472 dự án có tổng công suất trên 7.525MW tại 9 tỉnh trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên là con số được Bộ Công Thương cập nhật sau khi kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy hoạch và đầu tư tại các tỉnh miền Trung.
Chỉ tính riêng số lượng các dự án đã là một con số khổng lồ. Đáng tiếc, việc đầu tư thuỷ điện đang đặt ra những hậu quả khôn lường về môi trường, môi sinh, cạn kiệt tài nguyên rừng đầu nguồn, đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ dân.
|
Đập tràn thuỷ điện Đại Ninh. Ảnh: TTXVN |
Bội thực... thuỷ điện miền Trung
Theo Bộ Công Thương, trên địa bàn 9 tỉnh miền Trung (từ Quảng Nam đến Lâm Đồng), Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) đã phê duyệt quy hoạch bậc thang thuỷ điện trên hệ thống sông chính. Đối với quy hoạch thuỷ điện nhỏ, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch toàn quốc, UBND các tỉnh phê duyệt quy hoạch thuỷ điện nhỏ của tỉnh sau khi có thoả thuận với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trên thực tế thì sự bùng nổ của các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa, thậm chí rất nhỏ do địa phương cấp phép đã nằm ngoài “tầm với” của bộ.
Thống kê cho thấy, 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đều là những địa phương lập kỷ lục về thuỷ điện. Quảng Nam có 61 dự án; Kon Tum 68 dự án; Gia Lai 78 dự án; Lâm Đồng 71 dự án... Riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn xác định 79 vị trí tiềm năng xây dựng thuỷ điện đề nghị được bổ sung vào quy hoạch.
Qua kiểm tra 26 dự án thuỷ điện, trong đó 21 dự án đang thi công, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã chỉ ra những bất cập trong việc tồn tại quá nhiều dự án, với mật độ dày đặc là có sự sơ hở của chính quyền các địa phương trong việc cấp phép.
Hiện việc thẩm định quy hoạch thuỷ điện nhỏ và thiết kế cơ sở các dự án được tỉnh giao cho Sở Công Thương, trong khi các sở này vừa thiếu, lại vừa yếu về năng lực chuyên môn. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều dự án thuỷ điện được thông qua thiết kế cơ sở, nhưng sơ đồ khai thác chưa hợp lý, không tính toán đến khả năng khai thác cũng như năng lực truyền tải điện, gây tác động tiêu cực lớn đến môi trường - xã hội. Trong khi việc thẩm định để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư chưa đánh giá được toàn diện về năng lực tài chính, nhân lực quản lý, tình hình thực hiện các dự án khác dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai.
Dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 (chủ đầu tư EVN), mà Báo Lao Động đã phản ánh trong loạt bài “Làm thuỷ điện ở Quảng Nam: Chủ đầu tư quá vụ lợi” là ví dụ. Theo Bộ Công Thương, chỉ nội việc khoanh nuôi tái sinh rừng khi lấy đất rừng làm dự án, mặc dù các chủ đầu tư đều cam kết sẽ trồng mới, thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng việc thực hiện cam kết lại hầu như bị bỏ ngỏ.
Ưu tiên đến đời sống người dân bị mất đất
Một trong những lỗ hổng của quản lý thuỷ điện ở miền Trung thực hiện đầu tư theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Tỉnh cấp phép, phê duyệt quy hoạch, nhưng lại không giám sát đến nơi, đến chốn. Đến lượt chủ đầu tư lại phó mặc cho các đơn vị tư vấn, nhà thầu, nên chất lượng dự án đã yếu kém, lại càng tồi tệ. Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình giám sát, nghiệm thu chất lượng, bố trí đủ thiết bị quan trắc công trình.
Tại dự án TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) do EVN làm chủ đầu tư, do hầu hết các hộ dân không nhận đất tái định canh theo quy hoạch và đề nghị được nhận tiền bồi thường để tự lo đất sản xuất; trong khi đơn giá bồi thường, hỗ trợ năm 2009 tăng khoảng 3 lần so với năm 2008 và giá đất giữa các khu vực có chênh lệch lớn nên nhiều hộ dân khiếu kiện hoặc không chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ...
Tại dự án TĐ Đăk Mi 4, mặc dù dự án sắp hoàn thành, nhưng nơi ăn, chốn ở của các hộ dân vẫn chưa được quan tâm thoả đáng. UBND huyện Bắc Trà My đề nghị được bổ sung cơ sở hạ tầng cho các hộ dân tái định cư tự do, tăng thời gian hỗ trợ lương thực lên 36 tháng; đặc biệt tính toán nhu cầu xả nước qua đập về hạ lưu...
Đoàn công tác đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hợp lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng và đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Loại bỏ 38, điều chỉnh quy mô 35 dự án. Bộ Công Thương đã thống nhất loại bỏ 38 dự án thuỷ điện đã phê duyệt quy hoạch và các vị trí tiềm năng thuỷ điện của tỉnh Đắk Lắk; yêu cầu điều chỉnh quy mô của 35 dự án gây ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội, hoặc không phù hợp với các quy hoạch khác của tỉnh.
.Theo Báo Lao Động
|