Sau 55 phút bay từ thành phố Hồ Chí Minh và mất thêm 15 phút đi taxi, chúng tôi đã có mặt tại bản doanh của Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal-JMG tại xã Yabang (quốc lộ 14) huyện Chưprong-Gia Lai.
|
Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal-JMG.
|
Người dân phố núi vẫn quen gọi nơi này là Hàm Rồng, nằm cách thành phố Pleiku 13km. Học viện được quy hoạch trên diện tích 70ha, nhưng hiện mới đầu tư xây dựng gần 10ha, là nơi ăn, nghỉ, tập luyện của các học viên nhí hiện nay. Hôm làm lễ động thổ khởi công xây dựng học viện bóng đá này vào tháng 4.2007, tôi cũng có mặt và nơi đây lúc đó chỉ là khu đất rộng trồng caosu già đang chờ đốn bỏ. Bây giờ trở lại, sau 3 năm tôi thực sự bị choáng bởi cơ ngơi quá hoành tráng, hiện đại với đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn quốc tế của mô hình Học viện Arsenal toàn cầu. Nhà nghỉ, phòng ăn, phòng giải trí, sân tập, bể bơi, phòng tập hồi phục... cứ như là ở London vậy.
Đi tìm nhân tài cho bóng đá Việt Nam
Tháng 4.2007 khởi công xây dựng, nhưng ngay tháng 5.2007, Học viện HAGL-Arsenal JMG đã bắt tay ngay vào tuyển sinh khóa đầu tiên với thời gian đào tạo là 7 năm, đối tượng là các nhi đồng trong cả nước đang ở tuổi 12. Ban tuyển sinh do chuyên gia lão làng về bóng đá Nguyễn Văn Vinh đảm trách cùng Giám đốc kỹ thuật người Pháp là Graechen Guippanme thực hiện. Ông Trần Văn Minh - Phó Giám đốc Cty thể thao HAGL - cho biết: Mỗi lần Ban tuyển chọn đến địa phương nào là nơi ấy như là một ngày hội bóng đá của các em nhi đồng đến dự tuyển, làm cho Ban tuyển chọn cũng quên đi mệt nhọc, vất vả trên hành trình đi tìm nhân tài cho bóng đá Việt Nam.
Trong khóa đầu tiên, Ban tuyển chọn đi 22 tỉnh, thành trong cả nước với trên 7.000 em thiếu nhi đăng ký dự tuyển và cuối cùng cũng chỉ chấm chọn được 16 em có tố chất và năng khiếu về bóng đá. Khóa 2 (2009) cũng đi tuyển chọn trên 20 tỉnh, thành và có 10.000 em dự tuyển và cũng chỉ lấy được 11 em... Quả là không dễ cho Ban tuyển chọn vì có em được cái này lại thiếu cái kia, nhưng chuyên gia Nguyễn Văn Vinh bảo phải cố mà đi tìm và bóng đá là vậy, môn năng khiếu không phải ai cũng chơi được. Tuyển sinh của học viện theo chu kỳ 2 năm một lần vào năm lẻ và hiện cả 2 khóa, học viện có 25 em đang theo học. Khóa 1 được khai giảng vào ngày 15.8.2007 dù lúc đó cơ ngơi còn chưa hoàn thiện như bây giờ. Trong số 16 em của khóa 1 thì sau 3 năm đã có 2 em bị loại vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
|
HLV Nguyễn Văn Đàn và các em trong buổi tập luyện.
|
Những ngày khổ luyện
Với quan điểm triết lý: Ăn bóng đá – ngủ bóng đá – mở cửa là không gian bóng đá, nên học viện được xây dựng hướng chính đều quay ra sân tập luyện. Nói như ông Giám đốc kỹ thuật G.Grachen là để máu bóng đá thấm vào các em thành một niềm đam mê. Các em được HAGL đài thọ hoàn toàn miễn phí không phải lo một khoản nào, từ ăn, ở đến tập luyện. Các em được bố trí mỗi phòng có 4 em, trong phòng chỉ có giường ngủ, bàn học và tivi để xem bóng đá. Giải trí cũng là trò chơi điện tử bóng đá, còn điện thoại di động em nào cũng có để liên lạc với gia đình, nhưng chỉ được sự dụng từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật, sau đó nộp lại cho bảo mẫu giữ.
