|
Niềm vui của ông Klum. |
25 năm miệt mài vận động đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới trồng lúa nước, caosu, càphê, điều... xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. 25 năm "gom nhặt" và nuôi dạy 15 đứa con trưởng thành.
25 năm, hai lần hiến đất xây trường cho con cháu học tập... Đến năm 2000, ông Rơ Mah Klum - người Jrai đầu tiên ở Tây Nguyên - được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Chuyện Rơ Mah Klum lên núi theo cách mạng
Thương bà con ngày đêm bị Mỹ, ngụy đánh đập, bắn giết, tháng 3.1959, khi cái đầu chưa cao hơn ngọn bắp, Rơ Mah Klum đã lên núi theo các chú bộ đội đi làm "cách mạng". Làm liên lạc, giao liên, học cắm chông, ném lựu đạn rồi tập bắn súng... Ba năm sau, Klum được "biên chế" vào đội hình chính thức đi đánh giặc, lúc đó cái bụng ông mừng vô cùng.
Hết Đức Cơ, đến Chư Pãh, qua Chư Prông... (Gia Lai) và một số nơi tiếp giáp thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc... địa danh nào Klum cũng có mặt, ông vừa xông xáo, bám trụ chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở. Đến năm 1966 được kết nạp Đảng, rồi lên làm cán bộ huyện. Trong khoảng thời gian công tác, nhiệm vụ nào Klum cũng hoàn thành, được đồng đội tin tưởng, bà con quý mến. Năm 1993 nghỉ hưu, ông trở lại quê hương...
Nhìn những ngôi nhà tranh lụp xụp, những chòi lúa chưa đến mùa mà đã trống hoác, những cây kơnia đầy nắng bụi... Klum thấm thía nỗi cơ cực bởi cuộc sống đói nghèo, bệnh tật mà người dân quê ông phải gánh chịu bao năm qua. Ý nghĩ "Mình là cán bộ, là đảng viên, phải làm sao để dân làng mình đủ ăn, đủ mặc, trẻ em phải được đến trường học cái chữ, con số..." vẫn cứ theo đuổi, bám riết ông... Thương bà con nhiều nên con mắt của ông nhiều đêm không ngủ được. Thế là Klum quyết định vận động bà con trồng lúa nước.
Con đường giúp bà con thoát đói, nghèo, lạc hậu được ông nghĩ ra là đúng rồi, nhưng để bà con làm được thì không phải là chuyện dễ. Ban đầu không có ai ủng hộ. Đến nhà, bà con không tiếp, thấy ông đến rẫy mọi người xa lánh cứ như sợ "đỉa phải vôi". Không nản lòng, ông kiên trì vận động, thuyết phục từ cán bộ, đảng viên cho đến người dân, bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng, để thay đổi một tập quán sản xuất vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ ngàn đời không dễ gì và không thể trong thời gian ngắn là có kết quả được. Vừa kiên trì vận động, thuyết phục, ông vừa quyết tâm đi trước, làm một héc ta ruộng nước. Mặc cho người dân bàn tán, can ngăn và cả bị làng phạt, nhưng Klum ngày đêm cứ làm. Bao nhiêu hiểu biết mà ông học được từ thời đi theo bộ đội "Cụ Hồ" được ông vận dụng từ khâu làm đất, gieo mạ, bón phân... Và rồi đất không phụ lòng người, vụ đầu gia đình ông thu hoạch được ba tấn, lúa chất đầy kho. Thế là năm sau, rồi năm sau nữa, bà con kéo đến xin lúa giống và nhờ ông bày cách trồng lúa nước. Từ đó, gia đình nào cũng có ruộng và biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nước. Chuyện "xưa nay hiếm" ở vùng biên giới Gia Lai.
Đưa dân về làng Mới
Trồng cây lúa nước chỉ đủ gạo để ăn, còn làm gì để giúp bà con thoát nghèo mới là chuyện lớn, ông quyết định đi học và bày cách trồng cao su, cà phê, điều cho bà con, rồi vận động thanh niên vào làm công nhân cho Công ty 74 (Binh đoàn 15).
Được sự hỗ trợ tích cực của Đảng ủy - Ban giám đốc Công ty 74, ông Rơ Mah Klum lại đề xuất với Đảng ủy xã cho một số làng vùng sâu chuyển ra nơi ở mới vừa có đất, có nước, lại có rừng, thuận lợi cho bà con tập trung sản xuất và ổn định cuộc sống. Được xã nhất trí, ông lại được tín nhiệm giao phụ trách các công việc chính.
Cũng như lần vận động trồng lúa nước, ông lại gặp không ít khó khăn, mà cái chính vẫn là những phong tục, tập quán... Ban đầu, ông vận động được 3 đảng viên, 4 cựu chiến binh và 12 gia đình thanh niên đi trước để rồi từ nền tảng này, bà con đồng bào Jrai ở ba làng Ngo, Klá, Ghè đi theo, lập nên làng Mới.
