Có hay không một vùng sử thi Tây Nguyên?
16:37', 14/3/ 2010 (GMT+7)

Để trả lời câu hỏi này, Đất Việt xin giới thiệu bài viết của Nhà nghiên cứu dân gian Phạm Cao Đạt, người đã trực tiếp tham gia Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên.

 

Kon Tum đã đóng góp vào kho tàng chung của sử thi Tây Nguyên với hai hệ thống Sử thi liên hoàn gồm gần 300 tác phẩm độc lập.

 

Nhiều người vẫn nghĩ, sử thi Tây Nguyên đã được khám phá xong, trong đó, có hai trường ca nổi tiếng là Đam San Xing Nhã. Thế nhưng, những điều tra gần đây lại cho thấy, sử thi còn rất nhiều.

Câu hỏi này được nêu ra từ năm 1997 tại Buôn Ma Thuột, trong Lễ kỷ niệm 70 năm ngày học giả người Pháp Sabatier công bố Sử thi Đam San, sử thi đầu tiên phát hiện ở Tây Nguyên. Những người quan tâm đến sử thi đều có nguyện vọng chung là làm sao để trả lời có hay không một “Vùng Sử thi  Tây Nguyên?”

Lúc này ở vùng dân tộc M’Nông, ranh giới giữa Đắc Nông và Bình Phước ngày nay, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu văn hóa (thuộc viện KHXH Việt Nam) đã phát hiện và sưu tầm được số lượng lớn tác phẩm sử thi, thể loại này, tiếng M’Nông gọi là Otdrong. Sau một thời gian được các nhà chuyên môn xây dựng và cơ quan hữu trách đề nghị, Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên, đã được Chính phủ giao cho Viện KHXH Việt Nam thực hiện.

Những khám phá bất ngờ

Khi họp chung để triển khai dự án này, tôi rất bức xúc khi nghe một nhận định rằng, sử thi chỉ có ở nam Tây Nguyên. Nếu vậy, Kon Tum là cửa ngõ phía bắc của Tây Nguyên sẽ không có sử thi? Và tôi đã phát biểu rằng, có hay không thì phải điều tra mới biết được. Kết quả của điều tra, có hay không đều giá trị như nhau và yêu cầu Ban điều hành đưa Kon Tum vào kế hoạch điều tra. Yêu cầu được chấp nhận, tôi được tham gia vào công việc này dưới sự phụ trách của PGS TS Võ Quang Trọng (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, hiện ông là Giám đốc Bảo tàng dân tộc Việt Nam).

Điều bất ngờ là chỉ một thời gian ngắn, sử thi đầu tiên ở Kon Tum đã được phát hiện và khẳng định. Đó là sử thi của dân tộc Xơ Đăng Sơ Drá, nghệ nhân hát kể là cụ A Ar (vào năm 2001 cụ hơn 70 tuổi). Địa bàn phát hiện là làng Kongu 1, xã Ngọc Wang, huyện Đắc Hà. Bất ngờ tiếp theo là một Sử thi liên hoàn đã được nhận diện, một hệ thống những tác phẩm độc lập xoay quanh nhân vật trung tâm - người anh hùng. Lâu nay ta vẫn quen gọi sử thi là Anh hùng ca có thể xuất phát từ đây. Sử thi liên hoàn được các nhà khoa học tìm thấy ở Otdrong, dân tộc M’Nông. Người anh hùng trong sử thi Xơ Đăng là Duông.

Mở rộng diện điều tra sang vùng lân cận, nơi cư trú của dân tộc Bahnar R’ngao, một hệ thống Sử thi liên hoàn khác cũng được xác định với nhân vật trung tâm là Đăm Giông. Như vậy, các dân tộc Xơ Đăng và Bahnar ở Kon Tum đã có sử thi, bắc Tây Nguyên cũng có sử thi mà lại là sử thi độc đáo (liên hoàn) chứ không phải như nhận định ban đầu.