Tại học viện, em nhỏ nhất là lớp 3 và lớn nhất là lớp 6. Hằng ngày, 6 giờ sáng các em được học viện chở bằng xe ôtô đi học văn hóa đến 10 giờ 30 phút đón về để bước vào tập chuyên môn. Không chỉ học văn hóa, hằng tuần thứ hai, tư, sáu các em học tiếng Anh và ba, năm, bảy học tiếng Pháp. Về dinh dưỡng, các em được ăn như các anh lớn, bữa ăn thường có 6 món do bác sĩ dinh dưỡng chọn. Ngày ăn 5 lần: Sáng ăn nhẹ để đi học văn hóa, 10 giờ sau khi đi học về ăn điểm tâm để chuẩn bị tập, 13 giờ ăn chính, 18 giờ ăn chiều, tối uống sữa, ăn nhẹ và đúng 21 giờ 30 tất cả lên giường ngủ... Bước vào tập luyện, các em phải chơi bóng đá bằng chân đất, không được dùng giày trong 3 năm đầu.
Tập luyện bằng chân đất nhằm tạo cho các em cảm giác bóng tốt nhất, giúp xương chân phát triển theo lứa tuổi. Không có giày, các em buộc tiếp xúc bóng bằng mu hay má chân để bóng đi chính xác hơn, chuyền đúng địa chỉ hơn. Ngoài ông giám đốc kỹ thuật trực tiếp huấn luyện, chỉ bảo động tác cho các em thì còn có thêm 2 trợ lý HLV người Việt là Nguyễn Văn Đàn và Nguyễn Minh Ninh phụ tá làm cầu nối và thị phạm các động tác kỹ thuật. Các em được tập từ động tác đơn giản nhất đến những kỹ thuật khó, rồi tiếp tục tập theo nhóm theo đúng giáo án của Học viện Arsenal thống nhất toàn cầu. Ông giám đốc kỹ thuật cho biết thêm rất nhiều em ở khóa 1 khi ra sân tập đã có thể trao đổi trực tiếp về kỹ thuật với ông HLV người Pháp.
|
Màn biểu diễn kỹ thuật tâng bóng bằng đầu.
|
Mơ ước thành cầu thủ chuyên nghiệp
Các em hiện nay ở học viện khi hỏi đều có chung câu trả lời rằng chỉ có ước mơ duy nhất là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Các em bảo muốn ước mơ trở thành hiện thực thì phải cố gắng học, phải khổ luyện thôi. Khi được hỏi nhận xét về từng em của ông giám đốc kỹ thuật, thì ông bảo không nên. Không nên, vì bóng đá là môn chơi tập thể nên em nào cũng tốt. Nhận xét tốt – xấu từng em dễ tạo tâm lý không ổn. Nhưng có thể nói rằng, sau 3 năm thì các em đều có tiến bộ trông thấy, rất lạc quan cả về kỹ thuật cá nhân lẫn lối chơi đồng đội.
Vừa qua học viện được chọn 2 em là Nguyễn Công Phượng của Nghệ An và Nguyễn Tuấn Anh của Tuyên Quang đại diện cho học viện đi tham dự giao lưu giữa các học viện Arsenal toàn cầu tại Mali và cũng chính 2 em này được đánh giá là tốt nhất về chuyên môn. Hôm khai mạc Giải bóng đá trẻ U.21, xem các em biểu diễn kỹ thuật cá nhân, tôi nhận thấy những động tác mà các em thực hiện thì ngay cả nhiều cầu thủ V-League hiện nay của chúng ta cũng không thể làm được tốt như thế. Khi được hỏi về tương lai của các em, ông G.Grachen cho biết, sau khi tốt nghiệp thì chuyện chuyển nhượng ra nước ngoài là chưa dám nói, còn bóng đá đỉnh cao trong nước, từ V-League đến hạng nhất thì khẳng định ngay rằng em nào cũng có thể chơi được, chơi tốt là đằng khác. Một tương lai sáng đang rất gần với các em để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Một điểm làm tôi chú ý là các em tất cả đều ngoan hiền. Không biết tôi là ai, nhưng thấy xuất hiện ở học viện thì em nào cũng khoanh tay đến chào rất lễ phép.
Nhìn các em say mê với trái bóng, ông Trần Văn Minh cho biết, các em không chỉ tiến bộ về chuyên môn, mà thể hình em nào cũng thay đổi sau một thời gian tập luyện tại học viện, hiện có mấy em đã cao trên 1,7m. Với các em, ước mơ cháy bỏng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đang đến gần, rất gần...
. Theo Vũ Hùng/Lao Động |