng” của làng gốm cổ Phước Tích.
|
“Cắm nợ” thắp lửa làng gốm
Anh Hà Vinh Phúc cho biết, tổng chi phí cho lò gốm tốn khoảng 450 triệu, huyện hỗ trợ một lò nung bằng ga trị giá 250 triệu, số còn lại anh em phải cắm nợ cùng góp vốn lại. “Ai cũng khó khăn cả, lúc đi học về thấy khoản tiền đầu tư lớn quá nhiều người cũng nản lắm! Nhưng đã quyết tâm thì nhất định phải làm bằng được, để có tiền anh em đều phải cắm sổ nợ vay ngân hàng chính sách xã hội huyện. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của chính mình nữa” - anh Phúc nói.
Những ngày trở về hì hục cất đất xây lò, cả 4 anh em nhận được sự động viên rất lớn từ người làng. Anh Sơn cho biết, gần 20 cụ trước đây là nghệ nhân của làng ngày nào cũng đến lò xem và động viên, chỉ dẫn từ khâu lọc đất cho đến đặt hướng lò, các bước để làm ra một sản phẩm gốm mang đặc trưng của làng cổ Phước Tích.
Anh Lương Thanh Hiền cho biết thêm, hiện tại lò gốm cơ bản đã hoàn thành và chỉ chờ đến ngày 13, 14.6, trùng vào dịp Festival làng nghề truyền thống Huế 2009, là sẽ đỏ lửa trở lại chính thức sau hơn 20 năm lịm tắt. Tuy nhiên, không giống như những lần trước, lò gốm sẽ được đỏ lửa luân phiên và sẽ gây dựng lại làng nghề vang bóng một thời.
Cũng theo anh Hiền thì lò gốm của Phước Tích sẽ sản xuất những mặt hàng gốm phục vụ theo thị hiếu của thị trường nhưng vẫn mang đậm đặc trưng của vốn gốm cổ làng Phước Tích. Ngoài số sản phẩm này, các cụ trong làng sẽ giúp đỡ những nghệ nhân trẻ tạo ra những mẫu gốm cổ nguyên bản bán cho khách du lịch.
. Theo Dân Trí |