|
Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ một lần nữa được ngân xa |
Festival Cồng chiêng quốc tế Gia Lai lần thứ I . 2009 do NSND Lê Tiến Thọ đạo diễn, dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 11 tới với nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng và ấn tượng.
Festival Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai lần này nhằm quảng bá hình ảnh, vị thế nổi bật và đặc sắc của địa phương, đồng thời phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, góp phần thiết thực động viên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tích cực xây dựng quê hương đất nước. Sự kiện này càng trở nên ý nghĩa khi Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - một loại hình văn hóa độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và mới đây, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức thành công.
Lễ khai mạc Festival với chủ đề “Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên” gồm 4 chương. Chương 1 với chủ đề Thiên nhiên - đất và người Gia Lai, Tây Nguyên, giới thiệu về sự hình thành và phát triển của cồng chiêng gắn với quá trình mở đất, con người thiên nhiên, danh thắng của Gia Lai; chương 2 với chủ đề Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, giới thiệu một không gian trải rộng suốt 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Jrai, Bahnar, Êđê, Xêđăng, Mnông, Kơho... Được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Việt Nam là tiếng nói kết tinh của đồng bào dân tộc đang vang xa, lan tỏa và hòa nhập vào âm thanh của nền âm nhạc di sản của nhân loại. Chương 3 với chủ đề Hội nhập và phát triển, giới thiệu sự đổi mới, hội nhập và phát triển của vùng đất Tây Nguyên thông qua việc giao lưu hợp tác văn hóa cồng chiêng. Âm điệu cồng chiêng của các tỉnh bạn và các đoàn quốc tế sẽ là bức tranh sinh động về sự hội nhập hòa quyện giữa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế. Sự góp mặt của các đoàn cồng chiêng quốc tế trong Festival sẽ khẳng định và tôn vinh giá trị của cồng chiêng nói chung và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng.
Festival Cồng chiêng quốc tế Gia Lai lần thứ nhất 2009 là cầu nối để âm vang cồng chiêng, âm vang nhịp sống Tây Nguyên bay cao, bay xa đến mọi nẻo đường, tới bạn bè du khách gần xa. Tính quốc tế sẽ được thể hiện đậm nét trong Festival này. Chương 4 với chủ đề Sức sống cồng chiêng kết nối khối đại đoàn kết dân tộc giới thiệu về giá trị sức sống của cồng chiêng. Cồng chiêng là sợi dây kết nối tình đoàn kết gắn bó của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thể hiện trong đấu tranh cũng như xây dựng đất nước...
Lễ bế mạc Festival với chủ đề “Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc” kết hợp với nghệ thuật đường phố hứa hẹn sẽ gây nhiều ấn tượng với sự tham gia của khoảng 1.900 đến 2.000 người bao gồm các diễn viên, nghệ nhân, học sinh sinh viên...
Phần 1 của Lễ bế mạc sẽ được dàn dựng bởi các tiết mục xen kẽ giữa truyền thống và hiện đại mang tính nghệ thuật cao và tinh xảo để một lần nữa khắc họa đậm nét những hình ảnh về con người, bản sắc văn hóa, thiên nhiên, danh thắng trong không gian văn hóa cồng chiêng. Phần 2 được dàn dựng hoành tráng, có sự góp mặt của các dàn cồng chiêng hùng hậu, do nghệ nhân được tuyển chọn từ các địa phương tham gia. Không khí lễ hội văn hóa, du lịch tưng bừng đậm nét Tây Nguyên sẽ được thể hiện trong phần lễ hội đường phố. Với thông điệp đoàn kết các dân tộc, quảng bá văn hóa - du lịch Tây Nguyên, Gia Lai trong xu thế hội nhập, mong muốn của Gia Lai là có sự hiện diện của khách du lịch và các nhà đầu tư đến từ các vùng miền trong nước và quốc tế.
. Theo VOV News |