Lịch sử văn hoá đâu chỉ có mỗi triều Nguyễn? Nhưng những điều ngoài triều Nguyễn hiện ở đâu? Tôi gần như chết lặng trước câu hỏi bất ngờ của một “người Huế ngụ cư” tại một hội thảo về văn hoá Huế gần đây. Câu trả lời là không. Nhưng để nói cho rõ ràng vì sao không thì thật là khó khăn...
|
Tháp Chăm Phú Diên - một trong những di tích thời Champa còn nguyên vẹn ở Huế - chưa có phương án bảo vệ hiệu quả. |
“Huế là vùng đất có bề dày văn hoá lịch sử”. Đó là câu cửa miệng của các nhà nghiên cứu văn hoá, khoa học, lãnh đạo, người dân Huế... Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại: Nhiều “người Huế” đang đồng nhất khái niệm lịch sử văn hoá Huế với lịch sử văn hoá của gần 150 năm thời nhà Nguyễn. Ký ức của “người Huế” đang bị lệch một cách nghiêm trọng bởi những điều làm nên “bề dày” sự “lâu đời” của Huế như thời tiền-sơ sử; Champa và mấy trăm năm thuộc các triều đại Lý,Trần, Hồ, Lê... trong 700 năm thời Đại Việt – Việt Nam, lại gần như bị lãng quên theo nhiều cách khác nhau.
Những khoảng trống lịch sử
Những câu hỏi của “người Huế ngụ cư” sau đó đã động vào một “núi” bức xúc của nhà nghiên cứu văn hoá Huế - ông Hồ Tấn Phan. Ông nói như thể không còn cơ hội để nói lại lần nữa: “Hiện chúng ta luôn mồm nói Huế là vùng đất có bề dày văn hoá lịch sử. Nhưng nó dày bao nhiêu, dày như thế nào, bài học lịch sử ở đâu?.... thì không thấy ai nói tới, mà chỉ tập trung nghiên cứu quanh quất trong vòng hơn một thế kỷ thời Nguyễn. Phải chăng lịch sử văn hoá Huế chỉ có thời Nguyễn mới đáng nói, còn trước đó thì không?”.
“Trong khi đến thời điểm này, sau bao nhiêu công sức nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, chúng ta đã có điều kiện để kéo dài lịch sử của vùng đất này lên đến trên dưới 2.500 năm, bắt đầu từ thời kỳ tiền - sơ sử. Tiếp sau đó là thời kỳ Champa hiện còn lại rất nhiều dấu tích đền tháp và nhiều yếu tố văn hoá tinh thần hiện còn bàng bạc trong đời sống như âm nhạc, phong tục, tín ngưỡng. Tiếp nữa là thời kỳ Đại Việt kéo dài 700 năm, bắt đầu từ đầu thế kỷ XIV cho đến ngày nay. Lịch sử phải có tính liên tục và không đứt đoạn. Mỗi thời kỳ lịch sử đều có những dấu ấn và đóng góp to lớn. Nếu chúng ta chỉ tập trung nói về một giai đoạn thì sẽ dẫn tới việc “ôn cố” sai và tất nhiên “tri tân” cũng sai luôn” - ông nói.
Đồng cảm với ông Hồ Tấn Phan, nhà nghiên cứu, TS Trần Đức Anh Sơn nói: “Trong nhiều năm qua, ở Huế nói riêng và ở nhiều nơi trong nước đã diễn ra nhiều hội thảo khoa học, sự kiện văn hoá, lễ hội liên quan đến triều Nguyễn, trong khi các hội thảo khoa học, sự kiện văn hoá, lễ hội về các thời kỳ khác của Huế lại rất thưa vắng”. Và ông lý giải: “Về khách quan, là do di sản văn hoá mà triều Nguyễn để lại trên đất Huế quá đồ sộ, khiến cái bóng của văn hoá thời Nguyễn dường như che khuất những gì từng có trước và sau thời đại ấy”.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng: Chỉ một thế kỷ XIX, nhưng nhà Nguyễn đã tạo ra một di sản văn hoá bằng 18 thế kỷ trước cộng lại. Về chủ quan, là do các nhà nghiên cứu ở Huế khi nghiên cứu về lịch sử và văn hoá Huế thường chọn thời Nguyễn - vì giai đoạn này có nhiều tư liệu, trong khi nghiên cứu các giai đoạn khác có nhiều khó khăn vì ít tư liệu, khó công bố hoặc không thể công bố trọn vẹn vì những lý do được cho là nhạy cảm, chẳng hạn như vấn đề Champa”.
