13 thôn đều là cơ sở cách mạng; mỗi nhà dân, khe núi, bờ ao từng là hầm che giấu cộng sản; những chiến sĩ có cái đầu cứng hơn cả đạn địch, được ví như “những hạt gạo trên sàng”. Tất cả đều gắn với cái tên xã Mỹ Tài, thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. 35 năm đi qua nhưng ở đó vẫn hiển hiện những di chứng về sự sống còn, vật lộn với cái chết để sinh tồn. Với “những hạt gạo trên sàng”, “cái mẹo khéo hơn cái may”.
|
Bác Nguyễn Tiệm chỉ về cái chốt cách mạng của ta ngày xưa chỉ cách hầm chôn người của địch vài thước |
Chiến sĩ 32 năm làm hiệu trưởng
“Thân hình nhỏ thó thế này nên từ khi sinh ra và lớn lên tui chỉ có một lựa chọn là học chữ và làm nghề truyền chữ. Những năm 1972, chiến tranh diễn ra ác liệt trên quê hương Mỹ Tài. Lúc đó, vì không đủ sức vác súng nên tui được phân công đào tạo đội ngũ giáo viên. Cái nghề truyền chữ nó gắn liền với tui suốt 32 năm nay: làm hiệu trưởng của một trường, một nhà giáo làng thực thụ”, thầy giáo Lê Văn Đào, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Tài cho biết.
Chúng tôi tìm về vùng đất cách mạng Mỹ Tài trong một ngày chói chang cái nắng đầu mùa. Sau 35 năm giải phóng vậy mà nơi đây địa hình vẫn gồ ghề, nghèo khổ, cát trắng hòa quyện với đất đỏ vùng ven. Trẻ em vẫn còn ngơ ngác, người già ra vẻ dè dặt. Hơn bao giờ hết, ở đấy vẫn hằn in dấu vết của chiến tranh xưa. Mỹ Tài là xã được công nhận xã anh hùng thứ hai (sau xã Mỹ Chánh 15 ngày) của Phù Mỹ, huyện anh hùng đầu tiên của tỉnh Bình Định.
Từ một trường học lác đác vài chục học sinh của những năm 1976, nay con số đã lên đến hàng nghìn. Với 35% học sinh khá giỏi, trường đạt danh hiệu là trường chuẩn Quốc gia cách đây 5 năm… Tất cả đều do một tay chiến sĩ Lê Văn Đào chèo chống.
Thầy Đào tâm sự: “Suốt 32 năm làm một chức Hiệu trưởng tại trường làng, có rất nhiều cơ hội để đi xa, nâng cao khả năng của mình nhưng chưa bao giờ tui thấy chán nơi đây. Vùng đất này với tui là tất cả. Nghĩ đến những ngày dạy học dưới hầm nhà dân, cùng ăn củ ráy thay cơm với đám trẻ vùng quê... chừng ấy cũng đủ lý do để tui bám trụ tại ngôi trường này”.
Là thầy giáo nhưng anh Đào cũng mang đầy vết thương đạn trường. Chiến tranh đã cướp đi hàng trăm đồng chí, hàng vạn đồng bào và hàng chục người thân trước sự chứng kiến của anh nhưng đã “bỏ sót mình” nên người chiến sĩ đó đã lựa chọn con đường “trách nhiệm đồng hành cùng tình yêu trẻ quê”. Sở thích của anh bao năm vẫn không đổi. Đó là ngày đến trường học, tối về hàn huyên với các chiến sĩ cùng thời.
Người mang 24 vết đạn địch trên thân
Chứng kiến cảnh đạn xả đầu rơi và học cách đối phó với địch ngay từ tuổi 14 trên vùng đất có chốt cách mạng; 9 năm (1967-1975) làm lãnh đạo làng, chỉ huy các chiến sĩ đối mặt với ngụy quân; 24 lần địch xả súng vào người mà không chết, ông là thương binh Nguyễn Tiệm, trú tại thôn Vạn Thái, xã Mỹ Tài.
Ông Tiệm chia sẻ: “Lãnh đạo thời chiến không phải như lãnh đạo thời bình đâu. Một ngày chạm địch ít nhất 5 lần, tất cả đều phải lăn xả ra chiến trường, ai cũng đều phải xác định là sẽ đối mặt với cái chết. Chúng tôi sống sót đến bây giờ có thể là do đầu của chúng tôi cứng hơn cả đạn địch đấy!”.
Xuất phát từ động thái cách mạng ở chính gia đình mình, những người bị địch bắt làm nô dịch, thay vì chấp hành, họ đã chọn cái chết thảm trước những đòn tra tấm dã man của ngụy quân. Bốn người anh của ông Tiệm đều đã hy sinh như thế.
Ông Tiệm bồi hồi kể lại: “Khi nhìn cảnh người thân bị rơi đầu mà không có bất cứ một hình thức kháng cự nào, lúc ấy máu cách mạng đã sục sôi trong lòng, cứ có cơ hội là cùng đội du kích lăn xả ra chiến trường chống trả từng giờ với địch. Mà chiến trường đâu xa, là rặng tre này, bờ suối kia và hốc đá trước mặt. 35 năm qua rồi, hiện trên mình vẫn còn 5 mảnh sắt”.
Cùng thời, cùng thôn với ông Tiệm còn có cựu chiến binh Lê Đình Thành năm nay 75 tuổi. Hai ông là hai chiến sĩ mang trên mình vô số chiến tích và không ít tàn tích chiến tranh để lại.
Ông Thành bảo: “Tui và bác Tiệm sinh cùng thời, cùng chăn trâu dưới đồng đầy khói đạn và cùng tham gia kháng chiến kịch liệt tại địa phương này. Cơ hội cho chúng tôi làm to, đi xa nhiều lắm nhưng không ai nỡ, cứ lên đến huyện là chúng tôi xin về. Ngày xưa, đạn trừ chúng tôi ra trên mảnh đất này thì nay có chết chúng tôi cũng sẽ bám trụ lại đây”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, Mỹ Tài có số anh hùng nhiều vô kể, gần 700 liệt sĩ, 49 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 13 thôn đều là cơ sở cách mạng, 100% đất đai, nhà dân đều nuôi giấu cộng sản và có đến 98% dân là du kích.
Sử tích ghi lại cũng như lời kể của những nhân chứng sống trên quê hương Phù Mỹ thì ở quê hương cách mạng Mỹ Tài đã có một vụ thảm sát làm chết 32 đảng viên-những người ở lại quê hương sau lần quân dân miền Nam tập kết ra Bắc. Vụ thảm sát đẫm máu đó xảy ra tại Giếng Lạng, chân núi Đá Mun. 32 Đảng viên bị chôn sống vẫn chưa được làm bia di tích.
Với 43.150 hộ dân thì có đến 15/19 đơn vị được công nhận là xã anh hùng, hàng trăm chiến sĩ là Đảng viên bị thảm sát (đã có bia tưởng niệm), 479 bà mẹ VNAH, trên 6.000 liệt sĩ, 19 Anh hùng LLVT trong kháng chiến, 8.500 người hoạt động kháng chiến làm nghĩa vụ Quốc tế, gần 9.000 người có công giúp đỡ cách mạng; trên 7.000 đối tượng đang hưởng và chi trả chế độ chính sách… Phù Mỹ được công nhận là huyện Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1976. |
.Theo QĐND Online |