Năm 2010, thiên tai xảy ra khắp nơi, mà nặng nhất là ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng thiên tai ở đây.
|
Thiên tai, lũ lụt khiến miền Trung bị thiệt hại nặng nề. |
Phải mất 5 năm mới khắc phục được
Tháng 7, giống như các dòng sông khác ở miền Trung dòng Lam Giang thu mình nhỏ lại lộ ra tràng cát dài trắng xóa. Nắng hạn, gió lào hun đốt, khóm tre già che chắn làng mạc ven sông nổ đôm đốp. Ruộng đồng thiếu nước, nứt nẻ chân chim, cây mạ cây lúa chưa kịp ngậm đòng đã hóa thành rơm rạ. Mực nước sông Lam xuống thấp, gần 4000/5000 ha lúa huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An thiếu nước, gần 1000ha lúa úa vàng, quắt queo lá không thể phục hồi…
Tìm nước cứu 2 sào lúa còn lại, chị Nguyễn Thị Xuân than thở: “Tát 3 ngày 3 đêm mà chưa thấu ruộng. Được ruộng đây ni, ruộng bên nớ lại khô cháy không biết tát ở mô cả…”.
Tháng 10, cả miền Trung lũ chồng lên lũ, nước ngập trắng trời, hàng nghìn ngôi nhà trôi theo dòng lũ dữ. Hàng vạn người dân sống trong cảnh “màn trời, chiếu nước”.
Những nơi lũ qua, xóm làng tiêu điều, xiêu vẹo, tan hoang. Giọt nước mắt tuôn trong nỗi đau khôn cùng của gia đình mất người thân. Lũ về trong đêm, lại là cơn lũ lớn chưa từng có nên hầu hết người dân đều không kịp trở tay. Nhà cửa, tài sản đành phó mặc, đến nơi nước cạn hơn nhìn lại gia đình mình thấy còn đủ các thành viên đã là mừng lắm.
Ông Trần Văn Hồng, xã Minh Hóa, huyện Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình kể: “Lũ cao trong nhà ngập 2m. Gà vịt trôi hết cả. Tôi trèo lên trên cây cao, hơn 1 tiếng đồng hồ sau con đưa thuyền lại cứu. Tôi đã nghĩ 100% chết, không sống nổi. Sống hơn 74 tuổi, tôi mới chứng kiện trận lụt này. Trâu bò lợn gà trôi dạt giờ tìm chưa ra. Gạo ngâm nước hết cả rồi. Vừa rồi UBND xã phát cho 2 thùng mì tôm ăn tạm đã”.
Cơn cuồng nộ của trời đất quất đòn vu hồi chí mạng vào mảnh đất miền Trung, hai trận lũ đã làm 84 người chết và mất tích, tổng thiệt hại ước tính hơn 5000 tỷ đồng...
Tháng 11, miền Trung lại không ngừng lũ lụt, mưa lớn ròng rã kéo từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 14-19.11 tại các tỉnh từ Quảng Trị-Bình Thuận lại làm 63 người chết, mất tích và bị thương, tổng thiệt hại về tài sản tính riêng ở tỉnh Bình Định là hơn 500 tỷ đồng.
Thế là, dải đất "chỉ lũ bão quanh năm tươi tốt, không ai gieo mọc trắng mặt người" năm nay đã phải hứng chịu 2 cơn hạn hán, 4 đợt lũ lụt. Thiệt hại của những cơn thảm họa này được đánh giá, phải mất đến 5 năm miền Trung mới hồi được sức.
"Khúc ruột" miền Trung đau - cả nước đau, hậu quả tàn khốc của đợt lũ lụt đối với miền Trung vừa qua thêm một lần day dứt tâm can người dân cả nước.
|
Diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến thiên tại tại miền Trung nặng nề. |
Đâu là căn nguyên
Phải nói rằng bão lụt, hạn hán ở miền Trung có tính quy luật hàng năm, nhưng xảy ra dồn dập trên quy mô lớn, gây thiệt hại nặng nề thì không thể quy hết cho thiên tai.
Về khách quan, 4 đợt lũ lụt vừa qua do mưa tập trung với cường độ rất cao từ 1.200- 1.900mm gần bằng lượng mưa cả năm, nên lũ xuất hiện nhanh và xiết.
Miền Trung lại có nhiều sông tương đối lớn, chiều dài các sông ngắn và có độ dốc lớn, trong khi đó lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh gây ngập lụt. Những năm gần đây, các cửa sông lại hay bị bồi lấp cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.
