Đã 35 năm đất nước hoà bình, phát triển, nhưng những cựu chiến binh từng tham gia nơi chiến trường bom đạn ác liệt Quảng Trị - Thừa Thiên Huế vẫn luôn nhớ về quá khứ oai hùng gắn với các địa danh “thép” như: dòng sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, Động Tranh, Suối Máu, A Lưới…
Đi cùng với đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường Trị - Thiên Huế, chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn chấn, rạo rực trên từng nét mặt và giọng nói của họ. Nhiều năm rồi, họ mới có dịp cùng nhau trở lại nơi chiến trường mà cái chết gần hơn sự sống trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Đặt chân lên mảnh đất Quảng Trị một thời máu lửa, họ bước thật nhẹ và nói rất khẽ.
Cựu chiến binh Lê Đăng Nhân, ở huyện Đông Anh, Hà Nội xúc động kể, ông cùng đồng đội chiến đấu ở Quảng Trị suốt từ tháng 3.1968 đến tháng 8.1972. 81 ngày đêm rực lửa bên dòng sông Thạch Hãn, chống lại cuộc phản kích tái chiếm của Mỹ Ngụy mang tên “Hành quân Lam Sơn 72”, đồng đội của ông ngã xuống, đến mức “đi đến đâu máu cũng ngập bàn chân”.
Ký ức ùa về trong đôi mắt đã nhòe của người thương binh Lê Đăng Nhân: “Trở về Quảng Trị, sống lại quá khứ, nhớ về đồng đội của mình – những người đã hy sinh, thật không cầm được nước mắt. Tôi cũng như nhiều đồng chí đã cống hiến đất nước này nhưng vẫn phải ơn những người nằm xuống, bởi vì những người đó chia lửa chia đạn cho người còn sống. Tuy nhiên vẫn thấy xót thương vô hạn vì còn nhiều anh em đồng đội mình đã ngã xuống nhưng đến giờ này vẫn chưa tìm được phần mộ.”
Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là một trong những trận ác liệt nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972 viết lên bản hùng ca về ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đôi mắt đỏ hoe, bà Nguyễn Thu Hiền nhớ lại: suốt những năm tháng ấy, bà cùng các anh, các chị trong đoàn văn công từng hát động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội giải phóng ở Thành cổ Quảng Trị. Không ít lần buổi sáng còn hát cho các anh nghe, vậy mà đến chiều đã nghe tin cả đại đội ấy không còn một ai. Trở về đây, bà cùng những cựu nữ thanh niên xung phong và cựu chiến binh B4, B5 đến chiến trường máu lửa năm xưa, cùng cất tiếng hát tưởng nhớ những đồng đội đang yên nghỉ nơi đây.
Bà Hiền cho biết: “Ngày ấy chúng tôi chiến đấu ở sông Thạch Hãn, và tham gia cuộc trao trả tù binh năm 1972. Buổi biểu diễn của chúng tôi hôm nay là sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị, ở Huế, nơi rừng đại ngàn của Trường Sơn che chở chúng tôi, đồng bào chia sẻ với chúng tôi. Tri ân với các anh để các anh ấm lòng, dù chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm rồi, chúng tôi vẫn trở về, vẫn hát cho các anh nghe tại thành cổ Quảng Trị”.
Ngày hôm nay, về lại những mảnh đất “thiêng” ấy, trong tâm hồn mỗi người lính B4, B5 năm xưa, ký ức và thực tại đan xen. |
Rời Thành cổ, đoàn cựu chiến binh đến viếng đồng đội hiện đang yên nghỉ tại các nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh và nghĩa trang quốc gia Đường Chín, thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Các liệt sĩ có tên và không tên đang nằm sát bên nhau trên đồi cao, dưới bóng rừng thông xanh bạt ngàn.
Tại nghĩa trang Đường Chín, hiện có hơn 1 vạn phần mộ liệt sĩ thuộc tất cả các sư đoàn, binh chủng, trong đó có khoảng 6.000 mộ liệt sĩ vô danh. Còn tại nghĩa trang Trường Sơn, cũng có hơn 1 vạn mộ chí của các liệt sĩ thuộc đoàn 559, bộ đội Trường Sơn. Thắp nén nhang, cúi đầu tưởng niệm đồng đội, cựu chiến binh Đinh Quang Tiến hồi tưởng những năm tháng cùng chiến hữu “súng bên súng, đầu sát bên đầu” trên chính mảnh đất này. Ông cho biết: “Tôi đã đi qua rất nhiều nghĩa trang. Mỗi lần như vậy tôi lại hồi tưởng những ngày chiến đấu ác liệt năm xưa, đồng đội cùng sống chết có nhau. Chúng tôi tự hào đã cùng nhau đóng góp xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà”.
Hành trình vào huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, những người lính từng chiến đấu tại căn cứ địa A Lưới năm xưa không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay của mảnh đất này. Đây từng là một trong những trọng điểm đánh bom của Mỹ Ngụy, đồng nghĩa với việc đất và người nơi đây gánh không biết bao nhiêu vết thương và chất độc hóa học. Cựu chiến binh Nguyễn Đoàn Tình tâm sự: khi rời A Lưới năm 1972, nơi đây còn là một vùng đổ nát, ngổn ngang, không còn màu xanh. Nhưng hôm nay đã có biết bao sự thay đổi nơi miền cao A Lưới. Ông tâm sự: “Sau bao nhiêu năm mới gặp lại, thấy đồng bào hôm nay đã có cuộc sống đầy đủ no ấm, nhớ lại năm xưa đồng bào nuôi chúng tôi từ củ sắn, củ khoai cho đến bắp ngô, tôi rất cảm động”.
Các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mang họ Bác là Hồ Kăn Lịch, Hồ Đơm, Hồ Vai tuổi đã cao, nhưng vẫn nhớ như in những tháng ngày bà con các dân tộc trong vùng đồng cam cộng khổ cùng bộ đội chiến đấu trên mặt trận A Lưới, được bà con A Lưới đùm bọc, cưu mang. Nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình quân dân sau bao năm vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu. Anh hùng Hồ Đơm xúc động nói: “Khi bom đạn ác liệt là mỗi người một ngả, mỗi người một đường, không biết ai còn sống hay đã chết. Gặp lại đồng đội, đồng chí năm xưa rất bất ngờ, giống như trên trời rớt xuống.”
Mái đầu xanh của những người lính trẻ năm xưa giờ đã bạc. Trở lại chiến trường xưa là dịp để họ cùng nhắc lại ký ức về chiến tranh, được sống trong tình đồng đội, tình quân dân như thuở nào. Máu lửa khốc liệt đã qua. Ngày nay, “hoa” đã nở, cuộc sống đã hồi sinh trên những mảnh đất đau thương này. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất dành cho những cựu chiến binh, vì hơn ai hết họ hiểu cái giá để có được hòa bình như hôm nay.
. Theo VOV
|