Mơ với ngư dân
14:19', 7/7/ 2009 (GMT+7)

Bỏ mơ vào thuyền thúng.

Kể từ khi không được hành nghề trên khu vực quần đảo Hoàng Sa hồi cuối tháng 5.2009, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi buộc phải xoay sang hướng khác: Khai thác rong biển để xuất khẩu.

Ngư dân gọi loài rong tảo này là cây mơ. Không biết rồi họ có trọn vẹn với giấc mơ của mình về loài rong biển được xem như "cứu tinh" này không? Tôi đã làm một cuộc hành trình dọc biển để xem ngư dân nói về giấc mơ này.

Buổi sáng đi dọc các làng chài ven biển ở Quảng Ngãi sẽ không còn thấy cảnh tấp nập mua bán hải sản như những năm trước nữa. Cơn bão giá xăng dầu hồi năm ngoái thổi buốt rát qua các làng chài chưa kịp nguôi thì hàng trăm tàu thuyền của ngư dân buộc phải nằm bờ vì lệnh cấm không được hành nghề ngoài khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Thế rồi có một loài cây, vừa cũ lại vừa mới, xuất hiện trong đời sống của họ. Đó là cây mơ - một loài rong tảo chỉ mọc ở các ghềnh đá hoặc rạn san hô ven bờ. Trời xui đất khiến thế nào không biết, giá cây mơ năm nay liên tục được đẩy lên từ 1.500đ/kg hồi đầu năm, giờ là 4.000đ/kg. Một ngư dân có thể khai thác 1 tạ mơ/ngày, kiếm được 400.000đ. Số tiền đó, còn hơn cả mơ!

Khơi lộng đều khó

Anh Bùi Văn Huấn ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tay cầm chiếc áo đẫm nước biển, tay kia xách xô đựng cá, quay một vòng tròn trên không, rồi cười: "Đố má thằng cu được bao nhiêu?". Chị Thùy vợ anh Huấn ra đón chồng nơi bãi biển, bĩu môi: "Lại trắng xô nữa rồi!". "Trắng xô" là không có gì trong đó, dù chỉ là một con cua!

Huấn bảo: "Đi biển ba ngày rồi, ngày đầu còn được 200 ngàn, hai ngày sau, mo luôn!". "Mo" cũng có nghĩa là trắng tay đấy. Đã nhiều tháng nay, ngư dân vùng biển quanh cửa Sa Kỳ này vẫn thường "mo" như vậy mỗi khi đi lộng. Chị Thùy khuyên chồng: "Thôi, gác dầm cho rồi, hụp lặn cho chắc". Thấy tôi ngơ ngác với từ "hụp lặn", chị giải thích: "Hụp lặn để bứt mơ đó anh".

Tàu anh Huấn là một trong 400 tàu ở bãi ngang Châu Thuận này, công suất dưới 45 mã lực nên chỉ đi lộng, tối đi sáng về, hoặc cao lắm đi ba ngày đêm là cùng. Tôi hỏi: "Sao không lặn hụp sớm?". Huấn nói: "Phải đầu tư 20 triệu để sắm máy thở thì mới có hiệu quả, còn lặn bộ, năng suất thấp lắm". Rồi Huấn thở ra: "Nhưng cũng không còn cách nào khác, bứt mơ, năng suất có thấp vẫn còn hơn đi đánh cá, sáng nào cũng phải về tay trắng thế này!".

Chia sẻ với Bùi Văn Huấn, bạn chài Nguyễn Văn Cường đếm từng đốt ngón tay: "Sáng nay (3.7) cá nục xuống còn 3.000đ/kg, tàu tôi kiếm được hai tạ, bán được 600 ngàn, trừ tiền dầu hết 500 ngàn, lãi đúng 100 ngàn".

Sợ tôi không hiểu bài toán sơ đẳng này, Cường nói thêm: "Trên tàu có 5 người, mỗi người kiếm được 20 ngàn, vừa đủ tiền hút thuốc lá một đêm anh à". Anh Cường nhẩm tính sơ bộ từ đầu năm đến nay, chỉ riêng số tàu đi lộng, ít nhất mỗi chiếc cũng lỗ 30 triệu đồng.