Còn về chủ quan, đó là tác động của con người đối với môi trường miền Trung cũng góp phần làm thiên tai thêm trầm trọng. An toàn đối với miền Trung trước hết phải nhờ rừng.
Rừng giữ nước đầu nguồn, rừng chắn gió bão từ biển, giảm bớt thiệt hại. Vậy mà những năm gần đây rừng bị thu hẹp với ba lý do. Một là chúng ta chủ động chuyển mục đích sử dụng rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc; thứ hai là các tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị ven biển, chiếm mất quá nhiều diện tích trồng phi lao ven biển, phá vỡ bức tường thành chặn bão và nước biển một cách tự nhiên.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói: “Lũ lụt vừa qua có nguyên nhân tự nhiên là do biến đổi khí hậu nhưng cũng có nguyên nhân của con người. Đó chính là mất rừng, làm thuỷ điện nhỏ, khâu vận hành của các công trình chúng ta làm chưa tốt, chúng ta chưa tính toán đến dòng chảy của các dòng sông, chưa xây dựng các cửa thủy thông thoát”.
Nguyên nhân đã được chỉ rõ, nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là làm sao để tránh thiệt hại khi bão lũ bất ngờ, để người dân miền Trung có thể sống bình an ở dải đất khắc nghiệt này? Chính phủ đã có các kịch bản phòng, chống lụt bão ở miền Trung – sâu xa hơn là chiến lược "sống chung với lũ" ở ĐBSCL. Đó là phải có nguồn kinh phí đủ sức để cải thiện rất nhiều hạng mục, từ đường sá, cầu cống đến trường học, bệnh xá, kinh phí giúp dân kiên cố hóa nhà cửa.
Việc làm đường đòi hỏi phải kiên cố hoá, các đoạn thấp, trũng phải được nâng cao, hệ thống cống thoát nước phải đủ để thoát lũ khi mưa lớn, hệ thống hồ chứa, kênh mương đảm bảo đủ nước tưới tiêu, sinh hoạt khi nắng hạn... Song rõ ràng việc khắc phục không phải một sớm một chiều, cần có sự nghiên cứu kỹ càng.
Về cấp thiết hiện nay để đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu phải là xây dựng đề án sản xuất phù hợp: Mùa vụ phù hợp với từng nhóm vùng có cùng đặc điểm địa lý, có phương án chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đảm bảo thu hoạch xong trước lũ, chịu được hạn; chính quyền cấp cơ sở chủ động chuẩn bị xuồng, thuyền máy, dự trữ lương thực sẵn sàng ứng cứu, phòng khi lũ xảy ra; cải tạo hệ thống kênh mương hồ chứa để trữ nước chống hạn vừa đảm bảo chống lũ...
Kinh nghiệm sống chung với lũ
Có khá nhiều kinh nghiệm “sống chung với lũ” như ở xã rốn lũ Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) 10 năm qua không để xảy ra trường hợp chết người do lũ. Kinh nghiệm của Phương Mỹ là nâng cao nhận thức cho người dân, hướng dẫn người dân làm bè bằng cách ghép các phuy nhựa vào nhau rồi đặt tài sản, vật dụng lên trên, neo chặt bè khi lũ về; khi hết lũ thì dùng các phuy trong sinh hoạt hàng ngày và chuẩn bị cho mùa lũ năm sau.
Tại huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) thì mô hình chống lũ, chống nóng là duy trì phong trào trồng tre quanh xóm để hạn chế dòng chảy của nước lũ... kinh nghiệm hay của một số địa phương khác còn là mỗi nhà dự trữ vài can nhựa nước sạch loại 20 lít và buộc các can với nhau bằng dây thừng; dùng dây cao su buộc chặt nilon lên miệng giếng trước lũ để có nước sạch dùng sau lũ; làm nhà cao, kiên cố hoặc chòi vượt lũ.
Sau hạn hán là lũ lụt, người dân đã vượt qua bao nhọc nhằn vất vả để ổn định cuộc sống. Vẫn còn đó bao nhiêu nỗi lo canh cánh bên lòng: sách vở cho con đến trường, giống cây cho vụ mùa tới, thuốc men để phòng dịch bệnh... Dư âm của thiên tai chắc hẳn không dễ dàng để người dân miền Trung vượt qua, nhưng bằng sự giúp đỡ, quan tâm kịp thời của Đảng, Chính phủ, những tấm lòng nhân ái của người dân cả nước đang hướng về và trên hết là tinh thần vượt khó của người miền Trung, tin rằng tất cả khó khăn rồi sẽ nhanh qua./.
. Theo VOV |