Kỷ niệm 65 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945-2010):
Ba Tơ xanh và đỏ
16:18', 11/3/ 2010 (GMT+7)

Chiều ngày 10.3.2010, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội du kích Ba Tơ nhân kỷ niệm 65 năm Khởi nghĩa Ba Tơ và ngày thành lập đội du kích.

Có lẽ đây là đơn vị lực lượng vũ trang "kỳ lạ" nhất của Quân đội Nhân dân VN: Ra đời sớm nhất ở miền Trung nhưng đón nhận vinh quang muộn nhất sau 65 năm chờ đợi! Nhưng Ba Tơ không lấy đó làm buồn, vì chính đội quân du kích cùng cuộc khởi nghĩa vang dội ấy đã thành "bệ phóng" để biến mảnh đất Ba Tơ từ nhà ngục của thực dân Pháp thành một huyện trù phú bậc nhất trong các huyện miền núi hiện nay.

Vườn ươm keo lai mọc lên ở Ba Tơ.

 

Trong ký ức của một "ông đỏ"

Trong số ba thủ lĩnh đầu tiên trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 11.3.1945 là Phạm Kiệt, Nguyễn Khoách và Nguyễn Đôn, hiện nay chỉ còn một người. Đó là Trung tướng Nguyễn Đôn, đang sống tại Đà Nẵng. Tướng Đôn năm nay đã sang tuổi 93, bước chân ông có vẻ yếu đi so với vài năm trước nhưng trí óc của người du kích già thì vẫn còn khá tường minh.

Nếu như Phạm Kiệt nổi danh với việc chủ trương “kéo pháo ra” cùng với tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên, Nguyễn Khoách được nhiều người biết đến với tư cách là một trong hai “ông tướng” (cùng với Võ Bẩm) được Bác Hồ trực tiếp giao việc mở đường 559 thì tướng Đôn không đình đám với những chiến công vang dội trong đời binh nghiệp nhưng tên tuổi của ông luôn gắn với cuộc khởi nghĩa lừng danh Ba Tơ.

Cùng với Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn đã trực tiếp vào đồn Tây ở Ba Tơ để thuyết phục đám lính khố xanh cùng tên quan tư Pháp hạ vũ khí, giao đồn cho cách mạng ngay sau khi Nhật vừa đảo chính Pháp đêm 9.3.1945.

Cũng chính Nguyễn Đôn là một trong ba vị thủ lĩnh của đội du kích thuyết phục với các nhà lãnh đạo Tỉnh ủy bấy giờ nên đưa ngay đội du kích về đồng bằng, phát triển nhanh lực lượng vũ trang để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, đưa Quảng Ngãi trở thành địa phương đầu tiên ở miền Trung giành chính quyền sớm nhất từ tay phátxít Nhật.

Không có một nhãn quan chiến lược quân sự, nếu để đội du kích với vài mươi tay súng tiếp tục bám với vùng rừng Ba Tơ thì khó có thể tiến hành giành chính quyền một cách chóng vánh như thế. Cũng như nếu không có sự nhạy cảm của một nhà chính trị từng trải thì sẽ rất khó khăn để lấy được đồn Ba Tơ từ tay quân Pháp một cách nhanh gọn và thành lập được chính quyền cách mạng đầu tiên ở vùng rừng heo hút này.

Tướng Đôn nhớ lại: “Hội nghị Trung ương 8 chủ trương “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhưng không phải nơi nào cũng quán triệt được. Ngay trong đêm mùng 9.3.1945, tin Nhật hất cẳng Pháp đã được một cơ sở của ta chạy bộ từ sông Vệ lên Ba Tơ suốt một ngày sau đó báo lại.

Chúng tôi phải hành động ngay việc chiếm đồn Ba Tơ và thành lập đội du kích, vì nếu để qua ngày 12.3, Nhật sẽ đưa quân lên Ba Tơ thì cái giá phải trả để cuộc khởi nghĩa thắng lợi sẽ đắt hơn nhiều”.

Ba Tơ từng là nơi rừng thiêng nước độc. Thực dân Pháp đã lập “căng an trí” nơi đây để giam lỏng những người cộng sản, mượn khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng này để tiêu diệt ý chí đấu tranh của những “ông đỏ” sau khi đã mãn hạn tù từ các nhà lao khét tiếng trong nước. Nhưng dã tâm đó của thực dân Pháp đã vô tình “kết nối” ý chí của những người cộng sản ngay tại chốn rừng thiêng này.

Nguyễn Đôn là một trong những thành viên của “căng an trí”, đã biến nhà tù đế quốc thành “tử huyệt” cho chính những người sinh ra nó. Nếu không có cuộc “hội ngộ” tình cờ mà như định mệnh ấy của những người tù chính trị thì sẽ không có đội quân du kích. Chính đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang Khu 5 này đã góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa mùa thu năm 1945 và cuộc trường chinh 9 năm sau đó.

 

Trung tướng Nguyễn Đôn tại nhà riêng ở Đà Nẵng.

 

Huyện xanh

Sẽ không mang thật nhiều ý nghĩa nếu như Ba Tơ tự gặm nhấm vinh quang của quá khứ mà để cho mảnh đất cách mạng ấy chìm trong bần hàn. Ba Tơ không chỉ là “huyện đỏ” hào hùng của một thời trận mạc mà còn là “huyện xanh” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này ngày hôm nay. Cái màu xanh ngút mắt của núi rừng, sự ấm áp đủ đầy trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào Hrê đã nói lên rằng, Ba Tơ đã biết tựa vào quá khứ để làm bệ phóng cho hôm nay.

