Lũ lụt đã ngừng một tuần rồi mà xã Sơn Long - nơi tiếp giáp với tỉnh Kon Tum thuộc huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn như “ốc đảo”. Có lẽ đây là địa phương duy nhất của tỉnh này bị lũ phong tỏa lâu đến vậy: 20 ngày!
Chúng tôi mang quà của bạn đọc Báo Lao Động đến với 6 gia đình đồng bào Ca Dong có nhà bị lũ vùi lấp hơn một tuần nay bằng đủ các loại phương tiện, trừ ôtô.
Biết tôi có ý định lên Sơn Long, anh Nguyễn Thanh Vương - Chủ tịch LĐLĐ huyện Sơn Tây - can ngay: “Đi không được đâu. Mà có đi được thì cũng bầm giập lắm, vì đường lên đó bây giờ như một bãi bom thời chiến tranh, vừa bị cây chắn ngang đường, vừa lầy thụt dữ lắm”. Tôi kiên quyết: “Nếu anh không đi cùng, tôi đi một mình vậy”. Thấy tôi không chịu từ bỏ ý định lên Sơn Long, anh Vương ghé vào một quán tạp hóa ven đường để mua thêm chiếc áo đi mưa. Cả hai lên chiếc xe máy “mốc meo” của LĐLĐ huyện, nhằm hướng núi cao trực chỉ. Trời lại bắt đầu nặng hạt.
|
Hàng ngàn khối đất đá và cây ngã đổ chắn ngang đường lên Sơn Long. |
Chủ tịch xã mặc quần cộc
Hay tin có nhà báo chuẩn bị lên Sơn Long, Chủ tịch xã - Phạm Hồng Khuyến rời trụ sở ủy ban xã từ tờ mờ đất để “vừa đi vừa đẩy” chiếc xe máy cà khổ của anh, vượt qua những bãi sình lầy và cây cối chắn ngang đường, về huyện lỵ sớm nhất để đón khách chứ sợ không biết đường đi. Gặp tôi giữa đường, lời khuyên đầu tiên của Khuyến dành cho khách là hãy thay ngay đôi giày bằng đôi dép nhựa! “Tôi sợ anh vất luôn đôi giày dọc đường vì chỉ cần đi một quãng, đất đỏ bám vào, mỗi chiếc có thể cân được chục ký đấy!”.
Còn tôi thì quá đỗi ngạc nhiên khi thấy ông chủ tịch xã trẻ măng này đi về huyện “công tác” mà lại mặc quần cộc! Đoán tôi thế nào cũng hỏi câu vì sao lại thế, Khuyến nói luôn: “Tôi cởi quần dài ra và treo lên xe đây nè! Không có quần nào chịu thấu với con đường này đâu. Đi một chặp, màu quần như màu bùn thôi anh. Chả nhẽ lại mang nguyên chiếc quần đầy bùn ấy vô huyện họp? Vì vậy, trước khi vô họp, tất cả các lãnh đạo xã đều phải “giội bùn” xong rồi mới mặc quần dài vô họp”. Mới ngoài ba mươi một chút, nhưng Khuyến đã có chục năm lăn lộn với vùng này, anh thuộc từng viên sỏi trên đường nên chuyện “mặc quần cộc đi công tác” như là một kinh nghiệm của lãnh đạo xã ở vùng này vào mỗi mùa mưa lũ.
Làm đường và “bít” đường
Sơn Long được tách ra từ xã Sơn Dung từ năm 2008. Đó cũng là thời điểm mà các đơn vị thi công bắt đầu khởi động đường Đông Trường Sơn ngang qua địa phương này. Dân Ca Dong vùng này thấy máy xúc, máy đào kéo lên nườm nượp, cộng với lời hứa của đơn vị thi công là sau 2 năm sẽ xong, ai cũng vui mừng. Thế nhưng, suốt 2 năm qua, trên 3 ngàn dân Ca Dong vùng này lúc nào cũng nơm nớp với một mối lo, hoặc là sẽ bị đá đè vào mùa khô khi các đơn vị thi công cày xới trên các ngọn đồi, hoặc là lầy thụt tắc đường và bị vùi lấp do lở núi vào mỗi mùa mưa lũ.
Con đường mòn mà huyện Sơn Tây đã huy động hàng vạn ngày công để mở lên Sơn Long mười mấy năm trước, nay chỉ còn một vệt lờ mờ với ngổn ngang đất đá từ con đường mới mở đè lên. Để về được huyện lỵ, ngay trong mùa khô đã khó vì đường cũ bị bít hết, vào mùa mưa lại càng khó hơn. Làm đường, dĩ nhiên là phải chấp nhận sự ngổn ngang của đất đá, song các đơn vị thi công hầu như chẳng mấy quan tâm đến việc đi lại của người dân.
Chủ tịch xã Sơn Long Phạm Hồng Khuyến vừa thở hổn hển sau khi lôi được chiếc xe máy cà khổ của anh qua hai vũng lầy, vừa nói: “Dân Sơn Long muốn mua sắm gì đều phải về chợ huyện. Họ không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải đi qua tuyến đường này với bao nỗi nhọc nhằn mà họ chẳng biết kêu ai. Tôi nghĩ, đơn vị thi công chỉ cần có trách nhiệm hơn một chút, bỏ ra dăm bảy ca máy ủi là người dân có thể đi lại thuận lợi hơn. Thế nhưng, bây giờ mà kêu gọi trách nhiệm từ các đơn vị thi công con đường này còn khó hơn tìm nước trên sao Hỏa đó anh”. Chủ tịch xã mà còn bất lực trước cái gọi là “trách nhiệm của đơn vị thi công”, nói gì đến dân! Và họ đành chấp nhận gian khổ như một chuyện dĩ nhiên của thân phận con ong cái kiến.