Niềm vui chưa trọn thì "sóng gió" lại nổi lên. Ở được vài ba tháng, chưa quen nếp sống mới, nhiều gia đình muốn quay về làng cũ. Ông lại vất vả ngược xuôi vận động, kể cả trích số tiền tích lũy được của gia đình giúp đỡ những hộ còn khó khăn. Trong "cuộc chiến" chống đói nghèo lần này, bên ông còn có cán bộ, chiến sĩ Công ty 74. Họ vừa bám dân làng để cùng Klum vận động, vừa giúp bà con san đất làm nhà, hỗ trợ gạo, cá khô, tấm lợp, đào giếng, làm đường, làm nhà rông, xây trường mẫu giáo... giao khoán chăm sóc vườn cây, nhận thanh niên vào làm công nhân, xa hơn nữa là chỉ cho bà con cách trồng và khai thác cao su tiểu điền...
Đến nay, hơn 3.000 người dân vùng biên giới đã vào làm công nhân, nhiều gia đình giàu có. Trên 95% số hộ có ti vi, xe máy, 30% số hộ có xe công nông. Riêng làng Mới có 97 lao động hợp đồng dài hạn với công ty trồng và chăm sóc 140ha cao su, thu nhập ổn định từ 2 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Đường làng, nhà ở được quy hoạch ngay hàng thẳng lối, có lớp học, nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc bảo đảm vệ sinh môi trường. Làng có tổ an ninh, tổ hòa giải, có hương ước... Làng Mới được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh.
|
Niềm vui của vợ chồng ông Klum khi gặp lại bộ đội.
|
Giúp bạn là tự giúp mình
Nay tuổi đã già, như con chim nặng cánh, như con chồn mỏi cái chân... nhưng Klum vẫn thường đến thăm, động viên và giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn... Không giàu có, nhưng thời gian qua, vợ chồng ông đã nhận nuôi dưỡng 15 cháu mồ côi và một số cháu, con của các gia đình khó khăn. Những đứa trẻ không cha, không mẹ, người các dân tộc: Ê Đê, Jrai, Ba Na được mọi người giới thiệu, ông bà đến nhận hoặc đem đến nhờ ông bà nuôi hộ.
Tất cả cuộc sống của đàn con và gia đình đều phụ thuộc vào sức khỏe và đôi bàn tay cần cù lao động, cộng với gần 2.000.000 đồng lương hưu của ông. Các cháu đến tuổi dựng vợ gả chồng thì hai vợ chồng ông đứng ra tổ chức cưới và cho nương rẫy để làm ăn, làm cho nhà để ở.
Ông tâm sự: "Ngày còn ở bộ đội, tôi đã được nghe câu nói của cụ Các Mác: "Ai làm cho nhiều người hạnh phúc nhất, thì người đó hạnh phúc nhất" và lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Giúp bạn là tự giúp mình". Điều đó đã động viên tôi trong công việc. Quanh năm, suốt tháng trời nắng cũng như mưa, ông tần tảo, lúc thì vào rừng phát rẫy trồng bắp, làm nương trồng sắn, khi thì ra vườn trồng và chăm bón cây hồ tiêu, cà phê, cao su... Nhiều cháu lớn lên, lập gia đình ở riêng lại được ông cho đất, cho bò để làm vốn. Ngoài ra, các gia đình khó khăn trong làng, trong xã được ông giúp đỡ thì rất nhiều, chỉ tính bình quân hằng năm, gia đình ông dành cho việc này từ 1 đến 2 tấn lúa và hàng chục triệu đồng. Không giấu được những giọt nước mắt xúc động, anh Rơ Mah Ngoan - một trong số các người con của ông bà Klum - nói: "Mình được Klum nuôi dạy từ nhỏ, ơn lớn lắm, như núi Chư Bông. Biết ơn cha mẹ, mình cố gắng lao động ổn định cuộc sống, chăm sóc và cho hai con nhỏ ăn học để sau này góp sức xây làng quê giàu đẹp...".
Tên tuổi của ông ngày càng được nhiều người và nhất là các cháu học sinh nhắc đến như một "ông tiên" tốt bụng, bởi ngoài tập trung nuôi đàn con, ông còn hai lần hiến trên 3.750m2 đất để xây trường học mà theo Klum là "vì tương lai con em chúng ta...".
...Đời người như ông mặt trời mọc rồi lặn. Rơ Mah Klum - người con của núi rừng Tây Nguyên - ngày một già đi theo con trăng, mùa rẫy, nhưng hình ảnh và những việc làm thiết thực của ông thì vẫn tồn tại mãi trong lòng người dân. Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho Klum là niềm tự hào không chỉ của riêng ông, mà đó là niềm vui, niềm vinh dự cho tất cả bà con đồng bào các dân tộc ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
. Theo Lao Động |