Thừa Thiên - Huế xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương
19:43', 2/11/ 2010 (GMT+7)

Bộ Chính trị có Kết luận 48-KL/T.Ư về "Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020" và Thủ tướng có Quyết định 86/2009/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, theo đó đã xác định: xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trong vài năm tới.

Ðây là chủ trương quan trọng để Thừa Thiên - Huế phát huy cao nhất mọi nguồn lực phát triển và bảo tồn di sản Huế; đồng thời là mục tiêu và quyết tâm lớn của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhằm phát huy lợi thế, phấn đấu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

 

Ðô thị di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường

Thừa Thiên - Huế có diện tích hơn 5 nghìn km2, dân số gần 1,2 triệu người, là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh về biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi. Thừa Thiên - Huế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, nằm trên trục giao thông quan trọng bắc - nam và trục hành lang kinh tế Ðông - Tây, nối cảng Chân Mây với Nam Lào và đông bắc Cam-pu-chia, đông bắc Thái-lan và cả tiểu vùng sông Mê Công, đồng thời là một trong những cửa ngõ chính thông ra Biển Ðông, có cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Với bờ biển dài 128 km và hơn 22 nghìn ha đầm phá, có cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây, đã hội đủ điều kiện để tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT phục vụ giao lưu hàng hóa, tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh của Lào, Cam-pu-chia và miền trung Thái-lan, phục vụ du lịch quốc tế đường biển. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang trên đà phát triển với mô hình khu kinh tế tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép, sẽ trở thành trung tâm kinh tế và giao thương quốc tế lớn của khu vực miền trung - Tây Nguyên và cả khu vực tiểu vùng Mê Công.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, đô thị Thừa Thiên - Huế hàm chứa một sự đa dạng về địa hình - sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển và cảnh quan thiên nhiên phong phú. Nhất là, cảnh quan dòng sông Hương đóng vai trò quan trọng, cùng với hệ thống đền đài, thành quách, cung điện đã tạo nên nét đặc trưng riêng và là yếu tố nổi bật của đô thị Huế. Yếu tố cảnh quan đô thị đã được đưa vào làm tiêu chí đánh giá đô thị tại Nghị định 42 của Thủ tướng Chính phủ về xếp loại đô thị. Thế nên, việc xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư sẽ rất khác với các đô thị khác của Việt Nam, bởi Thừa Thiên - Huế có những đặc thù riêng của một đô thị cổ và được định hướng phát triển theo hướng phát huy cao nhất những đặc trưng. Thừa Thiên - Huế sẽ không phát triển như các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... với mật độ dân cư và công trình xây dựng cao; không quá tập trung 'nóng' vào công nghiệp để có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thừa Thiên - Huế sẽ phát triển theo hướng hài hòa, dân cư sẽ phân tán, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ để phát triển. Thực trạng đô thị Thừa Thiên - Huế hiện nay đã được đánh giá theo tiêu chuẩn đô thị loại I đạt 65,7 điểm trên khung điểm tiêu chuẩn loại I là 70 - 100 điểm. Vì vậy nhu cầu đầu tư phát triển các tiêu chí đô thị trong những năm tới là rất cần thiết và cấp bách.

Kỳ họp HÐND tỉnh Thừa Thiên - Huế gần đây đã thông qua đề án 'Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư'. Nội dung của đề án sẽ xây dựng Thừa Thiên - Huế theo mô hình 'chùm đô thị, đa trung tâm', bao gồm Huế là đô thị thành phố trung tâm - hạt nhân, các đô thị vệ tinh gồm: Tứ Hạ, Hương Thủy, Thuận An và Chân Mây - Lăng Cô... Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung phát huy hai nguồn tài nguyên nổi trội là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên lịch sử - văn hóa - nhân văn - kiến trúc theo hướng phát triển hài hòa, lấy dịch vụ - du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ để phát triển, hướng đến xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố 'đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường' trong tương lai.

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết: Sau một năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai các đề án phát triển kinh tế tổng hợp vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Ðề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các đô thị ở thị xã Hương Thủy, đô thị Tứ Hạ - Hương Trà, Thuận An được ưu tiên cân đối nguồn lực của địa phương hơn 150 tỷ đồng (ngoài các dự án hỗ trợ ngân sách của trung ương) để đầu tư phát triển; đô thị Phú Bài - Hương Thủy và đô thị Tứ Hạ đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Thừa Thiên - Huế đã triển khai ba dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với quy mô gần 1.000 căn hộ;  triển khai hai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp Phong Ðiền, Phú Bài, tập trung huy động nguồn lực xây dựng 1.500 nhà ở cho các đối tượng tái định cư dân thủy điện, xóa nhà tạm cho hộ nghèo; tái định cư và ổn định sinh kế cho 900 hộ dân vạn đò trên sông Hương và đang triển khai công tác di dời tái định cư các hộ dân sống trong vùng di tích...