Còn Chủ tịch LĐLĐ huyện Sơn Tây Nguyễn Thanh Vương - nguyên là Bí thư Đảng ủy Sơn Dung thời chưa chia xã - thì chua chát hơn: “Lúc chuẩn bị thi công, lãnh đạo các công ty, tổng công ty dập dìu lên xuống, ngày nào cũng họp với dân, chủ yếu là vận động để họ chuyển dời nhà, lấy mặt bằng thi công cho nhanh. Thế nhưng, dân dời nhà đi rồi thì cũng là lúc các vị lãnh đạo này lặn mất tăm. Thế nên mới có chuyện, đường tắc mấy chục ngày rồi mà chẳng thấy ai đứng ra đôn đốc việc giải phóng con đường bị tắc cả”. Thì ra, chuyện Sơn Long đã thành “ốc đảo” mấy chục ngày qua, lỗi không chỉ do ông trời gây mưa lũ, mà còn từ các đơn vị thi công đường Đông Trường Sơn nữa. Hy vọng về một con đường “bon bon” xe máy với người Ca Dong nơi heo hút đèo mây này vẫn còn xa lơ xa lắc.
Tiếp cận ốc đảo
Thi công đường làm tắc đường, thôi thì ráng chịu vậy, nhưng đào ủi đường mới để dẫn đến sập nhà dân thì khó chấp nhận lắm thay. Trong 6 ngôi nhà ở thôn Ra Pân của xã Sơn Long bị lũ đánh sập, thì chỉ có 2 nhà là còn nhận dạng, 4 nhà còn lại hoàn toàn bị hàng chục ngàn khối đất đá chôn vùi. Ông Đinh Trọng Lượm - Trưởng thôn Ra Pân - tỏ ra rất bất bình trước 6 ngôi nhà bị lấp: “Đồng bào ở vùng này từ bao đời nay có bao giờ bị núi đè như thế này đâu. Chẳng qua là do làm đường quá ẩu, chẳng nghĩ đến dân thôi”.
Theo ông Lượm, thay vì đơn vị thi công mang đất đào đường đổ đi nơi khác thì họ cứ ủi càn, đổ hết xuống phía taluy âm. Mà đất ủi đường là đất “gửi”, chỉ cần vài trận lũ là toàn bộ số đất “gửi” này ùa xuống phía nhà dân. Chị Đinh Thị Bích Thuận - cô giáo Trường Tiểu học Sơn Long - vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại thời điểm bị núi đè: “Đang ăn cơm chiều, tôi nghe từ phía con đường như có một vật gì đang chuyển động ầm ầm. Chưa kịp nhìn ra thì đã thấy cả một khối bùn khổng lồ tràn vô nhà. Tôi cắp vội đứa con chạy lánh nạn, còn đồ đạc thì mất sạch”.
Không riêng gì chị Thuận, cả 6 gia đình ở thôn Ra Pân này đều trắng tay sau trận lũ quét, mà thủ phạm không ai khác là đất đá từ con đường mới san ủi. Đâu chỉ ủi đường làm vùi lấp nhà, hàng chục ngàn khối đất lẽ ra phải vận chuyển đi nơi khác ấy, các đơn vị thi công đã “thuận tay” hất luôn xuống vực, vùi luôn hơn 2 hécta lúa nước cùng hàng chục ngàn cây cau, cây quế, cây bời lời của dân. Trưởng thôn Đinh Trọng Lượm bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với đơn vị thi công sớm khắc phục để dân có đất sản xuất, vì với vùng cao này, tìm được một khoảnh ruộng để làm lúa nước còn khó hơn tìm vàng, nhưng chẳng có ai giải quyết cả”.
Tôi hỏi: “Thế 20 ngày qua, dân lấy gì để sống?”. Chủ tịch xã Phạm Hồng Khuyến, nói ngay: “Trước lũ, chúng tôi đã chuẩn bị tại kho được 1 tấn gạo. Số gạo này chỉ mang tính chất “trấn an tinh thần” thôi, chứ với trên 500 gia đình mà từng ấy gạo thì giải quyết được gì, chủ yếu là người dân tự chuẩn bị thôi. Tuy nhiên, tắc đường lâu quá, hàng chục gia đình đã thật sự đứt bữa. Khẩu hiệu “bốn tại chỗ” giờ thành “năm tại chỗ” rồi đó nhà báo”. Thấy tôi không hiểu với khái niệm lạ hoắc này, Trưởng thôn Ra Pân tiếp lời: “Núi lở tắc đường nên nhỡ ai ốm nặng, không khiêng về trung tâm y tế huyện kịp thì “chết tại chỗ” nữa là thành năm!”.
Già làng Đinh Văn Ría - người đã chịu trận 80 mùa rẫy, một trong 6 gia đình bị lũ vùi - cầm trên tay 2 triệu mà Chủ tịch LĐLĐ Sơn Tây thay mặt Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động trao tặng, phân vân: “Số tiền này với già là rất to đấy, nhưng biết mua thứ gì bây giờ?”. Nói rồi, ông chợt phát hiện ra “người anh em” quen thuộc Nguyễn Long đang đẩy xe hàng vượt dốc. Cả làng ùa ra như thể đón mẹ về. Trên chiếc xe máy đầy bùn đất, anh Long đã chở cả một cái chợ trên đó. Đã 20 ngày rồi, họ không biết đến khái niệm cá và rau xanh.
Hóa ra, mang niềm vui cho dân làng sau 20 ngày bị lũ nhốt không phải là đơn vị làm đường, mà là từ những người “cõng chợ trên lưng”.
. Theo TRẦN ĐĂNG/LĐ |