|
ABloong Lệ và ABrôr Vẻ như những "bóng cây kơ nia của làng |
A Bloong Lệ và A Brôr Vẻ vừa biết thổi nhạc khí bằng tre, nứa lại rất giỏi làm các nhạc cụ dân tộc. Dân làng Đăk Răng đã quen với tiếng đàn, tiếng sáo đánh thức của các già vào mỗi sáng. Ngày nào không nghe các già chơi nhạc lại thấy thiếu vắng.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum lại rộn ràng, vang vọng tiếng cồng, chiêng. Những ché rượu cần thơm ngát, những vòng xoan rộn rã hòa quyện trong tiếng cồng, tiếng chiêng ngân lên khắp chốn đại ngàn. Đây là lúc người dân làm lễ cúng mừng lúa mới để tạ ơn trời đất đã cho một vụ mùa tươi tốt, bội thu…
Chế tác 12 nhạc cụ bằng tre, nứa
Nằm sát khu vực biên giới xa xôi, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) ngay hôm chúng tôi đến lại không có lễ mừng lúa mới. Tiếng cồng, chiêng im bặt. Chỉ có tiếng sáo, tiếng đàn bằng các nhạc cụ dân tộc ngân nga, thanh thót từ nhà nghệ nhân A Bloong Lệ.
Thật may mắn, chúng tôi gặp được cùng lúc cả 2 nghệ nhân được phong tặng “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” A Bloong Lệ và A Brôr Vẻ khi họ đang chơi các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Triêng. Tiếng đàn, tiếng sáo ngân nga, trong như tiếng suối làm say mê lòng người được 2 nghệ nhân trình diễn bằng những nhạc cụ do tự tay mình chế tạo. Cây tre, cây nứa trên rừng, qua bàn tay gọt giũa của các nghệ nhân, có thể làm được đến 12 loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Triêng như: Ta Lê, Pa Chanh, Cha Kit, Din Goror, Bin, Ta Lil, Dêl Do, Pil Pôi… Với những nhạc cụ mộc mạc này, người chơi dùng đôi tay, đôi môi và lưỡi… thì có thể phát ra những âm thanh lúc trầm, bổng, lúc khoai thai, có lúc nhộn nhịp ngẫu hứng như thúc giục lòng người.. A Bloong Lệ cho biết nhạc cụ Dlâl được sử dụng phổ biến nhất. Nó vừa dễ làm lại dễ sử dụng. Chỉ cần chặt một ống nứa và khoét một cái lỗ nhỏ ở giữa là xong. Nhạc cụ này thổi lúc nào cũng được. Những lúc ở trong rừng già, nhớ làng, nhớ vợ con thì thổi nhạc cụ này rất hay.
Khó sử dựng nhất là nhạc cụ Din Goror (lóng nứa dài gần 1m, khoét 1 lỗ nhỏ ở giữa, bịt kín một đầu). Nhạc cụ này thường thổi ở nhà rông để phục vụ nhu cầu giải trí của dân làng. Din Goror khó sử dụng vì phải điều khiển âm điệu bằng lưỡi. Trong làng chỉ có A Brôl Vẻ là chơi được nhạc cụ này. Đối với nhạc cụ Ta Lên (ống nứa dài khoảng 50cm, khoét 3 lỗ nhỏ và để trống 2 đầu), chỉ được diễn tấu vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch - khi cây lúa, cây ngô trên rẫy đã mọc lên xanh tốt. “Mỗi loại nhạc cụ được sử dụng trong một thời điểm, một lễ hội truyền thống nhất định. Nếu ai sử dụng nhạc cụ Ta Lên trong lúc dân làng vừa gieo trồng thì sẽ làm cho mùa màng bị thất thu và sẽ bị làng phạt heo, trâu, bò theo luật tục của người bản địa”, A Bloong Lệ nói.
Đánh thức dân làng mỗi sáng
Nhiều năm nay, mỗi khi ông mặt trời sắp nhô lên khỏi các dãy núi trùng điệp phía đằng Đông cũng là lúc tiếng đàn, tiếng sáo du dương của 2 nghệ nhân lại ngân lên. Những âm thanh ấy như được thay cho tiếng gà gáy đánh thức dân làng Đăk Răng để bắt đầu một ngày mới.
Già A Brôr Vẻ tâm sự: “Mình rất mê nhạc cụ truyền thống. Ngày nào mình cũng thức dậy từ 4 giờ sáng để thổi sáo, đánh đàn…”. Thời gian này, tiếng đàn, tiếng sáo thánh thót vang đi khắp núi rừng. Hôm nào không đụng đến các nhạc cụ thì A Brôr Vẻ lại “thấy khó chịu”. Già mang nhạc cụ lên rẫy để lúc nghỉ ngơi thì đem ra chơi cho quên đi mệt nhọc.
Bí thư chi bộ làng Đăk Răng - Brôl Duck Nghĩ hồ hởi nhận xét về các nghệ nhân: “Rất may là làng Đăk Răng còn được 2 nghệ nhân. A Bloong Lệ và A Brôr Vẻ rất sành các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, vừa biết thổi nhạc khí bằng tre, nứa lại rất giỏi làm các nhạc cụ. Dân làng Đăk Răng đã quen với tiếng đàn, tiếng sáo đánh thức của các già vào mỗi sáng. Ngày nào không nghe các già chơi nhạc lại thấy thiếu vắng…”.
Làng Đăk Răng có 71 hộ dân với 346 nhân khẩu. Trong đó, người dân tộc Triêng chiếm 97%, còn lại là người dân tộc Giẻ. Để chế tác nhạc cụ cũng như chơi thành thạo các nhạc cụ truyền thống thì chỉ còn được 2 nghệ nhân. Trước thực trạng văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một, năm 2001, nghệ nhân A Bloong Lệ và A Brôl Vẻ đã đứng ra chỉ dạy cho 25 học viên là con cháu của làng về cách chế tác và diễn tấu từng loại nhạc cụ, cách đánh cồng, chiêng… Mới đây, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Cao Đạt cũng đã phối hợp với các nghệ nhân mở một lớp đào tạo chế tác và sử dụng 3 loại nhạc cụ bằng tre, nứa cho 15 học viên trong làng.
“Mình sẽ cố gắng truyền dạy cho lớp trẻ càng nhiều càng tốt, để chúng hiểu hơn về dân tộc mình. Bây giờ mà không truyền dạy cho thế hệ trẻ, khi mình và già A Blong Lệ đi về với ông bà tổ tiên thì không còn ai chỉ dạy nữa, văn hóa truyền thống của dân tộc mình sẽ mất dần” – già A Brôr Vẻ tâm sự.
Rồi đây, thế hệ con cháu mai sau sẽ nhớ mãi các già như những “bóng cây Kơ Nia” của làng. Nơi núi rừng biên giới xa xôi sẽ còn mãi vang vọng tiếng đàn, tiếng sáo vào mỗi sớm.
. Theo BAODATVIET.VN
|