Nếu những chiếc tàu "cò con", công suất dưới 45CV chỉ quanh quẩn ven bờ, trắng tay đã đành, tàu trên 100CV, có thể xa bờ cả tháng, cũng lỗ "sặc gạch". Hỏi vì sao? Anh Nguyễn Nhựt, chủ một tàu đánh cá trên 100CV, lắc đầu ngao ngán: "Ngư trường quen thuộc của ngư dân Quảng Ngãi là khu vực quần đảo Hoàng Sa. Mấy tháng nay, "tàu nước ngoài" luôn vây đuổi nên rất khó khai thác".

Anh Nhựt không nói gì thêm, nhưng tôi có thể đọc được trong tiếng thở dài của anh là bao nỗi cay đắng lẫn tủi nhục của cuộc đời ngư phủ. Vậy là, khơi lộng gì cũng gặp khó, cả anh Huấn, anh Cường, anh Nhựt và hàng ngàn ngư dân ven biển đều lao vào cây mơ, xem đó như cửa thoát hiểm cho vụ cá nam thất bát này.

 

Lặn dưới biển để cắt mơ.

 

Cửa thoát hiểm

Có thể nói như vậy đối với ngư dân Quảng Ngãi trong tình cảnh hiện nay khi họ phát hiện ra tiềm năng vô tận của cây mơ. Thực ra, loài rong tảo này không xa lạ với ngư dân, song những năm trước đây họ không để ý. Một số người chỉ khai thác rong khi mùa cá đã vãn, dùng làm phân xanh bón ruộng chứ không phải để bán như bây giờ. Năm nay, ngay sau Tết âm lịch, một số tư thương đã đến các làng chài ven biển để hỏi mua cây mơ. Lúc đầu, giá chỉ 1.500đ, qua tháng 5 tháng 6, giá đẩy lên đến 4.000đ/kg. Người mua mơ đi lại dập dìu, ôtô thu gom đến từng ngõ xóm. Sẵn dịp biển mất mùa, lại gặp khó ngoài Hoàng Sa, thế là "nhà nhà mơ, người người mơ".

Tầm 3 giờ chiều, đi dọc các làng chài ở Quảng Ngãi, người đen đặc trên các bãi biển, không phải đi tắm biển mà là đi khai thác cây mơ. Thời gian này, thủy triều vừa rút nên các rạn san hô được bày khỏi mặt nước. Cây mơ theo đó cũng lộ diện. Chỉ cần một chiếc thuyền thúng, bơi ra khỏi rạn là có thể khai thác mơ một cách dễ dàng.

Anh Nguyễn Duy Khanh, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, một ngư dân suýt bỏ mạng trong cơn bão số 1 vừa rồi, cho hay: "Thấy thì có vẻ đơn giản vậy nhưng khai thác cây mơ rất cực, có điều không sợ phải bỏ xác giữa biển như đi đánh cá thôi".

Đang trưa, nắng như đổ lửa, rất nhiều thuyền thúng đã ra khỏi bờ nhưng vợ chồng anh chị Khanh - Na vẫn án binh bất động, tôi dò la: "Sao không đi với họ?". Chị Na: "Đó là những thúng có máy thở nên họ đi sớm. Vợ chồng tôi chỉ lặn bộ nên đợi triều xuống mới ra".

Anh Nguyễn Vinh, đang  chuẩn bị rời bờ, nói về dụng cụ hành nghề như sau: "Mỗi thuyền thúng có hai người, một lặn xuống biển, ngậm ống thở, được nối từ miệng với bộ phận bơm khí trên thuyền, dùng liềm cắt mơ, khi nào đầy giỏ thì trồi lên, bỏ mơ vào thuyền; một ở trên thuyền, chỉ ngồi trông chừng máy nổ hoạt động. Nếu không ngồi canh chừng như vậy, máy nổ trên thuyền tắt bất ngờ, anh dân chài dưới nước cũng ... tắt thở luôn!".

Theo anh Vinh, trang bị một "máy thở" cùng chiếc thuyền thúng như thế phải tốn 20 triệu nên không mấy người mua sắm mà chỉ lặn bộ. Chị Na nói: "Vay mượn để mua sắm cũng được thôi, vì cắt mơ mà có "máy thở", năng suất gấp ba lần lặn bộ. Họ có thể ở dưới nước cả buổi, chỉ khi ăn cơm, mới trồi lên. Tuy nhiên, nhiều người không dám trang bị "máy thở" là vì, sợ cây mơ chỉ được giá năm nay, sang năm chẳng có ai mua, mình cũng tắt thở theo máy luôn".

