Việc tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào dọc dãy Trường Sơn là công trình thể hiện ý chí, nguyện vọng, sự nhất trí cao của lãnh đạo cùng nhân dân hai nước nói chung và hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói riêng. Và để hoàn thành nhiệm vụ, những người chiến sĩ biên phòng cùng các “cộng sự” đã vượt lên bao hiểm nguy...
|
Cái bắt tay thắm tình hữu nghị trên cột mốc 717 giữa lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông.
|
Đối mặt gian nguy
Sau khi nhận lệnh và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Quảng Nam, ngày 9.3.2009, Đội cắm mốc của tỉnh do Trung tá Nguyễn Minh Chánh (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) - Đội trưởng Đội cắm mốc cùng nhiều thành viên các đơn vị phối hợp của tỉnh và Trung ương nhận quân tư trang lên đường làm nhiệm vụ. Như kế hoạch đã định, địa điểm khảo sát, xây dựng tăng dày tại các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring, La Dêê, La Êê của huyện Nam Giang. Trung tá Nguyễn Minh Chánh bộc bạch: “Tôi cùng đồng đội nhớ như in từng vùng đất, con suối, dốc núi, vách đá dựng đứng… mà đồng bào dân tộc đã đặt tên từ xa xưa trong khu rừng nguyên sinh. Để đến được cột mốc, phải đi bộ cả tuần, cắt rừng, vượt núi… Lúc nào cũng phải “để ý” đến lũ vắt nằm dưới lớp lá khô dày cả 10 phân chỉ đợi nghe hơi người là bùng dậy. Đến bữa, anh em phải ăn cơm bốc, ngồi xỏm trên mõm đá để tránh vắt… Riết rồi cũng quen”.
Trên chiều dài 142km đường biên giới chung Quảng Nam - Sê Kông, cột mốc 719 là cột mốc cao nhất với độ cao 1.800m so với mực nước biển. Tháng 4.2009, Đội Liên hiệp cắm mốc Quảng Nam - Sê Kông cùng lên khảo sát xây dựng cột mốc. Điểm mốc 719 nằm giữa khu rừng nguyên sinh ẩm ướt. Đường đi đầy đá bám rêu xanh trơn trượt. Do đường trơn Võ Khắc Chính (cán bộ Đội cắm mốc Quảng Nam) bị trượt chân ngã xuống vực, rất may rơi được khoảng 10m thì Chính bám được vào cành cây. Phía dưới là vực sâu hun hút chỉ vọng nghe tiếng nước ì ầm chảy. Khi từ điểm mốc 719 hành quân về lán trại, đến lượt Trung úy Đoo Khăm - cán bộ kỹ thuật Đội cắm mốc tỉnh Sê Kông trượt chân ngã lăn gần 20m xuống lùm cây trên vách đá. Đoo Khăm phải thả ba lô xuống vực để mọi người quăng dây thừng xuống kéo lên.
|
Định vị tọa độ điểm mốc 719.
|
Để vào được địa điểm khảo sát và xây dựng cột mốc, Đội cắm mốc phải đi bộ cả tuần lễ. Do thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa rừng bất chợt, có khi kế hoạch thực hiện công việc chừng 10 - 15 ngày nhưng lại kéo dài cả tháng. Đêm, các anh chỉ chợp mắt chừng một giờ đồng hồ vì nhiệt độ xuống chỉ còn 8 độ C, chẳng có thứ chăn màn nào giữ ấm nổi. Để khảo sát, xây dựng một cột mốc, các anh phải thường xuyên đối mặt với sốt rét, bệnh tật… Do suốt ngày lội rừng, thiếu tiếp xúc ánh mặt trời nên da ai cũng vàng vọt, bủng beo.
Cho tình đoàn kết “mãi mãi xanh tươi”
Trung tá Nguyễn Minh Chánh đùa với chúng tôi, nếu không làm tốt công tác trực bảo vệ theo quy định thì hôm nay cả đội đã “tiêu” rồi. Đó là một đêm tháng 5.2009, tại điểm mốc 716; đêm ấy Trung úy Nguyễn Văn Chiến - cán bộ thông tin nhận nhiệm vụ trực bảo vệ. Lúc nửa đêm, Chiến nghe âm thanh lạ và âm thanh ấy mỗi lúc càng gần. Khi Chiến dùng đèn soi thì phát hiện lũ quét chỉ còn cách nơi cả đội đóng quân hơn 100m. Sau khi Chiến báo động, cả đội chỉ kịp thoát thân, tất cả đồ dùng sinh hoạt, lán trại đã bị lũ cuốn trôi. Suốt đêm hôm đó, cả đội phải ngồi ôm nhau để sưởi ấm cho nhau.
Một lần khác, vào tháng 9.2009, từ Cửa khẩu Nam Giang, cả đội hành quân sang Tây Giang để khảo sát xây dựng cột mốc. Để đến điểm khảo sát, các anh phải vượt ngầm Abanh (xã Tr'Hy). Lúc này vào thời điểm ngay sau cơn bão số 9 nên nước lũ dâng cao. Nếu vượt ngầm thì nguy hiểm đến tính mạng, tháo lui thì không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cuối cùng, nhiệm vụ cao quý mà Đảng và nhân dân giao phó đã chiến thắng nỗi sợ, cả đội quyết định dùng dây thừng để vượt ngầm. Rất may là mọi người đều đến điểm khảo sát an toàn.
|
Đội Liên hiệp cắm mốc Quảng Nam - Sê Kông tại điểm mốc 649.
|
Để hoàn thành nhiệm vụ, những chiến sĩ làm công tác cắm mốc luôn sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Nhiều đồng chí phải gác lại chuyện gia đình như Trung úy Huỳnh Việt Dương - cán bộ thông tin, anh phải bám theo đội dù đứa con mới 4 tháng tuổi bị sốt xuất huyết. Hay như Đoàn Hữu Hoạt - cán bộ Viện Biên giới (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mẹ già ở quê (tỉnh Nam Định) bị tai nạn nhưng cũng phải cùng đồng đội hoàn thành tốt công việc.
Niềm vui lại đến sau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên vai người lính biên phòng và cộng sự. Ngày 16.12.2009, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông long trọng tổ chức Lễ khánh thành cột mốc biên giới 717. Nhân dân dọc tuyến biên giới trong trang phục quần áo truyền thống, ai nấy vui cười như đi trẩy hội đâm trâu mừng lúa mới. Quốc kỳ hai nước Việt Nam và Lào tung bay bên cột mốc 717, lãnh đạo hai tỉnh bắt tay nhau chúc “tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Ngay trong những ngày đầu xuân các anh lại lên đường làm nhiệm vụ. Giữa núi non trùng điệp, mỗi chiến sĩ như một đóa lan rừng tỏa sắc của mùa xuân biên cương.
“Biên giới Quảng Nam có địa hình hiểm trở nhất cả nước; tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó trong việc triển khai tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới. Trong tổng số 60 cột mốc phải thực hiện, trong đó có cột mốc đại 717 đã hoàn thành, Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh quyết hoàn thành và bảo đảm chính xác - hiện đại - an toàn - bền vững”. (Đại tá Lê Thanh Tùng - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam, Phó ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh). |
. Theo Báo Quảng Nam |