Chúng tôi khẩn trương vừa sưu tầm (ghi âm) những gì đã xác định, vừa mở rộng tiếp diện điều tra ra toàn tỉnh Kon Tum với các nhánh khác của dân tộc Xơ Đăng và các dân tộc Bahnar, Giẻ-Triêng, B’râu, Rơ Mâm, Giarai... Thời gian cho công việc này được dự án xếp vào Tiểu dự án 1, từ 2001-2004. Sau gần 4 năm triển khai, vùng sử thi Kon Tum được xác định: Chỉ có các dân tộc Xơ Đăng Sơ Drá và Bahnar, gồm các nhóm Rơ ngao, Di lâng. Địa bàn có sử thi là các huyện Đắc Hà, Kon Rẫy và TP.Kon Tum. Còn lại, hoặc là không có, hoặc chỉ là những dấu vết, mảnh vụn... Riêng với dân tộc Giarai Aráp hầu như không có nghệ nhân biết hát kể (Hơ ri).

Cần có quyết tâm cao hơn

Kon Tum đã đóng góp vào kho tàng chung của sử thi Tây Nguyên với hai hệ thống Sử thi liên hoàn gồm gần 300 tác phẩm độc lập đã ghi âm được, trong đó nhiều tác phẩm đã được biên dịch, biên tập, xuất bản theo kế hoạch của Viện KHXH. Năm 2006 và 2009, hội Văn nghệ dân gian Việt nam đã tôn vinh 6 trong 10 nghệ nhân của Kon Tum (lĩnh vực hát kể Sử thi - Hơ amon) danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Rất tiếc, hai trong 6 cụ (nghệ nhân A Đen và A Lứi, dân tộc Bahnar) đã qua đời, mang theo nhiều tác phẩm sử thi mà chúng tôi chưa kịp ghi âm. 

Cái khó nhất của sử thi Kon Tum hiện nay là dịch thô, công đoạn gỡ băng, từ tiếng ra văn bản bằng chữ dân tộc và dịch từ đối từ. Người có năng lực làm việc này rất hiếm. Khó khăn khác nữa là dự án của Chính phủ đã khép lại, không còn kinh phí để tiếp tục sưu tầm, trong khi các nghệ nhân tuổi ngày càng cao, sức khỏe yếu dần.

Tây Nguyên đã có Không gian văn hóa cồng chiêng là Di sản văn hóa của nhân loại, những nét văn hóa nổi trội khác như Đàn đá, Nhà Rông và đặc biệt là Sử thi... chúng tôi nghĩ, rất xứng đáng được quan tâm, ứng xử đúng mức.

. Theo BAODATVIET.VN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ba Tơ xanh và đỏ  (11/03/2010)
Trên dãy Trường Sơn  (03/03/2010)
Dung Quất - Thành phố công nghiệp tương lai  (18/02/2010)
Tây Nguyên vượt qua vùng trũng  (08/02/2010)
Tổ quốc nơi biển xanh  (05/02/2010)
45 triệu USD cải thiện môi trường 6 tỉnh miền Trung   (03/02/2010)
Kơ nia bóng ngả che làng  (02/02/2010)
Miền Trung những ngày chạm Tết  (01/02/2010)
Cát Tiên - Tiếng gọi nơi hoang dã  (31/01/2010)
Hoàn thành quần thể di tích đội Hoàng Sa, Trường Sa   (27/01/2010)
Festival Huế 2010: Mới lạ và ấn tượng   (27/01/2010)
Nhiều ý tưởng từ cuộc trưng bày hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa  (24/01/2010)
Kon Tum: Gần 1.900 tỷ đồng xây dựng nhà máy giấy  (18/01/2010)
90.000 hộ dân ở Tây Nguyên có điện đón Tết  (17/01/2010)
Gặp “ông Hoàng Sa” ở đảo Lý Sơn  (11/01/2010)