Anh Nguyễn Vinh cắt lời chị Na: "Phải có sức nữa chứ trang bị "máy thở" không thôi chưa đủ đâu. Ngâm nước chừng hai ba tiếng, khi lên bờ, đại bác có nổ bên tai cũng chẳng nghe gì. Có người bị xuất huyết não do lặn quá sâu. Có "máy thở", mỗi ngày có thể kiếm cả triệu bạc, song nếu gặp nạn, coi như tàn phế suốt đời".

Rồi Vinh chỉ vào thằng Dết, 20 tuổi, con trai đầu của anh: "Nó lặn có hai bữa nay thôi, tối về lơ cơm luôn, chỉ húp chút cháo thôi!". Thì ra, để có tiền trăm, tiền triệu mỗi ngày, nhiều khi phải trả giá bằng mạng sống nữa chứ chả chơi!

 

Bỏ mơ vào bao chuẩn bị đưa lên xe.

 

Ta "ăn" vào mình?

Anh Nguyễn Vinh cũng cảnh báo thế thôi chứ chưa thấy ai bỏ mạng vì cây mơ này mà chỉ thấy, kể từ khi giá mơ được đẩy lên 4.000đ/kg, hàng ngàn gia đình ngư dân ven biển Quảng Ngãi đã thật sự thoát hiểm. Chưa có số liệu chính thức về số tiền mà ngư dân đã kiếm được từ "giấc mơ" này, song có điều chắc chắn là nhờ có cây mơ, đúng hơn là nhờ cây mơ được giá nên đời sống của ngư dân năm nay đỡ vất vả đi nhiều, dù biển cả đã quay lưng với họ.

Tuy nhiên, lợi bất cập hại, các nhà quản lý nguồn lợi thủy sản đã đưa ra lời cảnh báo: Mơ và các loại rong tảo ven bờ như căn nhà của các loài hải sản. Hàng năm đến mùa sinh sản, các loại cá tôm đã về đây sinh con đẻ cái. Vì vậy, khai thác cây mơ đến mức cùng kiệt như hiện nay, khác nào ngư dân tự "ăn" vào chính mình? Điều đáng báo động là, "hàng mơ" càng ăn mạnh ra biên giới phía bắc để xuất sang Trung Quốc thì ngư dân càng tận diệt chúng.

Tôi đem điều lo ngại ấy của các nhà quản lý nói lại với mấy anh ngư dân, thì được nghe câu này: "Không ăn vào cây mơ thì biết ăn vào gì bây giờ?". Vâng, các ngả đường ra biển dường như đều rất hẹp với họ, không bám vào "cửa thoát hiểm" này thì biết làm sao?

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Núp  (05/07/2009)
Không gian văn hóa cồng chiêng: Niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tây Nguyên  (01/07/2009)
Hội thảo quốc tế 100 năm về văn hóa Sa Huỳnh  (01/07/2009)
Ngày 1.7, khai trương đường bay TPHCM - Đồng Hới: Cơ hội mới để Quảng Bình bay xa  (29/06/2009)
Pháp lam Huế tái sinh  (26/06/2009)
Cả tỉnh "lên" thành phố  (15/06/2009)
Xây dựng thủy điện ở Miền Trung: “Sai một ly, đi một dặm”  (12/06/2009)
Chắp cánh cho du lịch miền Trung  (05/06/2009)
Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản” lần thứ 4: Độc đáo và mới lạ  (04/06/2009)
Háo hức chờ ngày “tái sinh” làng gốm cổ  (03/06/2009)
Nhà trú bão, lũ ở miền Trung: Từ mini đến kiên cố  (27/05/2009)
Lăng Cô - vịnh biển đẹp nhất thế giới  (25/05/2009)
Tổng kết 3 năm công tác tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung  (21/05/2009)
Phố mới trên đường Hồ Chí Minh  (17/05/2009)
Chiến khu Trà Bồng hôm nay  (26/04/2009)