Tin từ Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, ngày 6.12, lượng mưa phổ biến tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không lớn, chỉ dưới 15mm. Nhưng mưa và nước thượng nguồn về mạnh trong ngày 5.12, kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy lợi đã làm cho nhiều vùng tại huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang bị ngập sâu, có nơi ngập sâu đến 1,5m.
Đến nay, chưa có thống kê thiệt hại về vật chất, nhưng đã có 2 người chết là chị Bùi Thị Thu, ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang bị nước cuốn trôi khi đi qua cầu tràn thôn Phước Lộc và trung tá Nguyễn Cảnh, Trưởng Công an phường Cam Phúc Nam, thị xã Cam Ranh.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 6.12, do lượng mưa và nước thượng nguồn đã giảm nên các hồ thủy lợi đã giảm lưu lượng xả lũ. Hồ Suối Dầu giảm từ 260m³/s xuống còn 45,4m³/s, hồ Cam Ranh giảm từ 148m³/s xuống còn 40m³/s… Hiện tất cả các hồ trên địa bàn tỉnh đều đang tích đầy nước, nếu mưa lớn tiếp tục việc xả lũ vẫn tiến hành.
Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh cho biết, đến sáng ngày 6.12, đoạn đường sắt ở km 1.362+050 đến 1.362+090, thuộc địa phận xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã tạm khắc phục, cho phép các đoàn tàu chạy qua với tốc độ 5km/h. Hàng chục đoàn tàu nằm kẹt tại các ga từ chiều 5.12 đã được lệnh chạy tiếp.
Trước đó, do mưa lớn cùng với các hồ chứa nước xả lũ khiến nước dâng cao, xuất hiện nhiều dòng nước chảy xiết đã gây xói lở 45m nền đường sắt, trong đó có đoạn dài 20m bị xói sâu tới 2m; tại km 1364+900, nước lũ ngập sâu mặt ray, ngành đường sắt đã phải dừng toàn bộ các đoàn tàu tại các ga lân cận, khiến hàng ngàn hành khách bị kẹt lại.
Tuy đến nay sự cố trên đã được khắc phục, nhưng ở thượng nguồn vẫn có mưa lớn; các hồ thủy lợi có thể xả lũ bất cứ lúc nào nên các đoạn đường sắt xung yếu luôn bị đe dọa.
* Phú Yên tiếp tục ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa vừa đến mưa to ở nhiều nơi.
|
Thành phố Tuy Hòa tiếp tục ngập nước. (Ảnh: Internet)
|
Vào chiều 6.12, mực nước các sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng, Sông Ba tại Củng Sơn, tại Đà Rằng, sông Bánh Lái tại Hòa Mỹ Tây đang ở mức xấp xỉ báo động 1.
Hai hồ thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ với tổng lưu lượng cả vận hành 800m3/giây. Thủy điện Krông H’ Năng ngừng xả lũ từ sáng 5.12.
Đề phòng diễn biến của thời tiết, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị không chủ quan lơ là, tiếp tục triển khai các phương án phòng tránh lũ, ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông suối, vùng trũng thấp để bảo vệ và sơ tán dân và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
Người dân và chính quyền các địa phương cần đề phòng nước các sông lên trở lại; tổ chức neo đậu tàu thuyền chắc chắn, chống bừa neo, trôi dạt, đảm bảo an toàn; các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế mức độ ngập lụt hạ du.
Mỗi khi có mưa to trên địa bàn tỉnh Phú Yên, huyện Tây Hòa là địa phương dễ bị ngập lụt nhất ở nhiều khu vực trũng, thấp ven sông Bánh Lái. Mưa lớn trong đêm 4 và ngày 5.12 đã làm ngập cầu Bến Củi, thuộc xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) gần 1m. Các phương tiện như xe máy, ôtô không thể qua lại được.
Tại thành phố Tuy Hòa và nhiều huyện khác của tỉnh, nước ngập từ đợt mưa, lũ trước vẫn chưa rút hết, giờ lại ngập thêm đã làm cho mùa vụ gặp nhiều khó khăn. Vùng chuyên canh trồng hoa của xã Bình Ngọc (thành phố Tuy Hòa), sau mấy ngày nước tạm rút, nhiều nông dân xuống giống hoa layơn tết. Tuy nhiên một số nơi đang bị ngập nước trở lại do nước mưa không thoát được trong khi đó nước sông lại lên trở lại. Một số diện tích khả năng bị mất giống.
Ở Phú Yên, từ xưa đến nay việc vẫn có mưa to sau ngày 23.10 Âm lịch rất hiếm khi xảy ra. Với tình hình hiện nay, người dân Phú Yên phải tiếp tục chịu rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cả trong sinh hoạt và canh tác trong khi thời tiết vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
.Theo SGGP, TTXVN/Vietnam+
|