UBND tỉnh cũng đã tập trung triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, đã triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng phá thế chia cắt ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như cầu Ca Cút, quốc lộ 49B; triển khai xây dựng đường La Sơn - Nam Ðông đáp ứng nhu cầu kết nối đô thị Nam Ðông với TP Huế; khởi công quốc lộ 49A, triển khai đầu tư cầu đường bộ qua sông Hương... Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây, tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Chân Mây, khu vực ven đường Tây đầm Lập An... Hầu hết các dự án lớn như: Khu du lịch Laguna Huế; hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; mở rộng kho dầu và xây dựng cảng dầu 30.000 DWT... đã triển khai đúng kế hoạch. Khối lượng thực hiện ước đạt 700 tỷ đồng. Hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục triển khai tích cực, tổng số dự án được cấp chứng nhận đầu tư là 35 dự án với tổng vốn đăng ký 32.834 tỷ đồng. 

Hướng đến một thành phố đặc trưng của Việt Nam

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là phấn đấu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trước năm 2015 mang nét đặc trưng của Cố đô - thành phố di sản, thành phố thiên nhiên, thành phố môi trường. Từ đó, trong quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025 với mục tiêu đề ra là phát triển thành phố với cấu trúc đô thị sinh thái hoàn chỉnh, xứng tầm là đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của Việt Nam và khu vực Ðông - Nam Á.

Chương trình xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế được Ðảng bộ tỉnh xác định tại Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2010 - 2015) là, tập trung chỉ đạo thực hiện tám chương trình trọng điểm có liên quan trực tiếp tới đô thị Thừa Thiên - Huế: nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là đô thị Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Thuận An; phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; xây dựng và phát triển khu kinh tế, đô thị Chân Mây - Lăng Cô; xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm; bảo vệ môi trường, phòng, tránh giảm nhẹ  thiên tai và biến đổi khí hậu gắn với xây dựng mạng lưới hạ tầng chính (giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước), kết nối mạng lưới đô thị thành phố trung tâm với các đô thị vệ tinh độc lập phía nam và các đô thị vệ tinh phụ thuộc phía bắc.

Ngoài các giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Thừa Thiên - Huế sẽ huy động cao nhất nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật như giao thông, nhất là giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các đô thị vệ tinh, kết nối đô thị miền núi Nam Ðông, A Lưới và TP Huế. Ưu tiên đầu tư hạ tầng cấp nước cho các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đô thị ở các đô thị vệ tinh, phát triển hạ tầng cấp điện, thông tin liên lạc... Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang lao động phi nông nghiệp trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, công nghiệp. Ðề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cũng được thực hiện nhằm đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực nông thôn.

Xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công, đầu tư phát triển mạnh du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Huế là trung tâm du lịch của miền trung và cả nước. Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản nhằm tạo đột phá để phát triển dịch vụ, du lịch.

. Theo ND

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành lập khu công nghệ cao Đà Nẵng  (02/11/2010)
Vận hành máy biến áp 500kV tại Pleiku  (01/11/2010)
Đi chợ lòn bon  (29/10/2010)
Nghệ nhân Y Thim và khát vọng bảo tồn phát huy văn hóa Tây Nguyên  (28/10/2010)
Du lịch “cùng yoga”  (24/10/2010)
Phú Yên tiếp nhận dự án lọc hóa dầu 19 tỷ USD  (24/10/2010)
Phát triển năng lượng sạch ở Ninh Thuận  (22/10/2010)
90 phút với Học viện Bóng đá Arsenal  (21/10/2010)
Quảng Ngãi tịch thu 19 con rùa núi viền quý hiếm  (20/10/2010)
Triển khai 10 máy bay cứu trợ miền Trung  (20/10/2010)
Chung tay giúp đỡ miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai  (13/10/2010)
Năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu GDP bình quân đầu người đến 5.000 USD  (11/10/2010)
Gần 28.000 tỉ đồng làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi  (10/10/2010)
Tràn dầu tại cảng Vũng Rô chưa rõ nguyên nhân  (06/10/2010)
Khai trương Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại Đà Nẵng  (04/10/2010)