Vì vậy, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới không chỉ là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của hơn năm vạn dân Hrê ở Ba Tơ mà còn là sự tưởng thưởng cho tất cả những ai không muốn lấy hào quang của quá khứ để làm trang sức cho mình, trong khi đại đa số người dân thì vẫn đói kém.

Theo quốc lộ 24 đi Kon Tum, chỉ qua đèo Đá Chát một quãng, đập vào mắt du khách là một màu xanh ngút mắt của rừng. Hiếm có huyện vùng cao nào mà màu xanh của rừng trồng lại trùm lên cả dọc dài hàng trăm cây số như Ba Tơ. Nếu như trước đây, rừng đã chở che cho đội quân du kích non trẻ để làm nên chiến thắng thì hôm nay, những cánh rừng đã nuôi sống một cách đủ đầy cho chính những người dân đã từng thấm thía nỗi cơ hàn sau mấy chục năm giải phóng.

Ông Trần Ngọc Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ nói rằng, điệp khúc “cây gì, con gì” sẽ trở nên vô nghĩa nếu như cây ấy, con ấy chỉ dừng lại trong các bản báo cáo nhạt nhẽo. Ba Tơ đã từng trả giá cho “điệp khúc” ấy khi người ta muốn biến vùng đất này thành “thủ phủ” của cây càphê và cacao. Hàng trăm hécta càphê và cacao được trồng nơi vùng rừng xã Ba Vì giờ trở thành chuyện tiếu lâm trong các bàn trà mỗi sáng.

Người dân từng đói quay đói quắt ngay trên mảnh đất của mình, đành bất lực nhìn vào những loại cây trồng xa lạ kia. Và chính họ chứ không ai khác, đã cứu đời mình bằng những loại cây mang lại cơm áo hàng ngày. Đó là cây keo lai.

Cả tỉnh Quảng Ngãi trồng keo lai nhưng chỉ có Ba Tơ là mang lại hiệu quả hơn cả. Trong 39 ngàn hécta mà đồng bào Hrê được cấp sổ đỏ thì đã có 36 ngàn hécta được phủ keo lai. Bình quân mỗi hécta keo lai cho 200 tấn, giá 750 ngàn/tấn thì số tiền mà loại cây này mang lại sẽ “phủ xanh” cả huyện Ba Tơ! Đây không phải là phép tính trên giấy mà suốt 10 năm qua, kể từ khi cây keo lai có mặt tại Ba Tơ, hàng trăm ngôi nhà khang trang đã dần thay cho những ngôi nhà sàn ọp ẹp của người Hrê.

Dĩ nhiên, trồng rừng chỉ là một mảng để Ba Tơ rũ chiếc áo đói nghèo của mình. Đồng bào Hrê lâu nay vẫn xem con trâu chỉ là vật tế thần trong những ngày đại lễ của dân tộc họ. Thế nhưng, hai vạn con trâu ở Ba Tơ hiện nay đã thành hai vạn “cỗ máy” đẻ ra tiền. Từ chỗ chỉ để cúng tế, giờ trâu đã thành hàng hóa, đó là một bước tiến dài trong nhận thức của đồng bào.

Cũng như việc làm lúa nước ở đây cũng thế. Núi đồi dành cho cây keo, người dân không còn xem lúa rẫy như cứu cánh nữa mà họ đã “hạ sơn” để canh tác cây lúa nước. Họ đã biết bón phân, làm cỏ như người Kinh chứ không còn phó thác cho Giàng nữa. Sự thay đổi về nhận thức đã góp phần rất lớn mang lại những đổi thay căn bản trong cuộc sống của đồng bào Hrê ở Ba Tơ.

Từ “đỏ” sang “xanh” là bước đi dài đến 65 năm. Trong cuộc trường chinh để rũ bỏ ngục tù và nghèo đói ấy luôn thấp thoáng bóng dáng của những người du kích như Trung tướng Nguyễn Đôn.

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên dãy Trường Sơn  (03/03/2010)
Dung Quất - Thành phố công nghiệp tương lai  (18/02/2010)
Tây Nguyên vượt qua vùng trũng  (08/02/2010)
Tổ quốc nơi biển xanh  (05/02/2010)
45 triệu USD cải thiện môi trường 6 tỉnh miền Trung   (03/02/2010)
Kơ nia bóng ngả che làng  (02/02/2010)
Miền Trung những ngày chạm Tết  (01/02/2010)
Cát Tiên - Tiếng gọi nơi hoang dã  (31/01/2010)
Hoàn thành quần thể di tích đội Hoàng Sa, Trường Sa   (27/01/2010)
Festival Huế 2010: Mới lạ và ấn tượng   (27/01/2010)
Nhiều ý tưởng từ cuộc trưng bày hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa  (24/01/2010)
Kon Tum: Gần 1.900 tỷ đồng xây dựng nhà máy giấy  (18/01/2010)
90.000 hộ dân ở Tây Nguyên có điện đón Tết  (17/01/2010)
Gặp “ông Hoàng Sa” ở đảo Lý Sơn  (11/01/2010)
Kinh tế Miền Trung năm 2009- Ngoạn mục vượt “bão khủng hoảng”   (30/12/2009)