Pháp lam Huế tái sinh
10:50', 26/6/ 2009 (GMT+7)

Pháp lam Huế trang trí ở nghi môn  trước điện Thái Hòa

Cùng với gốm và sơn mài, pháp lam là một trong ba nghề được tôn vinh tại Festival nghề truyền thống Huế 2009. Là nghề truyền thống nhưng pháp lam không có làng nghề, mà chỉ có cơ sở đang sản xuất nhỏ ở Huế.

Công cuộc trùng tu DSVH Huế đã thúc đẩy nghệ thuật chế tác pháp lam tái sinh, và sẽ có vị trí quan trọng trong cộng đồng các làng nghề Việt Nam, trong đời sống xã hội.

Cố họa sĩ Nguyễn Đăng Trí nhận xét: “Pháp lam Huế chứa đựng những màu sắc tươi sáng, lộng lẫy, có cường độ mạnh nhưng vẫn quen mắt, như các hòa sắc điển hình thường hiện ra trong cuộc sống, thường được phản ánh trong nghệ thuật Huế thời Nguyễn”.

Pháp lam vừa là một loại hình nghệ thuật vừa là một chất liệu đặc biệt được sử dụng trong trang trí nội, ngoại thất các công trình kiến trúc cung đình.

Đó là những họa tiết, mảng màu trong kiến trúc có cốt làm bằng đồng, khi nung chảy được phủ lên bề mặt các lớp men nhiều màu tạo ra những họa tiết rực rỡ.

Đó là sự phối kết hợp khéo léo nhiều kỹ thuật điều chế, nhiều nghề truyền thống để tạo ra một sản phẩm có giá trị mỹ thuật, một sản phẩm có tuổi thọ rất cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như xứ Huế.

Pháp lam từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XIX, dưới triều Minh Mạng, do một nhóm thợ vẽ chuyên lo công việc trang trí trong hoàng cung được cử đi học nghề.

Nhà vua cho mở ba xưởng sản xuất ở trong Thành Nội, ở Ái Tử (Quảng Trị) và ở Đồng Hới (Quảng Bình) nhằm đáp ứng các nhu cầu của triều đình. Sản phẩm pháp lam Huế tập trung vào ba nhóm: pháp lam trang trí ngoại thất; pháp lam trang trí nội thất và các đồ tự khí; pháp lam đồ gia dụng.

Pháp lam trang trí ngoại thất được sản xuất nhiều nhất để phục vụ cho việc trang trí các cung điện, lăng tẩm. Cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn thấy những chi tiết hình rồng, mây, bầu rượu, hoa lá, mảng màu gắn ở các nóc mái, bờ quyết, cổ diêm, nghi môn, các ô hộc, liên ba trong các cung điện, lăng tẩm được trang trí bằng pháp lam.

Những mảng pháp lam làm cho các công trình kiến trúc vốn uy nghi, trầm mặc bỗng dưng có những điểm nhấn với những mảng màu rực rỡ, tươi sáng,  thanh thoát.

Du nhập, kiến tạo, phát triển từ triều Minh Mạng đến triều Thiệu Trị, đến cuối triều Tự Đức thì nghề chế tác pháp lam bắt đầu suy thoái dần. Hơn một thế kỷ nghề pháp lam gần như đã bị thất truyền, các lò - xưởng cũng không còn dấu tích.

Nhiều mảng pháp lam trang trí trên các cung điện Huế đã biến mất hoặc bị thay thế bằng những vật liệu khác do môi trường khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế đã quan tâm đến các dự án phục hồi kỹ nghệ pháp lam. Một đoàn cán bộ được cử sang Trung Quốc tham quan các xưởng chế tác pháp lam và đặt vấn đề hợp tác với bạn để phục chế pháp lam phục vụ công việc trùng tu di tích Huế.

Các dự định đều bất thành, sản xuất thử nghiệm thì không nắm được các bí kíp truyền thống, hợp tác với Trung Quốc thì họ không muốn chuyển giao kỹ thuật mà chỉ muốn sản xuất theo đơn đặt hàng.

