“Từ những chứng cứ khảo cổ học như tro than, xương cháy, có thể kết luận chắc chắn đây là một loại hình lò hoả táng được làm bằng đất nung” - TS Nguyễn Tiến Đông - chủ nhiệm hố khai quật khu di tích đất nung, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên - cho biết.
Khu di tích đất nung diện tích lớn, mật độ dày
Sau trận lũ lịch sử năm 2009, toàn bộ cây cối và một lớp đất dày khoảng 1m trên doi đất Tân An (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) bị cuốn trôi nên đã xuất lộ khu di tích đất nung. Lũ không chỉ cuốn trôi bờ tre phía ngoài doi đất, mà còn cuốn trôi lớp đất mặt dày khoảng 1m, do vậy đã làm xuất lộ khu di tích. Kết quả thám sát ban đầu cho thấy, đây là một loại lò nung.
Sau lũ, nghiên cứu ban đầu cho thấy, toàn bộ khu di tích xuất lộ trên diện tích 3.725m2 và có 73 di vật đất nung. Một loạt lò xuất lộ phân bố không đều, có nơi di tích nằm riêng lẻ, nhưng cũng có nơi phân bố thành từng cụm từ 2 đến 3 lò. Những lò này không nằm theo một hướng cố định, mà nằm quay theo nhiều hướng khác nhau (ảnh). Do nước lũ tàn phá nên phần lớn các lò đã bị hư hỏng phần phía trên, mà có thể đã bị mất khoảng 1/3.
Phần còn lại của các di vật có hình dáng khá đồng nhất: Mặt cắt theo chiều ngang có hình bầu dục, hai đầu có 2 cửa, trong đó có một cửa lớn và một cửa nhỏ. Một vài cái chỉ có cửa ở một đầu. Thành lò làm bằng đất nung. Kích thước của các di tích không đều nhau - dài từ 1,5-3m; rộng từ 0,5 - 1,1m; dày từ 2-9cm.
Nhận xét ban đầu cho thấy, đây là một khu di tích đất nung phân bố trên một diện tích tương đối rộng lớn và có mật độ dày. Điều quan trọng đây không phải là loại hình mộ chum như một số phương tiện thông tin đại chúng đã từng đưa tin.
Khu tiến hành nghi lễ hoả táng
Nếu căn cứ vào hình dáng của di tích, thì có thể nghĩ rằng đây là loại hình lò nung. Nhưng căn cứ vào các yếu tố kỹ thuật như độ dày của thành di tích, các cửa ở 2 đầu di tích, dấu tích phế phẩm..., thì không thể nói đây là loại hình lò nung liên quan đến các nghề thủ công truyền thống.
Việc khai quật sau đó cho thấy, có những mẩu xương nhỏ trong lớp tro than bị cháy đen. Đây là chứng cứ quan trọng trong việc xác định tính chất và công năng của lò. “Qua những chứng cứ khảo cổ học như tro than, xương cháy có thể kết luận chắc chắn đây là một loại hình lò hoả táng được làm bằng đất nung. Ngoài tính chất là lò thiêu ở giai đoạn đầu, lò này còn đóng vai trò là một quan tài bằng đất nung ở giai đoạn sau của nghi lễ táng người chết của chủ nhân khu di tích. Với tính chất như vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị gọi loại hình di tích này là lò-mộ và gọi khu di tích này là: Khu di tích lò-mộ Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân, Phú Yên” - TS Nguyễn Tiến Đông cho biết.
Chủ nhân di tích là người Chăm
“Trên mảnh đất miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng, chỉ có người Chăm mới có nghi lễ và táng thức hoả táng. Từ những lý do ấy, chúng tôi cho rằng chủ nhân của di tích này là người Chăm” - TS Đông phân tích. Mặc dù vậy, niên đại của di tích hiện đang khó xác định, do đồ gốm chôn theo không có hoặc có thể do đã bị lũ cuốn đi. Hiện chỉ có một giải pháp là xác định C14 của tro xương. Cấu trúc và hình dáng đặc biệt của di vật (lò-mộ) như một con thuyền, với 2 đầu có cửa thông với bên ngoài, khiến các nhà khoa học nghĩ đến tục vẫn cho người chết ăn trong khi tiến hành nghi lễ của người Chăm ở Bình Thuận hiện nay.
Cũng chính vì thế, nhóm nghiên cứu giả định đây là loại hình trung gian, một cái gạch nối từ văn hóa Sa Huỳnh (mộ chum) đến văn hóa của một số tộc người ở Tây Nguyên với kiểu quan tài thân cây khoét rỗng và những nghi lễ tang ma của họ. Tuy nhiên, đó là những câu hỏi lớn chưa thể khẳng định, cần có nhiều thời gian và công sức nghiên cứu.
Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, TS Nguyễn Tiến Đông và nhóm nghiên cứu khẩn thiết đề nghị ngay lập tức bằng mọi biện pháp bảo vệ khu di tích này, tránh sự xâm hại bởi những hoạt động canh tác nông nghiệp hay đào phá di tích với mục đích khác.
. Theo LĐ |