Nhà Bác Hồ ở Tây Nguyên
10:20', 18/5/ 2010 (GMT+7)

“Không được đón Bác vào thăm, thì làm nhà rước Bác vào” - đó là ý tưởng thôi thúc Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum trước đây xây Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau 2 năm xây dựng, ngày 19.5.1984, kỷ niệm 94 năm ngày sinh của Bác, Nhà trưng bày đi vào hoạt động. 26 năm qua, “ngôi nhà của Bác” với tên gọi Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai - Kon Tum đã đón hàng triệu lượt đồng bào Tây Nguyên đến thăm tưởng nhớ Bác, trở thành nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ mai sau.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai - Kon Tum

Trong một khuôn viên đẹp ở khu vực ngã ba Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai- Kon Tum có kiến trúc khá độc đáo, hài hòa với cảnh quan và mang đậm sắc thái Tây Nguyên.

Trong hơn 3.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh đang trưng bày phục vụ nhân dân, có những hiện vật đặc biệt, chứa đựng giá trị vô giá về lòng tin suốt đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào Tây Nguyên. Một trong số ấy là bức tượng bằng đồng, được đúc thủ công trong những năm Chống Mỹ, tại làng Yít Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tượng mô phỏng hình ảnh Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê, cao 12,5cm.

Ngày ấy, Mỹ- Diệm đang lê máy chém đi khắp miền Nam, khủng bố man rợ những người theo kháng chiến, sự hiện hữu của bức tượng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, giúp mọi người vững tinh thần, một lòng tin theo Cách mạng. Để bảo vệ bức tượng, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Ia Lang đã hi sinh.

Chị Ngô Thị Thu Quyên, cán bộ Bảo tàng cho biết: “Mặc dù các dân tộc Tây Nguyên chưa một lần được đón Bác vào thăm nhưng Bác luôn hiện hữu và ở mãi trong trái tim của mọi người. Bức tượng đồng khắc họa chân dung Bác Hồ mang hình tượng một vị già làng đang chỉ huy, dõi theo từng chiến dịch, từng bước đi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bức tượng đã được các đồng chí trong chi bộ xã E3 sử dụng trong những dịp tuyên truyền, dân vận hoặc là kết nạp Đảng. Đông đảo khách tham quan đến đây, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, khi được nghe giới thiệu về bức tượng Bác Hồ đã để lại cho mọi người cảm xúc rất sâu lắng, nhiều người đã bật khóc”.

Phòng trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai- Kon Tum được bố trí theo 8 chủ đề, giới thiệu một số nét chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, sự quan tâm của Người đối với Tây Nguyên, tình cảm sâu nặng của đồng bào Tây Nguyên đối với Người và quyết tâm đi theo con đường Người đã chọn.

Hệ thống trưng bày cố định hài hòa cả về nội dung lẫn mỹ thuật đã tạo ra diện mạo riêng, thể hiện được nét độc đáo mang sắc thái Tây Nguyên rõ nét. Phần chú thích hiện vật ở đây được dịch ra tiếng một số dân tộc bản địa Tây Nguyên, như Gia Rai, Ba Nar, Sê đăng, tạo nên sự gần gũi với đồng bào từ những chi tiết nhỏ.

Ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc Bảo tàng, cho biết: “Đồng bào Tây Nguyên chưa có điều kiện được gặp Bác Hồ. Chưa được gặp Bác thì làm nhà rước Bác vào ở. Rước Bác thông qua tài liệu, thông qua hình ảnh, thông qua hiện vật của Người để học tập, chiêm ngưỡng. Thông qua những tài liệu hiện vật đó, hơn 26 năm qua Bảo tàng đã tuyên truyền cho công chúng, khách tham quan, đặc biệt nhất là đồng bào Tây Nguyên thì phải nói rằng đồng bào rất phấn khởi.”

Ở gian trưng bày trang trọng nhất, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đến thăm gặp ngay hình ảnh Bác đang vẫy chào với nụ cười đôn hậu. Bức tượng Bác cao 1,84m bằng chất liệu gỗ hương, một loại gỗ quý của núi rừng Tây Nguyên được ông Đinh Thanh Hoàn, một giáo dân, trú tại 105 đường Phan Đình Phùng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tạc trong thời gian 9 tháng bằng tất cả tình cảm của mình.

Sau này, khơi nguồn cảm hứng từ bức tượng, nhạc sĩ Văn Chừng đã sáng tác bài bát “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên”, lời bài hát như nói thay tình cảm của người dân Tây Nguyên với Bác.

Em Đinh Thị Sen, 17 tuổi dân tộc Ba Nar, ở làng Ô R, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai khi thăm Bảo tàng cho biết: “Khi bước vào Bảo tàng, em cảm thấy rất xúc động. Qua tranh ảnh và những hiện vật có ở Bảo tang, em thấy Bác là người sống rất tình cảm, thân thiện với nhân dân, thể hiện qua các hình ảnh Bác xuống ruộng cày với nhân dân, rồi Bác ôm các em thiếu nhi… Em nghĩ hiếm có một vị lãnh tụ của cả một đất nước sống giản dị đến thế”.

Đến nay, vượt lên trên chức năng của một Bảo tàng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai- Kon Tum đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa và giáo dục tư tưởng đạo đức của Người đối với các tầng lớp nhân dân khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là với thế hệ trẻ tỉnh Gia Lai.

Anh Nguyễn Minh Trưởng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai cho biết, trong các ngày lễ lớn, trong các dịp hè …, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh đến Bảo tàng báo công với Bác. Thông qua các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp các em nhận thức sâu sắc quyền và trách nhiệm của mình, phấn đấu học tập và hành động theo gương Bác…

Một trong nhiều hiện vật được Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Gia Lai- Kon Tum và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trân trọng giữ gìn, đó là bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19.4.1946.

Thư có đoạn viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê Đê, Sê Đăng hay Ba Nar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”

Bức thư mãi mãi là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết, đoàn kết hơn nữa chống lại mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay, góp sức xây dựng Tây Nguyên, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người. 

Năm nay, cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ. Bác  đã đi xa, song hình ảnh của Người, đạo đức tác phong của Người, tình yêu thương vô bờ bến của Người với quê hương đất nước vẫn sống mãi với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đổ xô xem trai khổng lồ có 15 viên ngọc  (12/05/2010)
500.000 USD giúp miền Trung cảnh báo sớm lũ lụt  (12/05/2010)
Cá mập mang bào thai bị bắt ở Hà Tĩnh   (11/05/2010)
Liên kết để phát triển du lịch Bắc miền Trung  (10/05/2010)
Cháy nhà rông lớn nhất Kon Tum  (10/05/2010)
Dịch lợn tai xanh bùng phát ở miền Trung  (05/05/2010)
Bí ẩn biệt thự hoa trắng  (04/05/2010)
Hội nhập vùng để tiến ra biển lớn  (04/05/2010)
Ngư dân Phú Yên được mùa cá ngừ đại dương   (04/05/2010)
Các tỉnh Tây Nguyên hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp  (03/05/2010)
Bùng nổ các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ   (30/04/2010)
Đà Nẵng: Khai mạc Tuần lễ văn hóa xứ Quảng và triển lãm Vietbuild  (29/04/2010)
Quảng Trị - Một thời hoa lửa  (28/04/2010)
Cá lạ xuất hiện ven biển miền Trung  (27/04/2010)
Những hạt gạo trên sàng   (27/04/2010)