Do nhu cầu đi và đến miền Trung bằng đường hàng không tăng cao, các sân bay tại khu vực này đang gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tăng chuyến, mở tuyến mới nội địa, khu vực cũng như quốc tế.
|
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đón chuyến bay quốc tế đến trực tiếp từ Hàn Quốc.
|
Đón đầu
Ông Phan Hữu Hưng, Chánh văn phòng Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung cho biết, đến hết quý 1.2010, 7 sân bay ở miền Trung đã đón gần 4.200 chuyến, tăng 12% so cùng kỳ, với gần 1,3 triệu lượt người, tăng 15%, đặc biệt hàng hóa thông qua các cảng hàng không tăng 63% so với cùng kỳ…
Nắm bắt nhu cầu đi lại của hành khách, một loạt sân bay ở miền Trung đã được Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) quyết định tăng chuyến, mở đường bay mới, sử dụng loại máy bay với sức chứa nhiều hơn. Đường bay thẳng Hà Nội - Chu Lai sẽ chính thức hoạt động từ ngày 2.6, với giá ban đầu chỉ 400.000 đồng/chiều (chưa gồm các khoản thuế và lệ phí khác) và mở 4 ngày/tuần (thứ hai, thứ tư, thứ sáu, chủ nhật bằng máy bay Fokker 70).
Hiện tại, sân bay Chu Lai khai thác tuyến bay thương mại từ Chu Lai - TPHCM. Việc mở thêm đường bay Chu Lai - Hà Nội sẽ kích cầu đầu tư vào KKT Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi). Không chịu kém người “anh em” Chu Lai, sân bay Phù Cát (Bình Định) cũng mới được Vietnam Airlines nâng tần suất bay vào TPHCM và ngược lại lên 7 chuyến mỗi tuần và bay ra Hà Nội và ngược lại 5 chuyến mỗi tuần. Rồi đến sân bay Vinh (Nghệ An) cũng vừa được quyết định tăng chuyến những ngày giữa tháng 5…
Kêu gọi đầu tư
Theo quy hoạch điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ về nâng cấp, mở rộng quy mô một số cảng hàng không tại miền Trung, ngoài các cảng hàng không quốc tế (CHKQT) đã được công bố như Đà Nẵng, Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Khánh Hòa), sắp tới khu vực này sẽ có thêm CHKQT Chu Lai.
Hiện một số sân bay đã được bố trí vốn để đầu tư nhà ga, đường băng đáp ứng việc tăng chuyến, mở tuyến bay mới nội địa và quốc tế. Sân bay Phù Cát mở rộng bãi đỗ máy bay từ 40.000m² lên 70.000m², với số vốn đầu tư trên 17 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ ngày 2.9 tới và thay thế toàn bộ máy bay nhỏ Fooker bằng máy bay lớn A320 có sức chứa 167 chỗ ngồi.
Cùng với Phù Cát, sân bay Chu Lai cũng đang gấp rút tìm đối tác đầu tư để thành sân bay quốc tế cấp 4F theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và là sân bay quân sự cấp 1. Quy hoạch đến năm 2015, Chu Lai sẽ xây dựng đường băng mới có chiều dài 4.000m, rộng 60m, đồng thời xây dựng hệ thống đường lăn đồng bộ với đường cất, hạ cánh để đón 4,1 triệu hành khách/năm... Nhu cầu vốn đầu tư cho sân bay Chu Lai trên 11.000 tỷ đồng và đã có nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, Canada, Pháp... đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư và đặc nhiều kỳ vọng vào dự án này.
Trong khi đó, với việc chính thức công bố trở thành CHKQT vào tháng 12.2009, một số hãng hàng không trên thế giới đã mở đường bay thẳng đến Cam Ranh, trong đó đặc biệt là đối tác Hàn Quốc, Nga. Theo nhận định của giới chuyên môn, ngay trong năm 2010, số khách qua sân bay Cam Ranh sẽ đạt 1,5 triệu lượt, năm 2015 có thể đạt tới 4 triệu lượt.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang mở rộng nhà ga để trong năm 2011 nâng sức chứa lên 2 triệu lượt người/năm và 4 triệu lượt người/năm vào năm 2015 với vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự án kéo dài đường cất, hạ cánh với số vốn gần 700 tỷ đồng sẽ kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2012. Hiện nay, sân bay quốc tế Đà Nẵng có đường bay trực tiếp đến Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Campuchia và Singapore...
Cũng theo ông Hưng, với quy hoạch mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, trong số 10 sân bay quốc tế của cả nước thì miền Trung có tới 4 sân bay (Phú Bài - Đà Nẵng - Chu Lai - Cam Ranh), đến năm 2015, trung bình mỗi sân bay tiếp nhận 4 triệu lượt khách, vị chi mỗi năm khu vực này sẽ đón 16 triệu lượt (chưa kể 3 sân bay còn lại). Điều này không những tạo thuận lợi để các địa phương khai thác thế mạnh về vận tải hàng không, tăng nguồn thu mà còn tạo động lực cho khu vực này… cất cánh.
. Theo SGGP |