Nắng nóng miền Trung: Lúa cháy, người khô
15:8', 19/4/ 2010 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài khiến bệnh nhi nhập viện ở Quảng Nam tăng cao.

Nắng nóng liên tục tại các tỉnh, thành miền Trung, có nơi lên đến 41°C  khiến nhiều con sông tại Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh cạn khô nước. Đặc biệt khi cây lúa bước vào giai đoạn làm đòng thì lòng sông chỉ trơ ra những cồn cát khiến nhiều cánh đồng thiếu nước trầm trọng. Người dân đổ xô ra biển để trốn nắng...

Nguy cơ mất trắng hàng ngàn hécta lúa

Tại Quảng Trị, gần 1.000ha lúa thuộc phường Đông Thanh (Đông Hà), xã Cam Thủy, Cam Thanh, Cam Tuyền, Cam Hiếu (Cam Lộ) phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ các trạm bơm sông Hiếu. Tuy nhiên, khi cây lúa bước vào giai đoạn làm đòng thì sông không có nước để bơm, khiến nhiều đồng ruộng đứng trước nguy cơ bị mất trắng vì hạn hán.

Tại Hà Tĩnh hàng ngàn hécta lúa các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà… đang bị nhiễm mặn bất thường rất nặng. Kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT tỉnh cho thấy từ cuối tháng 3 đến nay độ mặn dao động ở mức 3-4‰ (trong khi độ mặn cho phép là dưới 1,2‰).

Hiện tại cán bộ ngành nông nghiệp cũng như bà con nông dân ở đây rất lo lắng. Bởi nếu sử dụng phương án bơm tưới thay cho cống Trung Lương (cửa ngăn mặn giữ ngọt) mỗi ngày phải tốn 30 triệu đồng tiền điện. Đặc biệt, mặn xâm thực còn ảnh hưởng lớn đến nước tưới cho vụ lúa hè - thu sắp tới.

Hạn hán góp thêm sự khốc liệt đối với nông dân miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi khi đang gồng mình đối phó với sâu bệnh. Trong đó bệnh lùn sọc đen được coi là “bệnh lạ” với diễn biến phức tạp đã phá hại hoàn toàn hàng ngàn hécta lúa.

UBND các tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị đã chính thức công bố dịch và triển khai các phương án đối phó với dịch bệnh lùn sọc đen hoành hành trên địa bàn. Lúa nhiễm bệnh bị cháy rụi rồi lùn xuống thành từng khóm, từng vùng.

Ra biển trốn nắng

Người dân các tỉnh thành miền Trung như nằm trên “chảo lửa”. Ngành điện lực cắt điện sinh hoạt luân phiên khiến nhiều người dân phải bỏ nhà ra biển hoặc đến công viên có nhiều cây xanh… tránh nắng.

Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), buổi sáng từ 5 giờ đến 8 giờ, buổi chiều từ 16 giờ cho đến tối, hàng ngàn người dân Tam Kỳ kéo xuống bãi biển Tam Thanh cách trung tâm thành phố khoảng 10km để “hạ nhiệt” khiến bãi biển luôn ở tình trạng quá tải.

Cách đó chừng vài kilômét, tại bãi Rạng (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) hàng ngày cũng đón hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về tắm biển. Chính vì thế, tỉnh lộ nối TP Tam Kỳ với biển Tam Thanh cũng trở nên chật cứng người và phương tiện. Tại bãi biển Cửa Đại (TP Hội An), hàng ngày có rất đông du khách nước ngoài tràn ra biển tránh nóng.

Tại Đà Nẵng, hàng ngàn người dân và du khách đã chọn các hàng quán dọc sông Hàn, dọc bãi biển hoặc các bãi tắm công cộng như Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T18,… để giải nhiệt. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng bố trí lực lượng cứu hộ biển lên đến 30 người, lực lượng an ninh trật tự lên đến 60 người. Đà Nẵng cũng cấm tuyệt đối nạn hàng rong, đá bóng trên bãi biển gây ảnh hưởng đến du khách.

Hơn 700.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp xâm nhập mặn

Hơn 700.000 người ở Bến Tre đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và bao phủ trên phạm vi toàn tỉnh như hiện nay. Hàng chục ngàn hécta vườn dừa của tỉnh ở Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc… bị nhiễm mặn nặng nề, có biểu hiện tóp đọt, cháy lá, giảm năng suất cho trái.

Đáng lo ngại nhất là nước mặn đã tấn công và gây hại hàng chục ngàn hécta cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Hàng ngàn nhà vườn tại Vương quốc cây giống, hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre) đang chống chọi với đợt hạn mặn gay gắt nhất trong nhiều năm qua.

Chiều 18.4, ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cho biết: “Nước mặn mà tưới cây giống, hoa kiểng là cháy lá, thiệt hại rất lớn. Để đối phó với tình trạng này, người dân phải rất vất vả canh lúc nước kém, độ mặn giảm thì gia cố bờ bao, đắp đập trữ nước ngọt để tưới cây giống”.

Nhiều địa phương khác của huyện Chợ Lách như xã Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Phú Mỹ… ảnh hưởng xâm nhập mặn rất nặng nề, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn. Trong khi đó, ở vùng biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, người dân đổi nước giếng sử dụng với giá 60.000 - 120.000 đồng/m³ nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu. Tại khu vực thị trấn, thị tứ của các huyện, thành phố Bến Tre, người dân phải chịu cảnh dùng nước máy bị nhiễm mặn…

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung: Dân bức xúc vì “tiết kiệm điện” cả ngày!  (18/04/2010)
Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế cùng quảng bá du lịch  (13/04/2010)
Hạn nặng ở Đăk Lăk: Lúa chết, cà phê héo, dân điêu đứng  (11/04/2010)
Trận mưa đá lớn dội xuống thành phố Kon Tum  (06/04/2010)
Tộc họ Phạm Văn tri ân đội hùng binh Hoàng Sa  (04/04/2010)
Tưng bừng lễ hội nghề cá ở Lý Sơn  (01/04/2010)
Vững tin thành phố trẻ  (29/03/2010)
Đà Nẵng: chuẩn bị xong hậu cần lễ hội pháo hoa  (26/03/2010)
Dưa hấu miền Trung - Được mùa mất giá, được giá mất mùa  (22/03/2010)
Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế miền Trung  (21/03/2010)
Khu chứng tích Sơn Mỹ với các nhà báo nước ngoài  (16/03/2010)
Có hay không một vùng sử thi Tây Nguyên?  (14/03/2010)
Ba Tơ xanh và đỏ  (11/03/2010)
Trên dãy Trường Sơn  (03/03/2010)
Dung Quất - Thành phố công nghiệp tương lai  (18/02/2010)