Một nguyên nhân khác là do quần thể di tích kiến trúc thời Nguyễn ở Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Vì thế, khi nói tới Huế là người ta nghĩ ngay đến thành quách, lăng tẩm, đền đài, miếu mạo... của triều Nguyễn. Tương tự, khi nói tới văn hoá Huế thì người ta chú ý vào văn hoá Huế thời Nguyễn; nói đến tính cách Huế, liên tưởng ngay đến sự quý phái, nét gia phong, tính thâm trầm... và giải thích sự hình thành những tính cách đó có nguồn gốc sâu xa từ văn hoá cung đình thời Nguyễn.
|
Tất cả các nguồn lực đều được tỉnh TT-Huế tập trung để bảo tồn di tích triều Nguyễn. |
Triều Nguyễn là một “cục thịt nạc”?
Theo một báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản cố đô (BTDTCĐ) Huế, từ năm 1990 đến nay, mỗi năm, Trung tâm này được đầu tư khoảng 25 - 50 tỉ đồng từ nhiều nguồn để bảo quản cấp thiết và gia cố chống hư hại hệ thống di tích triều Nguyễn. Nhờ đó, hầu hết các công trình di tích và cơ sở hạ tầng có mức độ hư hỏng từ 40% đến 70% đã được lập dự án tu bổ và được phê duyệt, trong đó có gần 80 công trình đã được tiến hành tu bổ với nhiều mức độ khác nhau. Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt cho tỉnh Thừa Thiên – Huế 2.300 tỉ đồng nhằm hoàn thiện bảo tồn tổng thể di tích cố đô Huế từ đây cho đến năm 2020.
Ông Ngô Hoà - Phó CT thường trực UBND tỉnh TT-Huế: Đang tập trung quá nhiều cho triều Nguyễn
"Đúng là hiện chúng ta đang tập trung quá nhiều cho triều Nguyễn. Thật ra thì thời gian qua, chúng tôi cũng đã có nhiều hoạt động để xâu chuỗi. Ví dụ trong Fesitival Huế 2006, chủ đề của lễ hội là “700 năm Thuận Hoá – Phú Xuân – Thừa Thiên – Huế”. Và chủ đề này được nhắc lại trong Festival Huế 2010 bằng chương trình “Hành trình mở cõi”. Chúng tôi cũng đã cho xây dựng những thiết chế văn hoá như Trung tâm Văn hoá Huyền Trân, đền thờ Trần Nhân Tông..." - ông Ngô Hoà chia sẻ.
Về ý kiến “bên trọng, bên khinh” trong đầu tư cho các di tích, ông Ngô Hoà cho biết: Trung tâm BTDTCĐ Huế họ có nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều nhất là từ chương trình mục tiêu quốc gia. Sở VHTTDL cũng có vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng khi bố trí lại ưu tiên cho bên trung tâm nhiều hơn. Hiện đúng là ngân sách của địa phương đầu tư cho các di tích thuộc sở quản lý đang rất khiêm tốn, nhưng như tôi đã nói, nguyên nhân lại do ngân sách địa phương hiện đang rất hạn hẹp, lại phải ưu tiên cho các vấn đề cấp thiết hơn như dân sinh, hạ tầng giao thông... |
Nếu tính riêng mức đầu tư cho quần thể di tích cố đô Huế trong vòng 15 năm qua thì không lớn (hơn 400 tỉ đồng), chỉ đủ để xây một cây cầu nhỏ. Nhưng đó là một con số khổng lồ nếu so sánh với đầu tư cho hơn 870 di tích khác ngoài quần thể di tích Cố đô Huế thuộc Sở VHTTDL tỉnh quản lý. Và theo ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc sở - thì trung bình mỗi năm 870 di tích nói trên chỉ được đầu tư khoảng... 3 tỉ đồng - chỉ đủ phục vụ cho việc chống xuống cấp tạm thời (!). Điều này dẫn đến thực trạng việc hiện rất nhiều di tích cách mạng, danh nhân văn hoá, tôn giáo... ở Thừa Thiên - Huế đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng - Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế - cho rằng nghịch lý trên là chuyện không có gì lạ, bởi: “Di sản văn hoá triều Nguyễn hiện nay được ví như một “cục thịt nạc”, là “đòn chả” nên việc mọi nguồn lực được tập trung đầu tư, các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu... là chuyện tất nhiên” - ông nói.
Trong một cuộc hội thảo về những trở lực của văn hoá Huế, do Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức mới đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương - than phiền: “Điều đáng nói là nhiều tài sản văn hoá, trong đó đã đạt đến chuẩn cổ điển của văn hoá Việt, là niềm tự hào chính đáng của cả dân tộc nhưng chưa được khảo sát, hệ thống hoá và phát huy đầy đủ”. Ông bức xúc: “Ngày nay, nhiều hoạt động tinh thần được thực hiện theo nguyên tắc của tiền bạc chứ không phải nguyên tắc văn hoá, càng không nói là nguyên tắc đạo đức nữa. Mà cứ để nguyên tắc chạy theo đồng tiền lộng hành thì đó là mối nguy cho di sản văn hoá Huế, vốn nhiều trầm luân, mất mát”.
. Theo LĐO |