Khi nhu cầu sử dụng pháp lam trong việc trùng tu di tích Huế đã trở nên bức thiết thì có một nhóm nghiên cứu đã lặng lẽ thử nghiệm phục hồi công nghệ chế tác pháp lam với đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất pháp lam phục chế phục vụ tu bổ di tích Huế”, do TS Nguyễn Nhân Đức, trường ĐHYK Huế, chủ trì.

Được Sở KHCN, đơn vị quản lý đề tài, cấp kinh phí, nhóm này đã nghiên cứu kỹ thuật xây lò nung; pha chế men, màu; quy trình xử lý bề mặt cốt đồng; cách thức tráng và phun men lên cốt đồng.

Các nghệ nhân đúc đồng Huế giúp họ phần tạo cốt đồng, các họa sĩ của TTBTDTCĐ Huế giúp phần thể hiện hoa văn trang trí. Nguyên mẫu để phân tích các thành phần men, màu, cốt đồng là các hiện vật pháp lam tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Khi nghiệm thu đề tài họ có ba mẫu pháp lam phục chế như hiện vật gốc.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đang trưng bày gần 100 hiện vật pháp lam. Những hiện vật này đa số được sản xuất ở Tượng cục Pháp lam triều Nguyễn. Một số ít hiện vật có thể là đồ ký kiểu, hoặc có thể là đồ mua ở Trung Quốc.

So với nguyên mẫu sản phẩm pháp lam mới của nhóm Nguyễn Nhân Đức lúc đó còn kém về độ bóng, màu sắc, nét vẽ của các họa tiết cũng chưa thật sinh động.

Dẫu chưa thỏa mãn với kết quả ban đầu nhưng sau hơn một thế kỷ thất truyền pháp lam Huế đã được tái sinh. Sau nhóm Nguyễn Nhân Đức có hai nhóm nghiên cứu phục hồi pháp lam khác do kỹ sư Trần Đình Hiệp (Cty Xây lắp TT-Huế) và Đỗ Hữu Triết (TTBTDTCĐ Huế) phụ trách cũng đã thu được những kết quả khả quan.

Những sản phẩm pháp lam mới đã được TTBTDTCĐ Huế ứng dụng trong phục hồi các trang trí pháp lam ngoại thất ở các công trình kiến trúc như pháp lam ở tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, các nghi môn trong Hoàng Thành, trên lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị...

Riêng nhóm của Đỗ Hữu Triết đã thành lập Cty CP kỹ nghệ pháp lam Sao Khuê và cho ra mắt một số sản phẩm mỹ nghệ pháp lam trên chất liệu đồng.

. Theo TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cả tỉnh "lên" thành phố  (15/06/2009)
Xây dựng thủy điện ở Miền Trung: “Sai một ly, đi một dặm”  (12/06/2009)
Chắp cánh cho du lịch miền Trung  (05/06/2009)
Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản” lần thứ 4: Độc đáo và mới lạ  (04/06/2009)
Háo hức chờ ngày “tái sinh” làng gốm cổ  (03/06/2009)
Nhà trú bão, lũ ở miền Trung: Từ mini đến kiên cố  (27/05/2009)
Lăng Cô - vịnh biển đẹp nhất thế giới  (25/05/2009)
Tổng kết 3 năm công tác tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung  (21/05/2009)
Phố mới trên đường Hồ Chí Minh  (17/05/2009)
Chiến khu Trà Bồng hôm nay  (26/04/2009)
Người phát hiện hang động lớn nhất thế giới kể chuyện  (24/04/2009)
Quảng Ngãi: Phát hiện nhiều hiện vật cổ thời Chămpa  (23/04/2009)
Miền Trung: Nắng nóng kéo dài, dân đổ xô đi tắm biển  (19/04/2009)
"Làng di sản" Phước Tích  (13/04/2009)
Nhà dài về với buôn làng  (08/04/2009)